Lão tướng vào trại giặc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi vâng mệnh chủ tướng, Lý Bí dồn đuổi đội thủy quân Vũ Lâm hầu Tiêu Tư do Thạch Đạt làm đô đốc chạy tút hút vào trong đầm Sương Mù.

Lão tướng vào trại giặc

Lão tướng Triệu Túc vốn là tù trưởng Chu Diên kiêm quản đầm Dạ Trạch chia quân ra làm bốn đội thiết lập thế trận liên hoàn ngay ở cửa sông. Áp sát bờ Nam sông Cái, lão tướng cho dựng trại liên hoàn thủy bộ hơn hai trăm chiến thuyền cùng tám chòi canh cao vút luân phiên theo sát động tĩnh của đám chiến thuyền Thạch Đạt.

Hơn trăm chiến thuyền còn lại chia làm hai đội tuần tiễu trên sông đề phòng bọn thuyền phương Bắc giả dạng lái buôn liều chết tập kích trong ngoài. Đã hơn mười ngày, trùng vây ngày càng siết chặt. Hơn hai trăm chiến thuyền của họ Thạch mất hút trong đầm Sương Mù không một tăm hơi.

Đang mùa sương mù, cả mặt đầm trắng đục nối nhau miên man ba bốn trượng đã không thấy bóng thuyền bè. Đầm Sương Mù khi xưa vốn có ẩn sĩ tu tiên bí ẩn. Không ít cao nhân dùng thuyền nhỏ tiến vào lòng đầm rồi tuyệt tích được dân chúng đồn thổi dựng chuyện ma quái đã hàng trăm năm nay. Thời ấy, mỗi khi sương mù đậm đặc, thường có những ông hùm bờm ngũ sắc ngồi chồm hỗm trên thuyền để bọn rái cá dưới sông bắt cá chép dâng lên.

Trong quân doanh, lão tướng Triệu Túc sau buổi kiểm điểm các lũy đất dày, nơi đặt máy bắn cung tên, cần phóng đá trở về cũng là lúc chủ công Lý Bí vừa đến.

Lý Bí cùng các tướng thấy vị lão tướng luôn hơn nửa tháng bày trận vây giặc trước sau kín vững, lại thấy chiến thuyền của họ Triệu đội ngũ chỉnh tề, quân doanh thủy bộ rất nghiêm ai nấy đều khâm phục phép trị binh của Triệu gia. Lý Bí đưa mắt nhìn sang quân sư Tinh Thiều ngầm có ý mời quân sư.

Quân sư Tinh Thiều đĩnh đạc tiến ra nói:

- Bẩm chủ công! Thưa các vị lão tướng, các vị tướng quân. Cứ nhìn vào sa bàn này đủ thấy việc vây bắt Thạch Đạt lão tướng Triệu Túc đã trù hoạch đâu vào đấy cả. Phương lược của lão tướng nhìn xa trông rộng, binh tướng Giao Châu ta ắt có ngày phải đại chiến với giặc Lương.

Dẫu người Giao Châu không mong muốn cầm gươm giáo cũng chẳng đặng đừng. Bởi vậy, trận này giao cho lão tướng quân bắt Thạch Đạt càng êm thuận càng tốt. Xin lão tướng quân hãy vì đại kế lâu dài dụng mưu bắt Thạch Đạt.

Quân sư Tinh Thiều dứt lời, lão tướng Triệu Túc vuốt chòm râu đốm bạc nói:

- Lão phu hôm trước có hẹn binh với chủ công cùng xuống Long Biên bắt tên giặc già Vũ Lâm hầu, nay hắn đã trốn thoát về phương Bắc bỏ lại đám binh tướng trong đầm Sương Mù cũng là trời để cho quân ta lập công. Nay lão phu có một kế xin với chủ công.

Chẳng cần phải đem binh hùng tướng mạnh đến thu phục Thạch Đạt làm gì cho nhọc sức quân, ta chỉ cần chiếc thuyền nhỏ vào thẳng soái thuyền của Thạch Đạt khuyên hắn đầu hàng rồi bắt chúng đi bằng đường bộ trở về Bắc quốc. Chẳng hay chủ công có cho phép chăng?

Thấy lão tướng họ Triệu ung dung bàn kế bắt tướng soái của giặc với khí độ khác người, chủ công Lý Bí cười lớn tiến tới thi lễ với vị lão tướng:

- Xưa nay bọn giặc phương Bắc vẫn cho rằng phương Nam ta không có anh hùng. Nay chỉ cần xét vào khí phách của lão tướng đã thấy bọn người phương Bắc quả thật quá ngông cuồng mà bại trận.

Đại kế của Triệu lão bối là tâm kế thu phục tướng giặc nơi quân doanh của chúng, vừa tránh được phải đụng binh đao vừa thể hiện sự khoan dung vô bờ của người phương Nam ta. Ta thật vô cùng khâm phục. Dẫu biết Thạch Đạt có ăn gan hùm mật gấu cũng không dám manh động, nhưng lão tướng không được khinh suất vẫn hơn.

Lão tướng Triệu Túc thong thả nói:

- Lão phu cảm ơn sự lo lắng của chủ công. Xông pha nơi hòn tên mũi đạn, xẻ núi phá thành thì sức lão phu đây không kham nổi, chứ chuyện vào trại giặc chỉ rõ thiệt hơn để chúng phải quy hàng ta quyết không để chủ công phải chê cười.

Lão phu đây đã gần bảy chục tuổi đầu còn màng gì tới việc sống chết nữa. Vạn nhất phải hi sinh vì nước ta cũng cam lòng. Dù thế nào cũng đã tỏ rõ tấm lòng bao dung của người phương Nam chúng ta. Nay lão phu chỉ xin mượn của Giám quân một vật tất khiến Thạch Đạt quy hàng.

Chủ công Lý Bí nghe từng lời nói của vị lão tướng trong lòng vô cùng xúc động thấy rõ tấm lòng ưu dân ưu nước của bậc trọng thần lương tướng. Ngài tiến ra giữa các tướng nghiêm nghị nói:

- Nay ta quyết kế để lão tướng vào thủy trại khuyên Thạch Đạt ra hàng. Vật lão tướng cần đến là ấn tín của Vũ Lâm hầu Tiêu Tư ta cũng đã cho đem xuống đây. Mong ngài sớm lập đại công cho quân ta.

*

Binh tướng Thạch Đạt trong đầm Sương Mù.

Gần một tháng ròng bị vây chặt trong đầm Sương Mù không biết Vũ Lâm hầu nơi thành Long Biên lành dữ ra sao. Binh lương của họ Thạch cạn dần. Cũng may trong đầm Sương Mù có nhiều đảo nhỏ đều có cây cối, hoa trái, rau cỏ còn sót lại của bọn thuyền chài bản xứ.

Họ Thạch cho đám quân đi tìm được những tấm lưới cũ đánh bắt tôm cá nên dẫu quân lương đã gần cạn hết song chưa đến mức phải nhịn đói. Nếu tiếp diễn thêm vài ba ngày nữa, lòng quân tất loạn. Thạch Đạt thừa hiểu, binh tướng Giao Châu đang siết chặt trùng vây đợi họ Thạch hết lương sẽ đến bức hàng.

Cái đất Giao Châu cũng lạ, thường ngày đám dân chúng chỉ biết cúi đầu sợ sệt vâng lời không hiểu sao chỉ một tên Lý Bí nhỏ nhoi giương cờ nghĩa phút chốc hàng ngàn hàng vạn tinh binh mãnh tướng như từ trên trời rơi xuống, từ dưới nước ngoi lên một lòng một dạ theo họ Lý.

Người Giao Châu vốn nòi man di mọi rợ thoắt cái quân thủy quân bộ đánh giữ như có tướng nhà trời giúp dập. Ngay đến Vũ Lâm hầu đa mưu túc trí nổi tiếng gian hùng mà việc đánh dẹp cứ vướng như gà mắc tóc. Nay họ Thạch bị vây chặt nơi đây chưa biết sống chết ra sao cũng đều là mưu kế của giặc cỏ.

Đang cùng với bọn tùy tướng bàn bạc trên soái thuyền chưa biết tiến thoái ra sao bỗng đám lính vào báo phía trước có chiếc thuyền nhỏ cắm lá cờ sứ tiến đến. Thạch Đạt lòng dạ rối bời vội cố tỏ ra oai nghiêm ra hiệu cho các tùy tướng sắp thành hai bên tả hữu đoạn cho gọi dẫn người trên chiếc thuyền nhỏ vào trướng hổ yết kiến.

Thạch Đạt cùng các tùy tướng không khỏi rúng động khi tiến vào trướng hổ là vị lão tướng vóc dáng cao lớn, lưng hổ tay gấu, mình mặc giáp phục, lưng đeo trường kiếm, đầu đội mũ đâu mâu khảm bạc, chân đi giày da báo đế đồng, oai phong lẫm liệt tiến thẳng vào trong.

Thoạt tiên họ Thạch nghĩ Lý Bí sai mấy tên thư sinh mặt trắng đến làm thuyết khách chứ không thể ngờ sứ giả lại là vị lão tướng uy nghi khí phách đường đường. Còn chưa biết nói gì đã thấy vị lão tướng tiến tới thi lễ cất giọng như chuông trầm vững:

- Tại hạ là Triệu Túc tù trưởng đất Chu Diên xin có lời chào Thạch tướng quân. Tại hạ vâng mệnh chủ công Lý Bí đến thương thảo với tướng quân việc binh lương, không biết Thạch tướng thấy thế nào?

Thạch Đạt lướt nhìn vị lão tướng thần dũng hơn người. Thì ra đây chính là tù trưởng Chu Diên Triệu Túc vốn nổi tiếng với đội thương thuyền vài trăm chiếc nối đời làm chủ vùng cửa sông Chu Diên mà mỗi khi nhắc đến Vũ Lâm hầu Tiêu Tư còn sáu bảy phần nể trọng. Nay vị lão tướng đích thân đến thủy trại bức hàng, quả là Lý Bí dụng binh cao diệu lắm.

Tuy trong lòng run sợ nhưng Thạch Đạt vẫn tỏ ra bình tĩnh đáp:

- Lão tướng giá lâm tới soái thuyền của bỉ chức thật là hân hạnh. Nay hai quân đối đầu, ai vâng mệnh chủ nấy, bản tướng chỉ biết liều mạng huyết chiến chứ có gì phải thương thảo thiệt hơn? Ta nể mặt ngài đã cao tuổi, lại từng là thần tử của Lương triều nên tạm thời không giết, mong ngài hãy về báo với Lý Bí cùng ta sống mái một phen.

Thấy Thạch Đạt cùng đám tùy tướng người nào người nấy lấm lét nhìn nhau mà miệng lưỡi vẫn nói cứng, lão tướng Triệu Túc bèn thong thả nói:

- Thạch tướng quân nói thế sai rồi! Ta nay đến đây không những vì thanh danh của Lương triều mà còn vì mạng sống của ba ngàn tướng sĩ. Ta nói để ngài biết, Vũ Lâm hầu mấy hôm trước đã nửa đêm bỏ lại ấn tín lẻn về Hợp Phố bỏ mặc các ngài từ lâu. Ngay cả đám viện binh Việt Châu cũng bị chủ công ta đánh tan tác cả rồi. Thạch tướng còn trông chờ gì nữa?

Vừa nói, vị lão tướng vừa sai tên quân đứng sau đem ra chiếc túi vải đặt bộ ấn tín của Vũ Lâm hầu lên chiếc bàn gỗ trong trướng hổ khiến Thạch Đạt không khỏi thất kinh.

Đám tùy tướng Thạch Đạt xôn xao ngó nghiêng nhìn bộ ấn tín vẻ nghi hoặc chưa ai kịp mở miệng đã thấy lão tướng dõng dạc nói:

- Thạch tướng quân hãy sớm liệu đi. Lão phu quả tình không đợi được nữa. Ngài cũng không nên vì Tiêu thị mà chôn vùi mấy ngàn sinh mạng huynh đệ ở đây. Bốn bề quân doanh của ngài, chủ công ta cùng bốn trăm chiến thuyền đã chuẩn bị cho khai chiến đến nơi rồi.

Thạch Đạt nhìn kỹ bộ ấn tín quả đúng là của Vũ Lâm hầu trong bụng thất kinh, lại thấy bọn tùy tướng đều có ý muốn hàng vội nói:

- Lão tướng quân hãy thong thả đợi một lát để ta cùng các tướng nghị sự. Nếu quả tình Hầu gia đã bỏ mặc chúng ta ngài ấy cũng chẳng thể trách được Thạch mỗ đây không liều mạng cho Tiêu thị. Chẳng hay ta ưng thuận nghị hòa chủ công ngài có điều kiện gì không?

Lão tướng Triệu Túc vẻ mặt nghiêm lạnh không nói một lời. Phía bên trong, các tùy tướng của Thạch Đạt xôn xao bàn tán. Bản thân họ Thạch bước tới cầm bộ ấn tín run run ngắm nghía rồi đặt xuống thở dài lẩm bẩm:

- Hầu gia ơi Hầu gia! Có lẽ nào ngài bất chấp thể diện đến như thế được?

Đợi cho đám Thạch Đạt bàn tán một hồi, lão tướng Triệu Túc thong thả nói:

- Thạch tướng quân! Cũng không còn sớm nữa. Chủ công có lệnh ngài cùng các đô tướng hãy mau theo ta tới quân doanh yết kiến. Các ngài chẳng còn gì mà nhắc đến hai chữ nghị hòa nữa.

Nói đến đó, lão tướng Triệu Túc rút soạt thanh trường kiếm trỏ vào Thạch Đạt mắng:

- Hãy mau theo lão phu tới quân doanh kẻo muộn. Nhược bằng quyết liều mạng hãy rút kiếm ra phân tài cao thấp với ta.

Thạch Đạt cùng tùy tướng thấy vị lão tướng bất thần rút kiếm khí độ hiên ngang lại hơn nửa tháng ở giữa sông nước mịt mùng không còn lối thoát lương thực cạn kiệt lòng dạ rối bời bèn run rẩy nói:

- Xin lão tướng quân chớ nóng giận. Ta cùng các tướng xin theo ngài tới yết kiến chủ công Lý Bí để xin hàng.

Sau khi lập công bức hàng Thạch Đạt, lão tướng Triệu Túc cùng các tướng phò chủ công Lý Bí vào thành Long Biên lập ngài làm quốc chủ Vạn Xuân mở nền độc lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ