'Lấy xây để chống' trong công tác GD chính trị, đạo đức cho học sinh, sinh viên

GD&TĐ  - Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt vấn đề vấn đề “lấy xây để chống” trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tổng kết Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024, ngày 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh tổng kết Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024, ngày 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ngày 28/7, Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bước vào ngày làm việc cuối.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì, diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu.

Nhiều bài toán khó

Hôm nay, hội nghị chia làm 2 phiên thảo luận dành cho đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học.

Tại phiên thảo luận của các trường đại học, nhiều vấn đề mà các trường gặp khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV được nêu ra.

Trong đó, nhiều trường đại học đào tạo ngành Sư phạm gặp khó khi triển khai Nghị định 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo nhiều trường, thủ tục, hồ sơ liên quan đến quy định này vẫn còn bất cập, phức tạp.

Chính sách hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhiều trường nêu ra tại phiên thảo luận.

ThS Phạm Tuấn Hiệp - Trường Đại học Y Dược TPHCM nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở khối đại học. Ảnh: Mạnh Tùng.

ThS Phạm Tuấn Hiệp - Trường Đại học Y Dược TPHCM nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở khối đại học. Ảnh: Mạnh Tùng.

ThS Phạm Tuấn Hiệp - Trường Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, cần xem lại chế độ trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên hiện nay, bởi vật giá ngày càng leo thang, trong khi số tiền trợ cấp rất thấp.

Ông Hiệp cũng đề nghị xem xét quy định hỗ trợ cho sinh viên nghèo. Theo đó, thông tin, thủ tục “hộ nghèo” cần được cập nhật liên tục để hỗ trợ đúng người.

“Có thực tế là việc xác nhận hồ sơ hộ nghèo được thực hiện từ đầu năm, nhưng qua năm sau, em sinh viên đó có thể đã ở diện thoát nghèo. Hoặc cũng có em đầu năm chưa thuộc diện hộ nghèo nhưng sang năm sau thì có”, ThS Hiệp nêu vấn đề.

TS Đinh Văn Hải - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ cho sinh viên cần phân định rõ cho các trường tự chủ và chưa tự chủ. Bởi hai mô hình này khác nhau nên cần chính sách khác nhau.

Cũng theo TS Hải, hiện có khá nhiều bộ, ban, ngành cùng ban hành các quy định về chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên với nhiều mức hỗ trợ khác nhau. Chưa kể, thủ tục, giấy tờ để học sinh, sinh viên chứng minh để nhận được hỗ trợ cũng rất phức tạp.

“Tôi đề nghị cần có văn bản hợp nhất về vấn đề chế độ chính sách, hỗ trợ tài chính cho người học”, ông Hải đề xuất.

Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) điều hành phiên thảo luận của các trường đại học. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) điều hành phiên thảo luận của các trường đại học. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ở khối Sở GD&ĐT, hơn 10 đại biểu từ các địa phương cũng góp ý kiến vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh phổ thông.

Theo đó, công tác này ở các địa phương vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Sự quan tâm, chỉ đạo ở nhiều địa phương chưa sâu sát, nhiều nơi vẫn xảy ra các sự việc đáng tiếc liên quan đến học sinh.

Ngoài ra, các trường hiện đang thiếu và yếu đội ngũ làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV. Một số đại biểu đề xuất cần có chế độ hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác này.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) báo cáo kết quả phiên thảo luận của các Sở GD&ĐT. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) báo cáo kết quả phiên thảo luận của các Sở GD&ĐT. Ảnh: Mạnh Tùng.

Lấy xây để chống

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm và cả những hy sinh thời gian dành cho bản thân, gia đình của các thầy cô làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV tại các trường.

Theo Thứ trưởng, muốn làm tốt công tác này, nhà trường và các thầy cô phải thấu hiểu học sinh, sinh viên để biết họ đang gặp khó khăn gì trong cuộc sống, gia đình và việc học tập. Từ đó, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV mới có phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên thảo luận chung về công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên, ngày 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên thảo luận chung về công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên, ngày 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trong công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV năm học 2023-2024, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt ra một số vấn đề:

Thứ nhất, thầy cô cần nắm bắt kịp thời thông tin tình hình chính trị nội bộ, tư tưởng, tâm tư của học sinh, sinh viên. Muốn làm tốt điều này, thầy cô phải là người gần gũi với các em và có phương pháp, kỹ năng phù hợp.

Thứ hai, cần đặt vấn đề giáo dục chính trị, công tác HSSV trong bối cảnh không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ. Thầy cô và cha mẹ phải hiểu biết các nguy cơ từ không gian mạng, quan tâm hơn đến vấn đề này. Cách tiếp cận ở vấn đề này cũng cần kỹ năng khéo léo, mềm dẻo.

Thứ ba, Thứ trưởng đặt vấn đề một bộ phận học sinh, sinh viên suy thoái đạo đức, lối sống và tình trạng bạo lực học đường.

Muốn giải quyết vấn đề này, cần uốn nắn học sinh, sinh viên và ngăn chặn bạo lực học đường từ gốc. Các hoạt động, hình thức ngăn chặn bạo lực học đường cũng cần đổi mới, áp dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Thứ tư, kỹ năng sống của học sinh, sinh viên đang yếu và thiếu. Do đó, cần tập trung vào các mối quan hệ xã hội, gia đình của học sinh, sinh viên; thông qua các câu lạc bộ, mô hình để giúp học sinh có các kỹ năng ứng phó với các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống, tệ nạn xã hội.

Ở đây, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của cán bộ làm công tác HSSV, giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội, tổ tư vấn tâm lý…

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nêu 2 lưu ý về nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV trong thời gian tới là: Phối hợp và tham mưu.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn hóa hệ thống văn bản về công tác này nên đội ngũ cán bộ cần nghiên cứu, tham mưu cho nhà trường, UBND các cấp, các Sở GD&ĐT những nội dung liên quan.

Thứ trưởng nhấn mạnh sự phối hợp giữa ngành giáo dục với ban, ngành khác phải thông suốt từ trên xuống dưới.

Bà nêu một ví dụ, trong 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định hiện nay, có nhóm “trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở”. Tuy nhiên ở một số địa phương, khi được hỏi thì lực lượng công an không nắm được số liệu này.

“Như vậy, trường ở địa bàn đó đã không cung cấp số liệu về xã nên họ không nắm được. Do đó, khi đã có con số thì chúng ta phải đưa về xã, về công an để tất cả cùng phối hợp, vào cuộc. Nếu không, chúng ta cứ mãi 'đơn thương độc mã'”, Thứ trưởng nói.

Các đại biểu dự hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang trong 2 ngày 27 và 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Các đại biểu dự hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang trong 2 ngày 27 và 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ của các cơ sở giáo dục cũng được Thứ trưởng nhắc nhở "không chủ quan".

Bà nêu thực trạng, nhiều học sinh bị các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục làm việc vi phạm pháp luật. Từ đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt vấn đề “lấy xây để chống” trong công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV.

Theo đó, các Sở GD&ĐT, nhà trường cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, lan tỏa thông điệp tích cực; tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Các mô hình hay, tích cực từ các nhà trường, địa phương cần được nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ