(GD&TĐ) - Vào dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các lễ hội truyền thống tại khắp các địa phương trong cả nước được tổ chức. Nhiều lễ hội có sức thu hút hàng ngàn du khách thập phương về dự. Song, lễ hội truyền thống hiện nay có còn giữ nguyên vẹn giá trị trong sáng của nó? Phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư Lê Trung Vũ, nguyên Trưởng Phòng Lễ hội, Viện Nghiên cứu Văn hoá Dân gian.
PGS Lê Trung Vũ |
Phóng viên (PV): PGS đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lễ hội truyền thống, vậy, xin ông lý giải về hoạt động của các lễ hội truyền thống hiện nay?
PGS Lê Trung Vũ: Lễ hội truyền thống vốn là sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người Việt cũng như các dân tộc thiểu số khác ở nước ta. Người dân mở hội đều có mục đích mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đó là sự tạ ơn và cầu xin thần linh phù hộ cho con cháu có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khoẻ, sự phát triển... Đi vào lễ hội để thấy được bản sắc văn hoá dân tộc. Còn mục đích mở hội để vui chơi chỉ nên coi là hệ quả song không thể thiếu.
Lễ hội xưa thường được mở vào 2 mùa: Xuân, Thu. Nhưng hiện nay, do thời gian hạn hẹp, nên người ta chỉ tập trung mở hội vào mùa xuân. So với các mùa khác trong năm thì mùa xuân là thời điểm trời đất giao hoà, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tràn trề sức sống. Đây cũng là thời điểm vừa thu hoạch xong mùa màng, người ta có nhiều lễ vật để dâng cúng thần linh.
Đã có một thời kỳ khá dài (từ 1954-1984), do chúng ta chưa nhận thức thấu đáo về ý nghĩa thiêng liêng của các lễ hội truyền thống nên đã coi nó như một thứ hủ tục văn hoá cần phải loại bỏ. Năm 1984, khi Nhà nước ta ban hành Pháp lệnh “Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh” thì lễ hội truyền thống mới có cơ sở pháp lý để phục hồi. Hiện tượng lễ hội truyền thống “bung ra” như là một quy luật tất yếu để bù lại thời gian “nằm im” khá dài từ trước.
PV: Thưa ông, không ít lễ hội truyền thống được khôi phục nhưng bên cạnh đó, nhiều lễ hội bị biến dạng. Ông nhìn nhận về hiện tượng này ra sao?
PGS Lê Trung Vũ: Lễ hội bây giờ rất phức tạp, từ năm 1986 xã hội mở cửa, quần chúng tự do mở lễ hội. Hiện nay có tình trạng nơi nơi mở hội làng, nhưng có những hội làng chẳng có nội dung gì. Một số lễ hội xa lạ và quá tốn kém với nhiều hoạt động rườm rà không cần thiết và không đi vào thực chất nên người đi hội muốn xem thì xem mà không thì... chẳng sao... Cái thiếu cơ bản của lễ hội truyền thống bây giờ là thiếu vắng yếu tố “thiêng”. Người người rủ nhau chơi hội là chính...
Ảnh minh họa |
Trước đây, trong tâm tưởng của người đi hội có thần linh ban phúc lộc nên họ đến khẩn cầu và lễ hội thu hút nhiều người cũng vì lẽ đó. Bây giờ thì nhiều người lại cầu xin theo hình thức thực dụng như dâng lễ lạt thật lớn, nhét tiền vào tượng hay rải tiền khắp nơi... Tâm lý cả năm đi hội một lần và tiền chi ở lễ hội vì mục đích từ thiện khiến người đi hội không tiếc tiền và không nghĩ bị lợi dụng hay tiêu xài hoang phí. Lễ lạt thì có dịch vụ chuẩn bị sẵn, rồi có người bê hộ, thậm chí người bê còn lễ khấn vái giúp... Cầu con, cầu lộc, cầu tình... phải tự mình làm mới thiêng chứ ai lại đi nhờ người khác làm hộ mình.
Người đi hội nhiều khi quên mất có thần linh nên làm những điều không hay, không phải ở chính các nơi lễ bái. Lễ hội bây giờ bị biến dạng còn bởi một lớp người ăn theo với các dịch vụ bói toán, xem số, giữ xe, cầu cúng...
PV: Có ý kiến cho rằng so với các lễ hội xưa thì lễ hội truyền thống hiện nay quy mô về mặt tổ chức nhưng lại đơn giản hoá về mặt tâm linh, PGS có đồng ý với nhận xét này?
PGS Lê Trung Vũ: Tôi thấy ý kiến này cũng có phần đúng. Tôi ngờ rằng, khía cạnh tâm linh của các lễ hội hiện nay bị “đơn giản” đi so với những lễ hội xưa là do có sự “điều chỉnh” của những cán bộ làm công tác văn hoá.
Thông thường, mỗi một lễ hội đều có 2 phần: lễ (thiêng liêng), hội (trần tục). Lễ hội xưa được các cụ làm rất bài bản về phần lễ nên thường kéo dài ngày. Phần “thiêng” được thể hiện rất rõ qua các nghi thức hành lễ. Còn lễ hội hiện nay, do bị giới hạn về thời gian nên ban tổ chức thường cắt bớt phần lễ đi cho gọn nhẹ, tính chất “thiêng liêng” vì thế cũng bị giảm bớt. Để lễ hội thực sự phát huy được ý nghĩa sâu sắc của nó, các địa phương nên có sự bàn bạc, thống nhất giữa những người làm công tác quản lý văn hoá và những nghệ nhân văn hoá.
PV:PGS nghĩ gì trước những hành vi như nhét tiền vào râu vào tay tượng; rác thải chất đống ngay trong khu vực các di tích, đền, phủ, chùa... trong mùa lễ hội?
PGS Lê Trung Vũ: Đền, chùa, miếu, phủ, đình... là không gian thiêng, là nơi thần linh ban phúc lộc cho chúng sinh. Theo tôi, có bốn yêu cầu không thể bỏ qua với không gian thiêng: thoáng, vệ sinh, tĩnh lặng và đặc biệt là phải có mỹ cảm. Vào đây, người đi hành hương phải cảm thấy thanh thản, dễ chịu, hướng đến sự linh thiêng. Không gian thiêng không thể bụi bặm, ồn ào. Ngay cả hương khói nhiều cũng tạo cảm giác không thoáng.
Người hành hương phải tâm thành, phải có mục đích rõ ràng. Ngay trong đời sống thường nhật cũng thế, chân thành, tôn trọng nhau thì mọi quan hệ xã hội sẽ tốt đẹp. Đã tâm thành thì không cần nhiều lời, không cần nhiều tiền. Các pho tượng trong đền, phủ, chùa... là đại diện thần linh, đòi hỏi phải tinh khiết, chúng ta chỉ bày tỏ lòng thành kính chứ không được chạm đến bức tượng.
Với việc rải tiền, ném tiền, nhét tiền... cũng thế. Đồng tiền có giá trị pháp lý, thay vì ném tiền xuống hồ, nhét tiền khắp nơi, rất xấu cảnh quan, sao không để vào hòm công đức, hoặc xếp ngay ngắn ở những vị trí thích hợp?
PV: Có nhiều người đi lễ nghĩ rằng bỏ tiền công đức nhiều nơi thì sẽ được phù hộ có nhiều tài, lộc hơn. Nhiều người khẳng định phải thắp hương, thể hiện tấm lòng ở tất cả các ban thờ thì mới "thiêng"? Vì thế, người đi lễ cứ thấy ban thờ, tượng... thì thắp hương, để tiền. Đền, phủ, chùa, miếu... vì thế phải mở rộng, thêm nhiều bát hương, nhiều ban thờ...
PGS Lê Trung Vũ: Nên quan niệm lòng thành kính không biểu hiện ở số nhiều mà phải biểu hiện ở sự đúng mức và thái độ có văn hóa. Lẽ ra Bộ VH-TT-DL phải quản lý cách tổ chức, quy định mỗi đền - chùa - miếu - phủ... chỉ nên có tối đa hai hòm công đức (một bên trong, một ngoài sân chẳng hạn). Không thể để việc mở rộng đền chùa chỉ để có thêm ban thờ mới, hương án mới, hòm công đức mới. Công đức bừa bãi như hiện nay, cứ đi vào bao nhiêu ban thờ là bấy nhiêu lần phải công đức, mạnh ai nấy thu rồi ăn chia. Tiền lẻ tràn ngập không gian thiêng cũng chỉ vì quá nhiều nơi để "rải", nếu cứ dùng tiền chẵn thì không có đủ tiền để rải như thế.
Lễ hội giờ đang trở thành cơ hội thu tiền cho những người quản lý di tích, cho những người "ăn theo" lễ hội với đủ thứ dịch vụ, mạnh ai nấy "chặt", cốt nhất là vơ lợi. Có thể nói, lễ hội cũng như hoạt động tín ngưỡng đang bị lạm dụng để kiếm tiền, trở nên hỗn loạn
PV:Lễ hội truyền thống bị lạm dụng, một phần do lỗi thiếu hiểu biết của nhiều du khách khi đến cầu tài, cầu lộc, cầu an…, PGS có nghĩ như vậy?.
PGS Lê Trung Vũ: Đúng! Nhiều du khách sẵn sàng vung hàng chục triệu đồng để sắm sanh lễ vật dâng cúng. Nhưng, họ không phân biệt được đâu là nơi thần ngự, đâu là nơi thần dự nên bày sắp lễ vật, thắp hương, khấn vái không đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Chúng ta phải biết rằng, hằng ngày, thần ngự ở đền chứ không ngự ở đình. Khi mở hội, dân làng mới rước thần từ nơi thần ngự (đền) đến nơi thần dự (đình). Và ngôi đình chỉ “thiêng” khi thần đã được rước tới. Mỗi một lễ hội nào đó, dù kéo dài hằng tháng cũng chỉ có 1-2 ngày chính hội. Chúng ta muốn cầu duyên, cầu tài, cầu sức khoẻ... thì nên chọn đúng ngày chính hội mà về, khi đó, lời cầu khấn mới “thiêng”, mới linh ứng.
PV: PGS có cho rằng nhiều lễ hội truyền thống hiện nay đang bị lạm dụng vì mục đích thương mại?
PGS Lê Trung Vũ: Có đấy, tôi thấy một số nơi họ đã làm hơi thái quá. Thái quá ở chỗ vì biết lễ hội của mình sẽ thu hút đông đảo du khách nên mới tính chuyện kinh doanh. Mà khi đã kinh doanh thì mình phải kéo dài ngày hội để bán được nhiều hàng hoá và thu được nhiều tiền công đức. Hệ quả là lễ hội bị rời rạc, đánh mất phần nào tính chất thiêng liêng khiến du khách cảm thấy nhạt nhẽo.
PV:PGS có thể gợi ýlàm sao để lễ hội giữ được nét cổ truyền một vài giải pháp về hướng đi cho lễ hội mới?
PGS Lê Trung Vũ: Chúng ta nên phát huy hơn nữa sự tham gia của người dân địa phương trong việc thiết kế, tổ chức các lễ hội. Những lễ hội mới cần phải được tính toán sao cho phù hợp về không gian, thời gian và địa điểm tổ chức để người dân hứng thú và cảm nhận đó là ngày hội của dân tộc mình, bản làng mình...
PV:Xin cảm ơn PGS
Đăng Huyền(thực hiện)