Còn đó những trăn trở

GD&TĐ - Thực hiện quy định theo Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT, nhiều địa phương tiến hành các bước xét thăng hạng cho nhà giáo. 

Ảnh minh họa: Thế Đại
Ảnh minh họa: Thế Đại

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều bất cập từ phía địa phương khiến thầy cô thêm một lần trăn trở.

Bảo đảm quyền lợi nhà giáo

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, ông Tạ Việt Hùng cho biết, sở vừa có văn bản hướng dẫn xét công nhận hết tập sự, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (CDNN) với viên chức. Theo đó, với thời gian tập sự của viên chức, căn cứ theo Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 115/2020 của Chính phủ là 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào CDNN có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học và 9 tháng đối với trường hợp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng. Tiếp đó, là 6 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào CDNN có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

Trong danh sách 2.483 giáo viên và vẫn tiếp tục tăng cùng chung tâm tư gửi tới lãnh đạo TP Hà Nội, 100% đề xuất nguyện vọng được xét tuyển. Trong đó có giáo viên nhiều tuổi nhất sinh năm 1964 và chỉ còn 1 năm công tác.

Riêng các trường hợp được miễn thực hiện chế độ tập sự thực hiện theo Khoản 5, Điều 21 Nghị định số 115/2020 của Chính phủ. Trong đó, viên chức được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng của CDNN được tuyển dụng.

Ông Tạ Việt Hùng cũng cho biết, sở có hướng dẫn chi tiết về lập hồ sơ hết tập sự, đề nghị bổ nhiệm CDNN. Trong đó, giao các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hướng dẫn, xét công nhận và hoàn thiện hồ sơ xét hết tập sự cho những viên chức đủ điều kiện và được bổ nhiệm chính thức vào CDNN viên chức.

Cụ thể, với các đơn vị phân cấp, thủ trưởng đơn vị ra quyết định hết tập sự và bổ nhiệm CDNN của viên chức đơn vị mình xong trước ngày 1/9/2023. Hồ sơ bổ nhiệm CDNN viên chức lưu giữ tại đơn vị; gửi danh sách và quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức về sở GD&ĐT để tổng hợp trước ngày 10/9/2023.

Còn với đơn vị không phân cấp, thủ trưởng đơn vị gửi hồ sơ đề nghị xét hết tập sự và bổ nhiệm CDNN viên chức để sở xem xét và ra quyết định. Hồ sơ bổ nhiệm CDNN viên chức được nộp theo đơn vị trước ngày 1/9/2023.

Tại tỉnh Bắc Ninh, sở GD&ĐT đã thực hiện theo hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tại Văn bản số 680 (ngày 22/6/2023). Theo đó, quy định bổ nhiệm, chuyển xếp hạng CDNN từ các Thông tư liên tịch số 20 - 21 - 22/2015 (Bộ GD&ĐT) sang hạng CDNN theo quy định tại các Thông tư số 01 - 02 - 03/2021 (Bộ GD&ĐT) là bổ nhiệm sang hạng CDNN tương ứng, không phải thăng hạng. Cùng với đó, việc điều chỉnh bảng lương áp dụng đối với từng hạng CDNN bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 204/2004 của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên từng cấp học…

Cô trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh minh họa: ITN

Cô trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh minh họa: ITN

Còn những băn khoăn

Chia sẻ về quy định bổ nhiệm, chuyển xếp hạng CDNN, cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Giang (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), cho hay: Xét nâng hạng cho giáo viên thay vì thi rất hợp lý. Giáo viên căn cứ vào các điều kiện đã có, nếu đủ thì làm hồ sơ để xin xét. Như vậy, thầy cô giảm bớt áp lực, tập trung thời gian vào giảng dạy cũng như tổ chức các hoạt động cho học sinh.

Năm nay, Trường Tiểu học Ninh Giang có 17 giáo viên được xét thăng hạng. Cô Mỹ cho biết: “Trước khi nộp hồ sơ lên Phòng Nội vụ, nhà trường thông báo đến các giáo viên. Sau đó, chúng tôi thành lập tổ thẩm định, xét hồ sơ. Khi có kết quả, tổ thẩm định sẽ báo cho giáo viên. Trường hợp cần bổ sung thông tin hay có sai sót, tổ thẩm định sẽ thông báo nhằm hoàn thiện hồ sơ để các thầy cô không bị thiệt thòi vì những lý do không đáng có…”.

Là một trong 17 giáo viên vừa được xét nâng hạng của Trường Tiểu học Ninh Giang, cô Tống Mai Hoa bày tỏ: “Với 32 năm giảng dạy, việc xét nâng hạng cho giáo viên đã tạo nhiều thuận lợi. Quá trình chuẩn bị hồ sơ, chúng tôi cũng được giảm tải nhiều thủ tục hành chính. Đó là điều ai nấy đều phấn khởi, đặc biệt với người gắn bó với nghề lâu năm như tôi”.

Theo cô Hoa, trước đây, giáo viên ngoài mất thời gian chuẩn bị hồ sơ, ôn thi, đơn vị phải tổ chức thi cũng rất tốn kém. Trong khi đó, giáo viên rất bận rộn, ngoài thời gian giảng dạy ở trường, buổi tối phải chuẩn bị bài giảng. Vì vậy, giảm bớt được thủ tục hành chính, nhà giáo có thời gian trau dồi chuyên môn hơn.

Liên quan đến thăng hạng CDNN, gần 2.500 giáo viên các cấp tại TP Hà Nội lại không có được niềm vui trên. Các thầy cô cùng có tâm thư gửi tới cơ quan chức năng với nguyện vọng thành phố xem xét vấn đề thăng hạng CDNN.

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A đại diện gần 2.500 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng kính gửi giám đốc các sở (GD&ĐT, Nội vụ) về vấn đề thăng hạng CDNN. Theo thầy Đường, thăng hạng CDNN là sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên. Nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi đã gây ra nhiều bất công.

Thầy trò Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Sơn

Thầy trò Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Sơn

“Tôi và các bạn cùng học một trường đại học, ra trường, mỗi bạn về một địa phương nơi mình sinh sống. Cùng một xuất phát điểm, bằng cấp như nhau, cống hiến như nhau… Nhưng bạn tôi ở tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, được tăng lương, trong khi tôi ở Thủ đô phải thi và có thể trượt vì ngoại ngữ, thế hệ 7X chúng tôi không thể học giỏi và so sánh được với thế hệ trẻ hơn, thì rõ ràng cuộc thi không công bằng”, thầy Nguyễn Văn Đường bày tỏ và viện dẫn: Bộ GD&ĐT quy định về vấn đề này tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT thuộc trách nhiệm của từng địa phương và việc thăng hạng CDNN có thể được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt.

Nhiều tỉnh, thành như Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Bình Dương, Gia Lai…, giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở nhiều trường, THCS từ mấy năm trước cũng được xét thăng hạng mà không phải thi…

Còn thầy Lê Đức Dương, Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) cũng cho rằng nên bỏ thi và xét thăng hạng cho giáo viên. “Phân hạng cao thấp là bình thường, không thể đánh đồng tất cả, vì có người giỏi, khá, trung bình... Tuy nhiên, làm thế nào thì lãnh đạo phải nghĩ, để cho giáo viên yên tâm công tác, tránh bất bình đẳng và gây thêm áp lực cho thầy, cô giáo.

Theo tôi, cần căn cứ vào những đóng góp của giáo viên với ngành Giáo dục là tiêu chí quan trọng để xét thăng hạng. Không nên đặt nặng về bằng cấp (tất nhiên phải chuẩn với cấp học), cũng tránh được tình trạng bằng cấp làm đẹp hồ sơ nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua người giỏi thực sự. Thầy, cô giáo giỏi thực sự không khó để tìm ra…”, thầy Lê Đức Dương đưa ra quan điểm.

Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: “Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ