Lão nông 60 tuổi và 23 năm dạy tiếng Khmer cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đã thành thông lệ, 8 giờ sáng mỗi ngày, tiếng đọc bài bằng tiếng Khmer của 20 học sinh vang lên tại một góc của ngôi chùa Cỏ Khía cũ.

Ông Danh Nghe dạy học cho các em học sinh
Ông Danh Nghe dạy học cho các em học sinh

"Tiếng nói còn là văn hoá còn." Nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn của việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với bản sắc, giá trị văn hoá của dân tộc, lớp học đặc biệt nơi góc chùa trên được ông Danh Nghe tâm huyết gìn giữ suốt 23 năm qua. Ông là tấm gương điển hình trong hoạt động truyền dạy văn hóa phi vật thể để góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho đồng bào Khmer ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn

Dạy học là niềm vui

Ông Danh Nghe (60 tuổi) ở ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bắt đầu phối hợp chùa Cỏ Khía cũ vận động người dân trên địa bàn và các địa phương lân cận cho con em đến lớp học chữ Khmer từ năm 1999 đến nay.

Ông nhìn nhận việc được dạy chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình cho thế hệ trẻ địa phương là niềm vui trong mỗi dịp hè. Vì vậy, hàng năm, cứ vào cuối tháng 5 khi các trường học sắp kết thúc năm học, ông phối hợp nhà chùa kiểm tra lại phòng học, bàn ghế, chuẩn bị sách vở, xem lại bài giảng để chuẩn bị dạy chữ Khmer cho học sinh, giúp các em hiểu hơn về văn hóa dân tộc.

“Tôi muốn truyền đạt cho các em biết về văn hóa của dân tộc mình để giữ gìn và phát triển hơn nữa. Khi học và viết được chữ Khmer, lớn lên các em có thể sử dụng vào việc học tập, công tác, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Các em có thể làm phiên dịch cho các công ty, nhà máy có sử dụng lao động là người Khmer; chỉ dẫn cho người dân nước bạn đến du lịch tại nước Việt Nam mình...”- ông Danh Nghe chia sẻ.

Ông Danh Nghe chỉ dạy tận tình.

Ông Danh Nghe chỉ dạy tận tình.

Chia sẻ thêm về lý do dựng lớp, giữ phòng, ông Danh Nghe cho biết lúc còn nhỏ, ông được cha mẹ cho vào chùa Thứ Năm ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang để tu và học chữ Khmer. Quá trình tu và học tập ở chùa này, bên cạnh sự chỉ bảo của các vị sư trong chùa, ông Danh Nghe còn tự học hỏi từ sách, báo tiếng Khmer. Nhờ vậy, ông thông thạo đọc và viết chữ Khmer, sau thấy nhiều cháu nhỏ tại địa phương không rành chữ nên ông quyết tâm dựng lớp, dạy tiếng cho các em.

Dù là thầy giáo không chuyên, nhưng hơn 23 năm qua, vào mỗi dịp hè, ông Danh Nghe lại cần mẫn dạy chữ Khmer cho hàng chục học sinh là con em đồng bào Khmer ở địa phương…

Lớp học nhỏ tại chùa Cỏ Khía cũ chỉ với hơn 20 học sinh ( từ lớp 1 đến lớp 5) nhưng khi chúng tôi ghé thăm luôn vang vọng tiếng cười hạnh phúc của các em học sinh. Hạnh phúc ấy không chỉ là việc được học chữ, được vui đùa và học tập các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer, mà niềm vui lớn nhất của các em có lẽ chính là những hàng chữ viết tiếng Khmer ngày càng đều đặn và tròn trịa hơn qua bàn tay nắn nót từng chữ một cùng học trò của thầy Danh Nghe.

Lấy chất lượng làm trung tâm dạy học

Theo ông Danh Nghe, trước đây vào mỗi dịp hè có gần 50 em đến chùa học chữ Khmer. Sau này, nhiều em theo cha mẹ đi làm ăn xa nên không còn theo học.

Tuy chỉ là những lớp ngắn hạn trong thời điểm nghỉ hè hằng năm nhưng lớp dạy và học chữ Khmer luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Ông Nghe cho biết thời gian tới, lớp học sẽ tăng cường dạy tất cả các ngày, cả thứ bảy, chủ nhật, bởi thời gian nghỉ hè ba tháng là quá ngắn.

"Tôi cố gắng vận động các em tới lớp, trực tiếp tiếp thu kiến thức, nắn nót cho các em từng chữ viết để các em sớm viết cứng, viết tốt" - ông Nghe nói.

Đã qua 5 dịp hè học chữ Khmer với thầy Danh Nghe, em Danh Phúc Thọ, học sinh lớp 6, Trường trung học cơ sở xã Thới Quản cho biết: Thầy Nghe rất thương học trò chúng con, Thầy nói chuyện, giảng dạy tiếng Khmer với chúng con rất nhẹ nhàng, nhiệt tình, tận tâm. Quan trọng là thầy dạy dễ hiểu cho nên các bạn rất quý thầy và chú tâm học tập thật tốt.

"Trước đây, con thường xuyên nghe cha mẹ hay người dân trong xóm nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, con hiểu nhưng không biết viết, giờ thì con có thể nói, đọc và viết được chữ của dân tộc mình. Con thấy rất vui và tự hào. Con cảm ơn thầy Nghe rất nhiều.”- Danh Phúc Thọ bộc bạch.

Em Tạ Minh Tú, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Thới Quản 1 cho biết, em đã học thầy Danh Nghe được 3 mùa hè. Những ngày hè ở đây em không có điều kiện đi học thêm nên em đến chùa. Đến đây em được thầy dạy chữ, gặp gỡ bạn bè để vui chơi nên em rất thích.

"Ngoài dạy chữ Khmer, Thầy còn dạy chúng em về tình yêu thương tôn trọng ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, tinh thần đoàn kết giúp đỡ bạn bè. Con rất quý và nghe lời Thầy dạy” - Minh Tú nói.

Trụ trì chùa Cỏ Khía cũ, ông Danh Ên cho biết: Hiện nay, các trường học trên địa bàn không có chương trình dạy chữ Khmer. Vì vậy, đồng bào Phật tử Khmer ở đây rất quý ông Danh Nghe. Bởi chính ông đã rèn luyện cho nhiều thế hệ con em đồng bào biết đọc và viết chữ Khmer, giữ cái hồn và bản sắc của dân tộc mình.

Ăn

Ông Danh Nghe tận tình cầm tay chỉ các em nắn nót viết từng chữ Khmer.

Nói về ước nguyện ở tương lai, ông Danh Nghe chỉ cười và nói: Hằng ngày, nhìn thấy con em địa phương biết đọc, biết viết chữ Khmer là tôi vui và hạnh phúc lắm rồi.

"Tôi mong thời gian tới, học sinh của mình có được tập, viết mới vào mỗi dịp học hè; lớp học được hỗ trợ dụng cụ, thiết bị dạy học để học sinh dễ dàng tiếp thu trong quá trình học tập. Đặc biệt, mong sao lớp học có thêm nhiều sách dạy chữ Khmer để các em có thể mượn về nhà học nếu không đến lớp được"- ông Nghe nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.