Vì vậy, các địa phương, ngành Giáo dục đang tập trung tối đa cho nguồn lực để thiết bị theo kịp chương trình.
Thiết bị chưa theo kịp chương trình
Vừa qua, Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang tiến hành giám sát tại các trường học trên địa bàn về việc thực hiện Nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Vấn đề được địa phương, nhà trường đặt ra là trang thiết bị dạy học triển khai Chương trình GDPT 2018 nhiều khối lớp chưa được trang bị kịp thời.
Tại thị xã Gò Công (Tiền Giang), khó khăn nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ. Khối lớp trang bị thiếu, không phù hợp nên việc sử dụng chưa đáp ứng yêu cầu chương trình. Tương tự, tại huyện Châu Thành (Tiền Giang), thiết bị cấp về trường không kịp thời, việc làm dụng cụ giảng dạy của giáo viên còn hạn chế nên chưa đảm bảo chất lượng giảng dạy, đặc biệt ở khối tiểu học.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh đầu tư xây dựng mới 120 phòng học, sửa chữa nhiều hạng mục: Cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát, mua sắm trang thiết bị tối thiểu. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục vẫn thiếu thiết bị, phòng học bộ môn, thí nghiệm thực hành, Tin học… để tổ chức dạy học theo quy định Chương trình GDPT 2018.
Chia sẻ về khó khăn khi triển khai Chương trình mới, ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, cho biết: Tỉnh còn thiếu phòng học chức năng, thiết bị thực hành thí nghiệm. Đặc biệt, Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 61 quy định về mua sắm trang thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018 phải sử dụng nguồn đầu tư công. Điều này gây khó khăn cho ngành trong việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất…
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Sóc Trăng, thiết bị dạy học tối thiểu cấp phổ thông toàn tỉnh hiện có hơn 65 nghìn bộ. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu các cấp học đạt mức 62,6%. Để đáp ứng Chương trình GDPT 2018, Sóc Trăng có nhu cầu bổ sung trên 45 nghìn bộ thiết bị dạy học tối thiểu. Trong đó, cấp tiểu học cần bổ sung hơn 23 nghìn bộ, THCS hơn 18 bộ, THPT trên 3 nghìn bộ.
Ảnh minh họa INT. |
Tháo gỡ kịp thời
Nằm ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và đông học sinh, Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bị ảnh hưởng nhiều về chất lượng giáo dục do thiếu thiết bị dạy học. Thầy Dương Sô Thol, Hiệu trưởng, cho biết: Trường có 1.012 học sinh, 33 lớp, thiết bị khối 1 có 6 bộ/6 lớp; khối 2 có 2 bộ/7 lớp nên để dạy học hiệu quả phải tận dụng thiết bị cũ. Riêng thiết bị lớp 3, chưa được cấp nên giải pháp cơ bản là trưng dụng thiết bị cũ Chương trình 2006.
Theo ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu nhiều so với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nguyên nhân chính bởi địa bàn rộng, dân số đông, nguồn kinh phí hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư cao, việc đầu tư phải dàn trải, hiệu quả chưa như mong đợi. Thị xã đang thực hiện đầu tư công mua sắm thiết bị theo kế hoạch của UBND tỉnh. Theo đó, dự kiến thiết bị lớp 3, lớp 7 là 10,38 tỷ đồng, lớp 4, lớp 8 là 10,3 tỷ đồng, thiết bị lớp 5, lớp 9 là 10,3 tỷ đồng…
Hiện, tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực đầu tư thiết bị dạy học phục vụ Chương trình mới. Mặt khác, xây dựng các đề án như: Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt; Hoàn chỉnh và trình phê duyệt Đề án nâng cấp sửa chữa trường học năm học 2021 - 2025, kinh phí 2.321 tỷ đồng. Đề án triển khai thực hiện đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT 2018.
Mặt khác, tỉnh triển khai thực hiện Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt với kinh phí 1.167 tỷ đồng. Các đề án triển khai thực hiện đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT 2018...
Giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục Tiền Giang đã tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Ngành cũng tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường dạy 2 buổi/ngày...
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên năm học 2020 - 2021 đầu tư cho giáo dục có chững lại nhưng nhu cầu rất lớn. Các phòng học chức năng, y tế học đường, thí nghiệm... đang là nhu cầu bức xúc. Để giải quyết khó khăn, cần có chiến lược trung hạn, dài hạn, đánh giá, rà soát, đâu là trách nhiệm của Trung ương, của địa phương để tháo gỡ kịp thời…