Lấy bằng đại học ở tuổi… 70

GD&TĐ - Ở tuổi 70, nhiều người đã an hưởng tuổi già cùng con cháu thế nhưng ông Hoàng Tiến Mai (ngụ đường Nguyễn Công Trứ, phường 3, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn cắp sách tới trường để theo đuổi tấm bằng cử nhân Luật. Khi đã đạt được ước mơ, ông lại muốn tiếp tục học thêm để hỗ trợ cho người nghèo khó khi họ vấp phải những vấn đề liên quan đến pháp luật.

Ông Mai trong lễ nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Luật
Ông Mai trong lễ nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Luật

Những lần dang dở ước mơ

Ông Hoàng Tiến Mai sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội. Khi ông 5 tuổi, gia đình ông rời quê hương vào Sài Gòn mưu sinh. Chân ướt chân ráo vào Nam được một năm thì cha ông bệnh nặng qua đời. Mẹ ông một thân một mình tần tảo buôn thúng bán bưng kiếm tiền nuôi con nhưng cuộc sống vẫn khốn khó.

Năm ông Mai lên 7 tuổi, sau một chuyến đi thăm người thân ở Phú Yên trở về, mẹ ông quyết định đưa ông ra Phú Yên sinh sống. Đến nơi này, mẹ ông mở tiệm sửa xe đạp trong khi trước đó ông chưa từng thấy mẹ mình học nghề này. Ông theo phụ mẹ và mưu sinh với cái nghề này cho đến tận hôm nay.

Đáp lại tấm lòng của mẹ, ông Mai chăm chỉ học tập và đỗ tú tài 1. Đến năm 1971, ông đỗ tú tài 2, tương đương tốt nghiệp THPT bây giờ. Sau đó, ông thi đỗ vào Đại học Luật Sài Gòn như đã từng mơ ước. “Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách và học ngành Luật là một ước mơ cháy bỏng trong tôi. Bởi với tôi, đây là một ngành bổ ích, giúp cho rất nhiều người, trong đó có tôi, biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng, sau khi tôi học xong năm nhất (1971 - 1972) thì mẹ tôi đau ốm triền miên, tôi phải bỏ ngang việc học, về quê để vừa chăm sóc mẹ, vừa sửa xe đạp để kiếm tiền lo cho hai mẹ con”, ông Mai cho biết.

Năm 1973, ông Mai nên duyên vợ chồng với bà Trịnh Thị Lý rồi 4 đứa con lần lượt ra đời. Vợ chồng ông chật vật mưu sinh để kiếm tiền lo cho con cái nhưng ông vẫn nuôi hy vọng một ngày sẽ được theo học ngành mình mơ ước.

Đến năm 1991, khi đã 42 tuổi, ông Mai nghe Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên liên kết với một trường đại học ở phía Bắc tổ chức đào tạo cử nhân Luật hệ vừa học vừa làm, liền đem hồ sơ đến nộp. Nhưng rồi, hồ sơ của ông không được xem xét, vì đối tượng ưu tiên dự tuyển phải là cán bộ, công chức, viên chức đương nhiệm tại các cơ quan Nhà nước. Vậy là một lần nữa, ước mơ của ông lại dang dở.

Đi học ở tuổi 65

Đến năm 2014, ông Mai mừng rỡ khi hay tin Đại học Huế liên kết với Trung tâm Giáo thường xuyên tỉnh Phú Yên mở ngành Luật hệ đào tạo từ xa tại tỉnh Phú Yên. Lật lại hồ sơ cũ, ông xếp chúng ngăn nắp rồi giấu gia đình đi đăng ký dự tuyển khi đã 65 tuổi, do sợ phản đối. Ngày nhận được thông báo nhập học, ông mừng rỡ và chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ gặp sự phản đối của gia đình, nhưng không ngờ tất cả mọi người đều ủng hộ ông. Không chỉ vậy, vợ ông còn đưa tiền tiết kiệm để ông đóng học phí.

“Một tuần, tiệm sửa xe sẽ đóng cửa hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, vì đó là những ngày tôi phải đi học. Có hôm, khách sửa xe đến vào buổi trưa thứ bảy và có tôi ở nhà, họ hỏi chuyện thì tôi nói là những ngày này đi học. Họ lại bảo tôi già rồi học hành gì nữa, nghỉ ngơi cho khỏe, tôi chỉ cười. Cũng không ít người nói tôi dở hơi, có người còn nói tôi học vì muốn mình sang chảnh. Thế nhưng, ai nói gì thì nói, tôi mặc kệ, chuyện của tôi là theo đuổi đam mê của mình”, ông Mai chia sẻ. Ông Mai vui vẻ kể thêm, ngày đầu đến lớp, cả lớp có 64 sinh viên, ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy ông, một số người còn không tin ông là sinh viên của lớp.

Những ngày học đầu, cầm tập tài liệu lên đọc được vài trang, ông đã cảm thấy rối bời. Tuổi cao nên thiếu nhanh nhạy, trí nhớ ông cũng hạn chế. “Lúc đó, tôi nghĩ phải dành thời gian nghiên cứu tài liệu nhiều hơn các bạn trẻ. Người già muốn học được cần phải biết sắp xếp thời gian học một cách khoa học và kiên trì. Trí nhớ không phải tự nhiên mà có, luyện tập mãi cũng thành công. Và tôi đã thành công”, ông Mai cho biết.

Xác định mình nhiều tuổi, học hành khó khăn, ông Mai chọn thời điểm vào buổi khuya và sáng sớm để nghiên cứu bài giảng. Đặc biệt, ông luôn ấn định thời gian học tập vào giờ cố định để não có phản xạ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức. “Có những đêm tôi ngồi học mệt quá, nhưng chưa hiểu bài, do thấy đau lưng nên cầm sách nằm học rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh dậy, thấy trời chưa sáng, lại ngồi dậy học tiếp”, ông Mai bộc bạch.

Những nỗ lực học tập của ông Mai sau 4 năm cũng được đền đáp với tấm bằng cử nhân Luật do Giám đốc Đại học Huế cấp ngày 11/7/2018. Ngày 25/10/2018 là một ngày đặc biệt với ông, bởi ông được khoác lên mình trang phục cử nhân để nhận bằng. “Hôm ấy là một ngày đặc biệt tôi không bao giờ quên. Tới bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng, vui sướng”, ông Mai tâm sự.

Hàng ngày, ông Mai vẫn dành thời gian đọc sách

Hàng ngày, ông Mai vẫn dành thời gian đọc sách

Tiếp tục học để hỗ trợ người nghèo

Bây giờ, dù đã lấy được bằng cử nhân Luật, ông Mai vẫn giữ được thói quen đọc sách nên việc đọc những tài liệu về luật với ông không mấy khó khăn. Trên chiếc bàn học trong phòng khách, sách vở bày biện la liệt khắp nơi, vài cuốn sách chuyên ngành luật vẫn mở để trên bàn học. Ông Mai bảo, ông đọc đi đọc lại những cuốn sách yêu thích, sau đó tự mình tổng kết ghi chép lại vào vở. Nhờ vậy mà giờ kiến thức của chuyên ngành luật, ông nắm rất vững và nhớ rất lâu.

Ở tuổi 70, ông Mai vẫn thích học và nghiên cứu để bù lại những ngày không có cơ hội được học. Vậy nên sau khi có bằng cử nhân Luật, ông đã nộp hồ sơ để tham gia lớp đào tạo chức danh tư pháp. Với ông, khi đã học xong rồi thì phải áp dụng vào thực tiễn.

“Tôi chưa dám nghĩ tới chuyện trở thành luật sư, công chứng viên, vì giới trẻ bây giờ năng động lắm, mình khó có thể theo kịp khi chưa trải nghiệm với nghề. Dẫu vậy, tôi cũng muốn tiếp tục theo học một khóa đào tạo chức danh tư pháp về nghiệp vụ luật sư để nay mai xin làm trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Phú Yên, với hy vọng sẽ hỗ trợ cho người nghèo khó khi họ vấp phải những vấn đề liên quan đến pháp luật”, ông Mai thổ lộ.

Ông Mai còn chia sẻ thêm rằng, đi học ở cái tuổi này đã đem lại cho ông nhiều thứ, giúp ông thấy vui vẻ hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tâm trí minh mẫn hơn. Và quan trọng là ông đã thực hiện được ước mơ của mình. Ông chả sợ khó khăn gì nếu tiếp tục đi học, trái lại, bản thân còn thấy vui, bởi thỏa được đam mê của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ