Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) XK LĐ còn mở rộng thêm được nhiều thị trường mới. Đây thực sự là tín hiệu vui cho các DN XK LĐ sau một thời gian dài phải tìm kiếm thị trường do nhiều LĐ bỏ trốn khi hết hợp đồng LĐ và không về nước...
3 năm liên tiếp vượt mức 100.000 người
Theo kế hoạch, năm 2017, ngành LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 105.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, tính đến hết 10 tháng năm 2017, tổng số LĐ đi làm việc ở nước ngoài đã là 106.127 người - đạt 101% kế hoạch năm.
Trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục vẫn là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số lượng LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 người.
Riêng với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh lớn nhất trong 15 quốc gia phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Sau hơn 20 năm, đã có hơn 150.000 lượt thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng phái cử thực tập sinh Việt Nam gần đây cũng có những cải thiện rõ rệt.
Đến nay tuy đã vượt chỉ tiêu của năm, nhưng theo ông Trần Văn Lâm - Trưởng phòng Tuyển dụng, Công ty CP quốc tế Trường Gia TMC, năm 2017 được coi là năm vượt khó của các DN XK LĐ. Bởi với các thị trường được xác định là trọng điểm như: Đài Loan, Hàn Quốc đều rất khó khăn.
Đồng thời, tuy số lượng LĐ XK tăng khá nhiều, nhưng để cạnh tranh được với các DN XK LĐ khác, công ty đã phải tăng chi phí khai thác phát triển thị trường tiếp nhận LĐ dẫn đến số lượng tăng, nhưng doanh thu lại giảm hơn so với năm trước...
Linh hoạt tìm kiếm thị trường mới
Thời gian qua, rất nhiều DN XK LĐ đã rất nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường mới, những hợp đồng mang lại thu nhập cao cho người LĐ. Nhưng đối với các thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt thì quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ lại rất khắt khe.
Cụ thể như thị trường Australia, với nhu cầu LĐ cho khoảng 170 ngành nghề khác nhau từ nghề làm bánh, làm tóc, giết mổ gia súc, gia cầm đến chuyên gia kỹ thuật... hằng năm nước này cần rất nhiều LĐ người nước ngoài ở các dạng chuyên gia và LĐ bán lành nghề.
Tuy nhiên để có thể đưa được LĐ sang thị trường này cũng đòi hỏi LĐ Việt Nam phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn, LĐ phải có nghề nghiệp đã được đào tạo cũng như chứng chỉ hoặc văn bằng chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của chủ sử dụng.
Bên cạnh đó, LĐ cần phải được xác nhận bằng văn bản của đơn vị mà LĐ đã làm việc trong nước về kinh nghiệm làm việc. Đồng thời, trình độ tiếng Anh của LĐ phải đạt tiêu chuẩn do Australia quy định (chứng chỉ được quốc tế công nhận)... Đây được coi là “điểm yếu” nhất của LĐ Việt Nam bấy lâu nay khiến các DN XK LĐ rất khó khăn trong việc tìm nguồn.
Xác định những khó khăn trên, ngay từ đầu năm, không ít DN XK LĐ thay vì tập trung mở rộng tại các thị trường có yêu cầu khó, mà tập trung vào xúc tiến một số thị trường phù hợp hơn với chất lượng LĐ của Việt Nam như Lào, Thái Lan, các nước châu Phi. Bởi ở những thị trường này cơ hội việc làm cho LĐ là rất lớn.
Chẳng hạn như ở Lào, hiện nước này đang trong giai đoạn phát triển nên họ cần khá nhiều LĐ phổ thông và LĐ có tay nghề nhằm phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào có hợp tác rất nhiều trên phương diện hỗ trợ cũng như đầu tư khiến cho việc sang Lào làm việc được dễ dàng hơn.
Đặc biệt, hầu hết LĐ Việt Nam sang làm việc tại thị trường này đều rất dễ thích nghi bởi chi phí khá rẻ, ngôn ngữ Việt được sử dụng khá thông dụng tại Lào. Đây được coi là cơ hội tốt cho các DN XK LĐ Việt Nam khi tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường...