Theo đó, năm 2022 tỉnh Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số và thu được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã thành lập được 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng với 6.502 thành viên. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%.
Hệ thống được kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản quốc gia. Ứng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương. Triển khai tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng lên phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 4 cấp. 47,13% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang; 61,82% số thuê bao băng rộng di động có phát sinh lưu lượng; 1.403 doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 83,2% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 13.545 lượt giao dịch, 29.797 hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart…
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như: chưa thu hút được các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển vào chuyển đổi số do thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động còn nhỏ hẹp; trình độ nhận thức của người dân về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế; nguồn nhân lực về chuyển đổi số, đặc biệt là nhân lực về an toàn thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số còn thiếu…
Năm 2023, Cao Bằng sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu tập trung theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với phương châm "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".
Cụ thể, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
Đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả từ các hoạt động chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, ngành, địa phương nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nguồn lực của quá trình xây dựng chính quyền số của địa phương và nhu cầu thực tiễn của xã hội, của người dân, doanh nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, đặc biệt là tránh hình thức.
Đồng thời, các sở, ban, ngành, các thành viên ban chỉ đạo, thành viên Tổ giúp việc phải bám sát chủ đề chuyển đổi số năm 2023 đó là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh.