Lấy cũ luyện mới chuẩn bị triển khai Chương trình mới lớp 4, lớp 5

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Giáo dục tiểu học bước vào năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) năm 2018.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (Lào Cai). Ảnh: NTCC
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (Lào Cai). Ảnh: NTCC

Để tạo đà cho triển khai lớp 4 và lớp 5, các trường đã chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục theo chương trình mới dựa trên nội dung hiện hành.

Sẵn sàng cùng đổi mới

Theo hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022 - 2023, đối với lớp 4 và lớp 5, trên cơ sở CT GDPT 2006, các sở/phòng GD&ĐT sẽ giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới CT GDPT. Cùng đó, với học sinh lớp 5, quá trình dạy học cũng yêu cầu chú trọng rèn luyện các kỹ năng và tạo tâm thế sẵn sàng học lớp 6 theo CT GDPT 2018.

Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang), trao đổi: Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh các lớp học theo chương trình hiện hành được trường triển khai từ năm học trước. Do đó, trong xây dựng kế hoạch giáo dục với khối 4, 5, trường tiếp tục cụ thể hóa yêu cầu này ở từng tuần và điều chỉnh các nội dung như giáo dục địa phương, giáo dục an ninh quốc phòng theo định hướng CT GDPT mới.

Với Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng, chia sẻ: Năm học này, trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên dạy khối 4, 5 để xem xét lại nội dung nào của chương trình 2006 còn phù hợp thì triển khai, nội dung nào rườm rà sẽ lược bỏ và bổ sung dữ liệu theo chương trình mới.

Ví như môn Giáo dục thể chất, phần bài tập thể dục tay không, chỉ cần thực hiện trong 3 tiết nhưng ở chương trình hiện hành kéo dài tới 2 tháng. Tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn sẽ làm gọn và đưa các hoạt động mới phù hợp, được học sinh yêu thích vào như bóng rổ, trò chơi vận động, nhảy aerobic… Như vậy sẽ giúp học sinh được vận động và phát huy năng lực theo yêu cầu, sở thích.

Việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh lớp 5 chuyển cấp đảm bảo thích nghi được CT GDPT mới cũng được trường xây dựng lộ trình, đưa hoạt động giáo dục phù hợp theo yêu cầu (giáo dục giới tính, lứa tuổi; môn vận động…) vào dạy học sinh lớp 5. Cùng đó, sẽ mời toàn bộ phụ huynh khối 5 họp và thông qua chủ trương đổi mới chương trình. Trên cơ sở đó chủ động chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập; đồng hành cùng trẻ khi học tại nhà...

“Trường cũng tiến hành dạy tích hợp môn Hoạt động trải nghiệm (không có ở khối 5 theo CT GDPT hiện hành) vào các tiết Tiếng Việt, Sử, Địa… Như vậy, khi bước vào lớp 6, học sinh có thể tiếp cận ngay với cách “học đi đôi với hành” của CT GDPT mới”, cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hoa Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) thông tin.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới CT GDPT được Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) coi trọng và triển khai linh hoạt. Minh chứng là, đội ngũ giáo viên lớp 4, 5 dù dạy học theo nội dung chương trình hiện hành nhưng 100% thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình mới.

Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai, Lào Cai) đã tiến hành rà soát chương trình hiện hành so với CT GDPT 2018 để sắp xếp những nội dung, vấn đề có thể liên thông phù hợp của lớp 4 với lớp 5, lớp 5 với lớp 6 đưa vào dạy học. Hơn thế, việc sắp xếp nội dung đồng tâm lớp 5 và lớp 6 được đẩy mạnh nhằm đảm bảo học sinh lớp 5 học theo CT GDPT mới không bỡ ngỡ…

Dạy học theo CT GDPT mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (Lào Cai). Ảnh: NTCC

Dạy học theo CT GDPT mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (Lào Cai). Ảnh: NTCC

Không làm khó giáo viên

Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới CT GDPT đang được nhà trường triển khai đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp điều kiện thực tế.

Các trường cũng sắp xếp, điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập phù hợp với học sinh; không cắt xén cơ học, tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học. Cách thức tổ chức hoạt động giáo dục sẽ nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; Tạo điều kiện để trẻ được học tập các môn học tự chọn và tham gia hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học... nhưng cũng không gây khó khăn cho giáo viên.

Chia sẻ thông tin, cô Phạm Thị Huệ nhìn nhận, có được kết quả này bởi đã bước sang năm thứ 3 triển khai theo CT GDPT mới; đội ngũ đã xác định được mục tiêu giáo dục tiểu học trong những năm tiếp theo. Giáo viên cũng hiểu rằng chỉ cần đảm bảo tốt chuyên môn, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, linh hoạt trong triển khai… sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo CT GDPT 2018 dù đang triển khai CT GDPT hiện hành.

Còn theo cô Lê Thị Tuyết Lan, ban đầu giáo viên dạy lớp 4, 5 cảm thấy không thoải mái khi thực hiện CT GDPT 2006 nhưng soạn giáo án, thay đổi phương pháp dạy học theo CT GDPT mới. Nhưng sau khi tiếp cận chương trình mới, tất cả cùng hiểu nếu dạy cái cũ, phương pháp cũ sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực học sinh và đổi mới CT GDPT… nên đều tích cực chuyển đổi. “Vì vậy, dạy chương trình cũ theo phương pháp mới… khó nhất là nhận thức của giáo viên. Nếu tư tưởng đã thông thì đổi mới không là thách thức…”, cô Lan nói.

Khẳng định triển khai CT GDPT hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực ở lớp 4, 5 không làm khó giáo viên, cô Nguyễn Thị Tô Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (Lào Cai), đồng thời viện dẫn: Nhà trường từng triển khai Mô hình “Trường học mới” nên thành thạo phương pháp, cách thức phát triển năng lực học sinh. Hơn thế, đã ở năm thứ 3 triển khai CT GDPT mới, giáo viên lớp 4, 5 qua nhiều lần tập huấn thì dù dạy chương trình hiện hành theo mục tiêu mới vẫn thuận lợi.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh gần như không được tham gia hoạt động trải nghiệm. Do đó, việc dạy học lớp 4 theo tinh thần của CT GDPT mới trước hết sẽ tăng cường hoạt động trải nghiệm ở các môn học có thể triển khai. Ví như môn Lịch sử, Đạo đức… cho học sinh tham quan bảo tàng lịch sử, viết và báo cáo thu hoạch theo nhóm để tất cả tham gia và nắm được bài; Nếu điều kiện trải nghiệm thực tế khó khăn, giáo viên sẽ chuẩn bị bài giảng PowerPoint với đầy đủ hình ảnh, âm thanh, tư liệu thông tin để dạy. Cách trải nghiệm này cũng giúp học sinh cảm nhận được không khí, yêu cầu kiến thức bài học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.