Vào guồng dạy học theo Chương trình mới

GD&TĐ - Mặc dù còn có khó khăn nhất định, nhưng việc triển khai dạy học theo Chương trình mới tại các trường THPT đã vào guồng sau 2 tuần học.

Giờ học của cô trò Trường THCS - THPT Hòa Bình (Trà Ôn, Vĩnh Long).
Giờ học của cô trò Trường THCS - THPT Hòa Bình (Trà Ôn, Vĩnh Long).

Linh hoạt thời khóa biểu, phân công chuyên môn

Triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) xây dựng 6 nhóm môn cho học sinh (HS) lựa chọn và được tư vấn kỹ trước khi chọn môn. Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Hải Yến, lần chọn đầu tiên của HS là sau khi trường công khai các nhóm tổ hợp.

Sau đó, các em được tư vấn trực tiếp bởi chuyên gia (do nhà trường mời) và có thêm một tuần để suy nghĩ, đổi nguyện vọng. Dựa vào lựa chọn của HS, nhà trường tiến hành xếp lớp. Khi đã công khai lớp, thời điểm chưa vào học chính thức, cũng có 5 - 6 HS xin đổi nguyện vọng lần nữa. Từ đó đến nay, việc tổ chức dạy học tại các lớp ổn định.

Triển khai chương trình mới, các môn học được bố trí thời gian dạy linh hoạt, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy đều ở các tuần. Để bố trí thời khóa biểu phù hợp cho các môn học, hoạt động giáo dục, chuyên đề học tập và nội dung giáo dục địa phương, ban đầu nhà trường cũng có chút khó khăn. Khác với môn học chính, chuyên đề học tập nhằm đào sâu vào một vấn đề nào đó nên chỉ được thực hiện khi HS đã được trang bị kiến thức ở mức độ phù hợp.

Bởi vậy, có giáo viên (GV) bố trí dạy chuyên đề vào tuần 3 đến tuần 7; nhưng cũng có thầy cô dạy ở tuần 9, 10… Do đó, giải pháp được nhà trường thực hiện là lên thời khóa biểu các môn học vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Chuyên đề học tập và nội dung giáo dục địa phương bố trí thời khóa biểu riêng, linh hoạt vào thứ 7, HS có thể di chuyển đến các lớp học theo nhu cầu. Căn cứ vào kế hoạch của GV, tổ chuyên môn, nhà trường đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai các chuyên đề, nội dung giáo dục địa phương từ tuần thứ 3.

“Để việc dạy học nhanh chóng vào guồng, chúng tôi có sự chuẩn bị rất kỹ trước đó. Nhà trường phải ra được chương trình, để từ đó xây dựng kế hoạch dạy học; có kế hoạch dạy học mới xếp được thời khóa biểu. Muốn có được chương trình lớn của nhà trường thì các chương trình nhỏ từ các tổ bộ môn, từng GV phải ăn khớp” - cô Trần Thị Hải Yến chia sẻ.

Trường THCS - THPT Hòa Bình (Trà Ôn, Vĩnh Long) cũng ổn định tổ chức dạy học với lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018. Việc xếp lớp hoàn tất sau 3 lần tư vấn cho phụ huynh, HS lựa chọn môn học. Chia sẻ về bước đầu triển khai, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Bảo cho biết, thuận lợi của nhà trường là GV có trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy các bộ môn theo chương trình mới.

Đa số phụ huynh HS quan tâm, đồng thuận với các tổ hợp môn nhà trường dự kiến. HS lựa chọn tổ hợp môn với tinh thần nghiêm túc. Tuy nhiên, khó khăn phát sinh là kết quả lựa chọn tổ hợp môn không đúng như dự kiến (bị lệch 1 lớp). Phương tiện trình chiếu, tivi không đủ trang bị cho HS khối lớp 10 nên ảnh hưởng phần nào trong quá trình giảng dạy, nhất là những tiết học cần ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

“Do kết quả lựa chọn tổ hợp môn bị lệch 1 lớp so với dự kiến nên nhà trường đã điều chỉnh phân công chuyên môn theo kết quả lựa chọn tổ hợp môn của HS. Cụ thể, cân đối lại các tiết dạy tự chọn, phân công chủ nhiệm, điều chỉnh chuyên đề học tập. Trường cũng bố trí 2 phòng trang bị đầy đủ tivi, mạng Internet để GV dạy các tiết học cần ứng dụng CNTT.

Mong rằng, sở GD&ĐT có chỉ tiêu tuyển dụng thêm GV Âm nhạc, Mỹ thuật bậc THPT phân bổ về các trường để thuận lợi hơn trong quá trình phân công giảng dạy, cũng như đưa thêm 2 bộ môn này vào tổ hợp môn để HS lựa chọn” - thầy Nguyễn Hồng Bảo chia sẻ.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Cùng nhà trường khắc phục khó khăn

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Tiền Giang tuyển sinh 377 lớp 10 với 16.559 HS. Chia sẻ của ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc sở GD&ĐT, các trường tổ chức tốt Chương trình GDPT 2018. Qua khảo sát, một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng việc tổ chức các chuyên đề học tập lớp 10, sở đã kịp thời hướng dẫn điều chỉnh theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn còn hiện hữu. Ông Nguyễn Phương Toàn cho biết, về đội ngũ, tỉnh Tiền Giang chỉ có 2/38 trường có GV giảng dạy môn Nghệ thuật. Về cơ sở vật chất, các trường bảo đảm phòng học, phòng bộ môn để triển khai Chương trình GDPT 2018; tuy nhiên đến nay sở GD&ĐT chưa hoàn tất việc mua sắm thiết bị dạy học để dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10.

“Tạm thời Tiền Giang chưa tổ chức giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương, do sở GD&ĐT đang hoàn tất trình UBND tỉnh thẩm định và Bộ GD&ĐT phê duyệt trước khi đưa vào giảng dạy. Các trường THPT sẽ thỉnh giảng GV bộ môn Nghệ thuật ở các trường THCS trên địa bàn để giảng dạy nội dung có liên quan của Bộ tài liệu Giáo dục địa phương. Sở GD&ĐT đang khẩn trương hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị dạy học để kịp thời thực hiện chương trình” - ông Nguyễn Phương Toàn cho hay.

Với Bắc Ninh, thông tin từ ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, ngoài phối hợp với tác giả tổ chức tập huấn nghiên cứu, sử dụng sách giáo khoa (SGK) các môn học và hoạt động giáo dục lớp 10 từ 18 - 23/7, Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn trực tiếp vào ngày 22,23/8 cho đội ngũ GV cốt cán cấp tỉnh và GV dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023. Toàn bộ sản phẩm tập huấn được triển khai đến các đơn vị trong tỉnh.

Sở GD&ĐT đồng thời ban hành kế hoạch sinh hoạt chuyên môn triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2022 - 2023 với nội dung: Tổ chức dạy minh họa; trao đổi, thảo luận các chuyên đề, chủ đề khó nhằm tháo gỡ khó khăn cho thầy cô trong từng bộ môn.

“Với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, sở GD&ĐT đã tổ chức hai hội nghị riêng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đầu năm học. Phòng chuyên môn cũng tạo nhóm cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thường xuyên cập nhật thông tin về việc triển khai chương trình đối với lớp 10. Về cơ bản, 2 tuần đầu thực hiện chưa có phản ánh về khó khăn. Trong tuần, sở GD&ĐT bắt đầu triển khai sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh đối với môn Toán, Tiếng Anh để nắm bắt tình hình. Hoạt động này sẽ tổ chức thường xuyên trong cả năm học” - ông Nguyễn Minh Nhiên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.