Hàng trăm người lao xuống hồ nước bắt cá cầu may ở Tuyên Quang

GD&TĐ - Sau tiếng trống khai hội, hàng trăm người dân ở Tuyên Quang lao xuống hồ nước rộng lớn để bắt cá cầu may.

Người dân hồ hởi xuống hồ tham gia bắt cá.
Người dân hồ hởi xuống hồ tham gia bắt cá.

Ngày 19/2, (tức ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), UBND xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang) tổ chức Lễ hội Lồng tông (tên khác là Lồng tồng) và Hội thi bắt cá bằng tay năm 2024.

Lễ Hội Lồng tông là hoạt động thường niên được xã Năng Khả tổ chức vào dịp đầu xuân để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, bản làng bình yên, no ấm.

Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Lồng tông - Hội thi Bắt cá bằng tay cũng được tổ chức và đã thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Tại hội thi, chính quyền địa phương thả các loại cá rô phi, cá trắm, cá chép và cá trôi với cân nặng từ 0,5 đến 5 kg/con vào ao rộng (hồ) 2.000m2 với độ sâu 50cm.

Quy định đặt ra là người dân phải bắt cá bằng tay mà không dùng bất cứ loại vật dụng nào.

Sau trống lệnh khai mạc, người hào hứng lội xuống đầm dùng tay không để tìm kiếm vận may cho năm mới.

Trò chơi bắt cá bằng tay bắt nguồn từ hội bắt cá ruộng xa xưa của bà con trong vùng. Trước đây, đồng bào dân tộc Tày chỉ trồng một vụ lúa, vụ sau đắp bờ, lấy nước để nuôi cá. Khi chuẩn bị cho vụ lúa mới, cả làng ra ruộng bắt cá.

Ông Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết: Theo quan niệm của người dân nơi đây, ai bắt được nhiều cá hoặc bắt được con cá to sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, gia đình no ấm trong suốt năm ấy.

Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc dân gian độc đáo, không những nâng cao tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư mà còn mang tư tưởng khuyến nông khuyến ngư trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Việc tổ chức hội thi bắt cá nhằm thúc đẩy người dân hăng say lao động, sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Ngoài ra, đây cũng là một trong các hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

Bể cá mini tròn Bể cá mini