Lấy trẻ làm trung tâm xây dựng chuẩn hiệu trưởng mầm non

GD&TĐ - Một trong những ưu điểm Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non mới là lấy sự phát triển của trẻ làm trung tâm trong xây dựng chuẩn. Đây là cách tiếp cận hiện đại trong quản lý giáo dục nói chung, trong quản lý trường mầm non nói riêng. 

Lấy trẻ làm trung tâm xây dựng chuẩn hiệu trưởng mầm non

Báo GD&TĐ đã trao đổi với PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, giảng viên cao cấp Học viện Quản lý giáo dục, Trưởng nhóm nghiên cứu xây dựng Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non về những điểm mới trong dự thảo lần này.

Ưu tiên sự phát triển của trẻ

Thưa PGS. TS Đặng Thị Thanh Huyền, bà có thể cho biết những điểm mới trong việc xây dựng chuẩn hiệu trưởng trường mầm non là gì?

- Theo cách tiếp cận truyền thống, mọi hoạt động của nhà quản lý trường mầm non đều có quy định, hướng dẫn cụ thể, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường rất thấp, trong đó trẻ được coi là một trong các đối tượng của hoạt động quản lý như quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ (của giáo viên, nhân viên), quản lý trẻ em, quản lý hành chính và hệ thống thông tin…

Lấy trẻ làm trung tâm trong quản lý trường mầm non coi sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm, thẩm mỹ, trí tuệ, nhân cách của trẻ là mục tiêu của tất cả các hoạt động quản lý nhà trường có thể coi sự phát triển của trẻ là cái đích mà mọi năng lực lãnh đạo và quản lý trường mầm non phải đạt được thông qua các hoạt động quản lý nhà trường một cách tự chủ hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn.

Với cách tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm, chuẩn hiệu trưởng trường mầm non có ba điểm mới quan trọng như sau:

 PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, giảng viên cao cấp Học viện Quản lý giáo dục

Thứ nhất, Coi sự phát triển của trẻ là thước đo thành công của hiệu trưởng. Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non mới không coi quản lý trẻ chỉ là 1 năng lực của hiệu trưởng, mà sự phát triển của trẻ là mục đích cần đạt của mọi năng lực của hiệu trưởng. Ở dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non không có tiêu chí riêng về “Quản lý trẻ em của nhà trường” (Tiêu chí này hiện đang được sử dụng trong chuẩn hiệu trưởng mầm non hiện hành, theo Thông tư số 17/2011 /TT-BGDĐT ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Thứ hai, chuyển từ “quản lý” sang “quản trị” nhà trường. Có nhiều ý kiến tranh luận về sử dụng thuật ngữ “quản lý” hay “quản trị”. Trên thực tế hai thuật ngữ này có cùng bản chất, tuy nhiên thuật ngữ “quản lý” thông thường được dùng trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội tầm vĩ mô, còn thuật ngữ “quản trị” thường dùng ở phạm vi nhỏ hơn đối với một tổ chức, một doanh nghiệp.

Quản trị trường học là cách thức để những người/nhóm người có thẩm quyền (thường là hội đồng) hướng dẫn, giám sát các mục tiêu, giá trị của nhà trường thông qua các quy định, phương pháp và quy trình thực hiện.

Thứ ba, mục đích trọng tâm của chuẩn là “phát triển năng lực của hiệu trưởng liên tục”.

Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non không phải là văn bản liệt kê các nhiệm vụ của hiệu trưởng được quy định ở các văn bản khác, mà là đưa ra các năng lực cốt lõi của hiệu trưởng trường mầm non để thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện tự chủ và trách nhiệm giải trình ngày càng cao.

Trong đó mục đích của Chuẩn không phải để phân loại, so sánh hiệu trưởng nào giỏi hơn hay yếu hơn, mà chủ yếu để hỗ trợ hiệu trưởng (hoặc những người có nguyện vọng trở thành hiệu trưởng) tìm ra những “vùng lõm” về năng lực để tự học, tự bồi dưỡng, hoặc đăng ký để được cơ quan cấp trên bồi dưỡng thường xuyên, liên tục để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Vai trò của người quản trị trường học

Theo PGS, ở điểm mới thứ 2, bà có nói đến thuật ngữ “quản trị trường học”, vậy vai trò của người quản trị trường học trong Chuẩn mới được thể hiện như thế nào?

- Quản trị trường học là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm vận hành và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một nhà trường; là những phương cách để những người có thẩm quyền lãnh đạo hướng dẫn và giám sát các mục tiêu và giá trị của nhà trường thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.

Nhà quản trị trường học là người chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý thông qua việc phân chia trách nhiệm, nguồn lực và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nhà trường.

Quản trị trường mầm non bao hàm các hoạt động như quản trị chiến lược nhà trường, quản trị tổ chức, quản trị nhân sự, quản trị các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, quản trị tài chính, cơ sở vật chất, xây dựng môi trường giáo dục, phát triển quan hệ xã hội. Năng lực quản trị nhà trường có thể hiểu là năng lực làm việc với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng các định hướng phát triển, tổ chức thực hiện và giám sát quá trình, kết quả đạt được của nhà trường.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ