Đi để học, để làm
Câu chuyện xuất khẩu lao động được đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp rất tâm đắc và mong muốn địa phương có hướng đi mới, bền vững. Ông cho biết: “Đồng Tháp trong thời gian qua là địa phương đứng đầu ở ĐBSCL về số người đi nước ngoài lao động.
Xuất khẩu lao động ở địa phương chúng tôi với tư duy không phải để giảm nghèo mà đó chính là tạo nguồn nhân lực cho sau này. Vì các em được lao động, học tập, làm việc trong môi trường của những quốc gia tiên tiến thì ít nhất sẽ có kỷ luật lao động, có ý thức, đạo đức nghề nghiệp và tay nghề cao…”.
Theo ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp: “Công tác xuất khẩu lao động có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mức vay tín chấp từ 90% đến 100% chi phí xuất cảnh.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã đưa được 4.556 lao động đi nước ngoài làm việc và trung bình mỗi năm gửi về cho gia đình khoảng 1.200 tỉ đồng. Với nguồn thu nhập tương đối cao, nhiều gia đình có con em tham gia xuất khẩu lao động đã xây nhà khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt giá trị, đời sống dần được nâng lên đáng kể. Công tác xuất khẩu lao động cũng góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trong tỉnh”.
Năm 2017, Đồng Tháp có 1.651 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt trên 65% kế hoạch năm); tiếp tục đưa Đồng Tháp đứng đầu khu vực ĐBSCL về công tác xuất khẩu lao động suốt 3 năm liền.
Trong số 1.651 lao động Đồng Tháp đang làm việc ở nước ngoài, thị trường Nhật Bản chiếm số lượng cao nhất với trên 1.050 lao động, kế đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... Lao động tập trung những ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, cơ khí, điện tử… Thu nhập của lao động đang làm việc ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có mức bình quân khoảng 28 triệu đồng/người/tháng; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 15 triệu đồng/người/tháng; Malaysia khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Quốc Ninh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhật Huy Khang: 650 lao động Đồng Tháp được công ty đưa sang Nhật Bản làm việc, được các nghiệp đoàn đánh giá cao về sự thông minh, cần cù, tiếp thu công việc tốt và nhanh hòa nhập với môi trường làm việc.
Đặc biệt, chưa có trường hợp nào vi phạm pháp luật, đó là nhờ hiệu quả mô hình đào tạo nghề đi xuất khẩu lao động mà Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp triển khai thực hiện từ 3 năm qua.
Phía công ty cũng thông tin, đang xúc tiến kết nối việc triển khai ký kết giữa tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Aichi - Nhật Bản về chương trình thực tập sinh ngành nông nghiệp trong quý II năm 2018. Đặc biệt là khảo sát thị trường lao động Bồ Đào Nha và Cộng hòa Czech để mở rộng thị trường cho lao động Đồng Tháp nói riêng và lao động Việt Nam nói chung.
Sau thời gian làm việc, hầu hết người lao động đều thay đổi cuộc sống đáng kể. Đây được xem là cách giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững hiệu quả tại Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay. Hiện còn nhiều lao động đang học ngoại ngữ, giáo dục định hướng chờ xuất cảnh.
Đây chính là nguồn lao động để năm 2018 tỉnh tiếp tục đưa ít nhất 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chỉ tiêu tỉnh giao… Ông Phạm Văn Bình, ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, chia sẻ: “Con gái tôi được đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hàng tháng gửi về cho gia đình từ 20 - 25 triệu đồng. Đây là số tiền con gái tích góp để sau này về nước có điều kiện mở rộng kinh doanh với nghề nghiệp đã được đào tạo ở nước ngoài”.
Cùng chia sẻ niềm vui, ông Thái Hữu Đức, ở huyện Thanh Bình cho biết gia đình thường xuyên liên hệ với con trai đang lao động ở Nhật thông qua mạng xã hội. “Giờ đây con trai tôi có cuộc sống ổn định, chỗ ở tiện nghi, chủ nhà máy luôn quan tâm, hỗ trợ. Châu cho hay môi trường làm việc và sinh hoạt ở Nhật rất tốt, chế độ an sinh được bảo đảm nên gia đình rất yên tâm”.
Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh mô hình “Câu lạc bộ gia đình hợp tác xuất khẩu lao động”. Bên cạnh đó chính sách hỗ trợ, cho vay vốn của tỉnh đã giúp người lao động mạnh dạn đăng ký tham gia.
Cụ thể, từ nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Đồng Tháp đã hỗ trợ vay tín chấp từ 90% - 100% cho trên 1.250 hộ với số tiền trên 98 tỉ đồng làm chi phí xuất cảnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng chi hỗ trợ trên 970 lượt lao động với số tiền trên 4,5 tỷ đồng để lao động học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe, lệ phí visa... Các huyện Tam Nông, Lai Vung, Tháp Mười, Cao Lãnh đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Các bạn trẻ Đồng Tháp đăng ký tham gia xuất khẩu lao động |
Nguồn nhân lực cho tương lai
Kế hoạch năm 2018, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng ít nhất 1.000 lao động; 144 xã, phường thị trấn trong tỉnh đều có lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Để thực hiện được mục tiêu này, Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp sẽ củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khảo sát thêm thị trường có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp với khả năng và trình độ của lao động trong tỉnh, rà soát, chọn lọc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đủ điều kiện pháp lý, năng lực hoạt động…
Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, chia sẻ: Hiện nay, chúng ta đang có sự định hướng và cách làm đúng, đưa Đồng Tháp vươn lên dẫn đầu khu vực ĐBSCL về công tác xuất khẩu lao động. Song song với công tác vận động, tuyên truyền lao động địa phương đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, cần phải thực hiện tốt công tác vận động lao động về nước sau khi hết hạn hợp đồng, không ở lại cư trú bất hợp pháp.
Cần có kế hoạch tháo gỡ những khó khăn trong công tác cho lao động vay chi phí xuất cảnh. Tất cả lao động địa phương muốn đi xuất khẩu lao động phải thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp - đơn vị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao làm đầu mối trong công tác này.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Xuất khẩu lao động có ý nghĩa lớn về mặt an sinh xã hội, góp phần quảng quá hình ảnh “Đất sen hồng” với bạn bè quốc tế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Các địa phương như huyện Tam Nông, Lai Vung, Tháp Mười, Cao Lãnh… đã có số lao động xuất cảnh năm 2017 tăng cao. Với thu nhập tích lũy từ 15 - 20 triệu đồng/tháng đã giúp cho nhiều hộ gia đình khó khăn ở nông thôn thoát nghèo; mở ra cơ hội việc làm mới ổn định từ nguồn thu nhập tích lũy sau từ 3 - 5 năm làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, theo ông Đoàn Tấn Bửu, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Xác định người đi làm việc ở nước ngoài là để làm giàu, để học hỏi chứ không còn là mục tiêu thoát nghèo như trước đây. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH cần phối hợp với các ngành, đặc biệt ngành giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng thị trường lao động nước ngoài đang ngày càng mở rộng.
Xuất khẩu lao động ở địa phương chúng tôi với tư duy không phải giảm nghèo mà đó chính là tạo nguồn nhân lực cho sau này. Vì các em được lao động, học tập, làm việc trong môi trường của những quốc gia tiên tiến thì ít nhất sẽ có kỷ luật lao động, có ý thức, đạo đức nghề nghiệp và có tay nghề cao…
Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp