Lễ hội Linh tinh tình phộc 2024 sẽ có nhiều thay đổi

GD&TĐ - Theo Ban tổ chức, nghi thức lễ Mật thực hiện tại Lễ hội năm nay sẽ không để nhiều người vào bên trong miếu như năm trước.

Lễ hội Linh tinh tình phộc năm 2024 sẽ có nhiều thay đổi.
Lễ hội Linh tinh tình phộc năm 2024 sẽ có nhiều thay đổi.

Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là lễ hội Linh tinh tình phộc của người dân xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được tổ chức hằng năm vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng âm lịch.

Với nghi thức lễ Mật, lễ hội Trò Trám mang đậm tính phồn thực của vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng, phản ánh ước nguyện sinh tồn, cầu mong con người cùng cỏ cây được sinh sôi, xã hội phồn thịnh, đời sống no ấm, hạnh phúc…

Hằng năm, nghi thức lễ Mật trong đêm 11 tháng Giêng thu hút sự chú ý của nhân dân trong vùng mà còn trong cả nước.

Tuy nhiên, lễ hội Linh tinh tình phộc 2024 đã có sự thay đổi.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết, hiện công tác chuẩn bị lễ hội Trò Trám cơ bản đã hoàn tất. Nhưng lễ hội năm nay có một số thay đổi so với năm 2023.

Theo ông Thủy, nghi thức lễ Mật thực hiện vào lúc nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng sẽ không để nhiều người vào bên trong miếu như năm trước. Năm nay sẽ chỉ có người nam, nữ đã được lựa chọn thực hiện nghi thức và cụ từ ở trong miếu.

Ngoài ra, phần hội trong ngày 12 tháng Giêng cũng có một số thay đổi về số lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi... so với năm trước.

Về người nam, nữ thực hiện nghi thức lễ Mật, vị Chủ tịch xã Tứ Xã cho biết, đó là cặp vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990). Đây sẽ là lần thứ 9 vợ chồng anh Chiến thực hiện nghi thức lễ Mật.

Hằng năm, lễ hội thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh Phú Thọ.

Hằng năm, lễ hội thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh Phú Thọ.

Theo nghi thức truyền thống, sau lễ tế (lúc 23 giờ), đúng 0 giờ (ngày 12 tháng Giêng), cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và rước "nõ nường" - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ.

Người nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm "nõ"; một người nữ mặc yếm đỏ, váy thâm, đầu vấn khăn, cầm "nường".

Theo tương truyền, ba lần đâm trúng - mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần - được mùa; một lần là làm ăn kém…

Trong đêm tối chủ tế nghe tiếng “cạch” đủ ba tiếng đèn lại sáng.

Giây phút ấy, cụ Thủ từ sẽ vái lạy thần linh, đánh chiêng trống để báo mừng Lễ Mật thành công.

Cụ Từ sẽ hô to “Tháo khoán” để bắt đầu cho thời khắc nam nữ thanh niên trong làng được tự do vui chơi bên ngoài rừng trám.

Cô gái nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng đã thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Những đứa trẻ được sinh ra trong đêm “Linh tinh tình phộc” làng vui mừng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ đem lại sự phồn thực cho cả làng.

Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, chỉ còn hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn của lễ hội vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm và nguyện ước về sự phát triển phồn vinh của cư dân nông nghiệp.

Lễ hội Trò Trám là hoạt động văn hóa tinh thần của người Việt cổ. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của tỉnh Phú Thọ, đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của Quốc gia.

Lễ hội mang đậm tính phồn thực của vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng, phản ánh ước nguyện sinh tồn, cầu mong con người cùng muôn vàn cỏ cây được sinh sôi, phát triển, xã hội phồn thịnh, đời sống no ấm, hạnh phúc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.