Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các nhà sư, Achar dạy bổ túc chữ Khmer ở chùa Phật giáo Nam Tông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy chữ Hoa ở các trường ngoài công lập như những giáo viên dạy chữ Khmer ở các trường phổ thông được thực hiện theo Nghị định 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Về đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách cho các nhà sư, Achar dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa Phật giáo Nam Tông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Bộ GD&ĐT cho biết:
Giai đoạn từ năm 2008 - 2010, Chính phủ có Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010. Quyết định này quy định: “Thực hiện chính sách hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước để... hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa”. Sau năm 2010, Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg hết hiệu lực thi hành và các địa phương cũng dừng việc thực hiện chính sách.
Việc dạy chữ Khmer trong các nhà chùa Phật giáo Nam Tông thuộc hoạt động của nhà chùa, do tổ chức tôn giáo thực hiện đáp ứng nhu cầu học tập của thanh thiếu niên trên địa bàn vào dịp hè. Hoạt động này được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương vùng dân tộc Khmer. Hiện nay, Chính phủ chưa có chính sách để tiếp tục hỗ trợ nhà sư dạy tiếng Khmer trong nhà chùa. Theo thẩm quyền, căn cứ nguồn lực và tình hình thực tế, địa phương có thể ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động dạy và học chữ Khmer trong các nhà chùa.
Về việc hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Hoa ở trường ngoài công lập theo chính sách của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP,Bộ GD&ĐT cho biết:
Hiện nay, việc dạy tiếng Hoa trong trường phổ thông đang thực hiện theo tài liệu thực nghiệm, chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì vậy chưa thể áp dụng quy định hỗ trợ phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên dạy tiếng Hoa. Theo thẩm quyền, căn cứ nguồn lực và tình hình thực tế, địa phương có thể nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ dạy thực nghiệm tiếng Hoa trong trường phổ thông (công lập và ngoài công lập).