Ông Phúc xuất thân từ một ND nghèo. Năm 1992, do trồng lúa không hiệu quả, ông bắt đầu vào việc cải tạo đất, lên liếp để trồng nhãn ido. “Lúc đó, tôi thấy ông chú đốn bỏ cây nhãn ido, loại giống nguồn gốc Thái Lan. Thấy tiếc vì giống cây tốt và bản thân cũng thích trồng nhãn nên tôi đã xin chiết nhánh về trồng” – ông Phúc nói.
Ông Phúc kiểm tra vườn nhãn. Ảnh: H.X
Do đặc điểm của giống nhãn ngoại không phù hợp với khí hậu, thời tiết ở địa phương nên ông Phúc nghiên cứu ghép loại nhãn này với nhãn long. Sau khi ghép, cây phát triển tốt, cho trái nhiều nên ông quyết định trồng, mở rộng diện tích từ 4.000m2 rồi lên đến 4ha như hiện nay. Để nhãn bán không bị rớt giá, ông tiếp tục nghiên cứu cho cây ra trái nghịch vụ. Ông Phúc kể: “Tôi cho nhãn ido ra trái nghịch vụ bằng cách chăm sóc cây nhãn phát triển thật tốt, rồi phun phân kali (2 đến 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 1 tuần) trên lá, thân cây và bón thêm kClo3 dưới gốc nhãn”.
Vài năm gần đây, bệnh chổi rồng tàn phá nhiều vườn nhãn trong khi đó, vườn nhãn của ông Phúc lại không bị gì. Theo ông, nguyên nhân là do loại cây mà ông ghép kháng bệnh chổi rồng trên 99%.
Theo phóng viên tìm hiểu, với cách chăm sóc tốt và bằng cách xử lý cho ra trái theo ý muốn, nhãn ido của ông Phúc cho năng suất rất cao, từ 500-1.000kg trái/cây (có tuổi thọ từ 3-8 năm), cao gấp 2-3 lần so với nhãn xuồng, nhãn da bò. Mỗi năm ông thu hoạch trên 120 tấn nhãn, đem về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Giống nhãn ido của ông Phúc thơm ngon nên những lức thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre... đều đổ về đây để ký hợp đồng thu mua, sau đó họ xuất bán sang Mỹ, Nga, Trung Quốc...