Mới đây, tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp, đội tuyển Việt Nam có 4/4 thí sinh dự thi đoạt huy chương với 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Thành tích này đưa đội tuyển Việt Nam đứng thứ 5/80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
Đặc biệt, lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, đó là HS Nguyễn Văn Chí Nguyên (lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đạt 90,71/100 điểm, giành Huy chương Vàng. Kỳ thi cũng ghi dấu lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có HS tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Hóa học quốc tế, xuất sắc giành được Huy chương Bạc.
Còn các thí sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lí quốc tế cũng vừa trở về nước với thành tích tốt nhất trong lịch sử: 3 HCV, 2 HCB. Đội tuyển Việt Nam được xếp hạng 4/78 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng tổng sắp. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam đạt thứ hạng cao như vậy trong 36 lần tham dự Olympic Vật lí quốc tế. Nữ sinh Thanh Hóa - Nguyễn Khánh Linh đoạt thành tích kép: Huy chương Vàng và giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic.
Tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) tổ chức tại Vương quốc Anh, cả 6 HS Việt Nam dự thi đều đoạt giải cao với 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, đưa đội tuyển Việt Nam tiến 13 bậc so với IMO năm 2018, lọt vào top 10 đội mạnh nhất thế giới. 4 HS dự thi Olympic Sinh học quốc tế 2019 cũng đều đoạt giải, với 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Các em đã tiếp tục duy trì được thành tích cao của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu này.
Còn nhiều nữa những thành tích của HS Việt Nam trên các đấu trường trí tuệ thế giới. Những lần đầu tiên của các em tại kỳ thi này cho thấy chất lượng HS tham dự đội tuyển ngày càng được nâng cao.
Thành tích đáng nể của HS Thanh Hóa, Yên Bái, Nghệ An, Phú Thọ... cho thấy nỗ lực vượt bậc của các HS, đồng thời chứng tỏ sự đầu tư bài bản, có chiều sâu của các tỉnh, thành cho giáo dục mũi nhọn bậc phổ thông. Không chỉ là công sức phát hiện, lên kế hoạch đào tạo từ hệ thống các trường năng khiếu, trường chuyên, mà còn là sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất của các chính quyền địa phương để HS có cơ hội thực hành, thí nghiệm... không bỡ ngỡ khi “chinh chiến” tại các giải đấu Olympic quốc tế. Gia đình của mỗi HS cũng có đóng góp đặc biệt khi luôn động viên, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, giúp các em đến đích thành công.