Cần biện pháp có chiều sâu trong giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, trong giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên, cần biện pháp đột phá, có chiều sâu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên và tập huấn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên và tập huấn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục”.

Chiều 30/9, tại Trường Đại học Vinh, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên và tập huấn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục”.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 30/9 đến 1/10. Dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, đại diện Bộ Công an và hơn 500 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng và Sở GD&ĐT trên cả nước.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Phát biểu khai mạc hội nghị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá, năm học 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều hoạt động giáo dục phải chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp song song trực tiếp với trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, đại diện Bộ Công an và hơn 500 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng và Sở GD&ĐT trên cả nước tham dự hội nghị tổ chức tại Trường ĐH Vinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, đại diện Bộ Công an và hơn 500 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng và Sở GD&ĐT trên cả nước tham dự hội nghị tổ chức tại Trường ĐH Vinh.

Tuy nhiên, với vai trò của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu được nhiều văn bản quan trọng, đó là Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; Chỉ thị số 08 về tăng cường văn hóa học đường, triển khai đề án về hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với ban, ngành liên quan tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Điều ước cho em”… hỗ trợ học sinh khó khăn để các em yên tâm tới trường. Bên cạnh đó, đã triển khai nhiều hoạt động về phòng chống ma túy, tội phạm, an toàn giao thông.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước, tổ chức linh hoạt và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh. Trong đó, giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên (HSSV), đảm bảo an ninh, an toàn học đường được chú trọng, đạt hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, nhất là khi hiện nay toàn ngành đang thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên thực tế trong quá trình triển khai vẫn có những hạn chế như vấn đề phòng chống bạo lực học đường, việc bố trí cán bộ làm công tác giáo dục đạo đức lối sống chưa được quan tâm, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giáo dục kỹ năng sống chưa đáp ứng được yêu cầu đỏi hỏi của thực tiễn.

Năm học 2022-2023, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý giáo dục chính trị, công tác HSSV phải được chú trọng và bám sát vào tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần phải bám sát mục tiêu để giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Coi trọng việc giáo dục các kỹ năng cơ bản và phát triển năng lực cá nhân, tính năng động sáng tạo của học sinh sinh viên. Với mục tiêu giáo dục đại học phải đào tạo người học có phẩm chất đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có năng lực và kiến thức thực hành nghề.

Triển khai giải pháp mang tính đột phá

Trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, yêu cầu đặt ra với công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HSSV cần phải quan tâm đến môi trường học tập để xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện có thể phát huy hết thế mạnh người học.

Hội nghị thảo luận và đề ra các giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên.

Hội nghị thảo luận và đề ra các giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên.

Về vấn đề an toàn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng là một môi trường không có tai nạn thương tích, không có cháy nổ, không có bạo lực học đường, không có ma túy… Để làm tốt điều này, phải làm tốt công tác truyền thông để không có hành vi tiêu cực trong nhà trường, đẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu để khơi gợi nghị lực, cống hiến trong thế hệ trẻ.

Trong quá trình triển khai cần coi trọng công tác giáo dục HSSV, lắng nghe và thấu hiểu học sinh để có biện pháp hỗ trợ. Song song với đó, cần tiếp tục giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để các em có kỹ năng ứng phó với các tình huống, vượt qua những cạm bẫy, cám dỗ học sinh, sinh viên, lấy người học làm trung tâm.

Để làm tốt nội dung trên cũng cần quan tâm đến công tác phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan, với các tổ chức chính trị xã hội. Tính kết nối cần chuyên nghiệp dần lên, triển khai tốt hơn, ứng dụng số hoá… để hiệu quả hơn, thật sự đi vào chiều sâu.

Công tác giáo dục HSSV cần hướng đến phát triển năng lực toàn diện người học.

Công tác giáo dục HSSV cần hướng đến phát triển năng lực toàn diện người học.

Tại hội nghị, tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phạm Hùng Anh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên – nhấn mạnh mục tiêu quan trọng của giáo dục chính trị, công tác HSSV. Đó là “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Thực hiện mục tiêu quan trọng trên, có 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm Giáo dục chính trị tư tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; Giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên; và Công tác học sinh, sinh viên.

Đồng thời, xác định nhiệm vụ của giáo dục chính trị và công tác HSSV thời gian tới cần có những thay đổi mang tính đột phá, dựa trên quan điểm, mục tiêu thống nhất đối với cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học. Trong năm học 2022-2023, ông đề nghị cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ. Trước hết là thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo. Tham mưu ban hành và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với HSSV. Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cách mạng cho HSSV. Tăng cường xây dựng văn hóa học đường. Triển khai tốt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV.

Đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên. Tại hội nghị, các đại biểu cũng có tham luận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục chính trị, công tác HSSV trong trường phổ thông, cơ sở đào tạo nghề, trường ĐH, CĐ.

Trong ngày mai (1/10), hội nghị sẽ tiếp tục với chương trình tập huấn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục. Bao gồm một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý những nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật trên không gian mạng đối với ngành giáo dục. Bên cạnh đó, tập huấn chuyên đề thực trạng tình hình tội phạm hiện nay, những vấn đề đặt ra trong công tác phòng chống tội phạm và xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ