Lao động chật vật vì giá nhà tăng cao

GD&TĐ - Nhiều lao động chật vật khi giá nhà tăng cao, họ đã chuyển sang thuê nhà thay vì tiếp cận các căn hộ mà trước đây từng có giá tốt.

Cần làm “mềm” giá nhà ở xã hội trong các thành phố để lao động dễ tiếp cận. Ảnh minh họa
Cần làm “mềm” giá nhà ở xã hội trong các thành phố để lao động dễ tiếp cận. Ảnh minh họa

Giá nhà tăng mạnh

Chuyên gia cho rằng, với thu nhập hiện nay của đối tượng lao động, việc làm không thường xuyên, theo thời vụ… thì rất khó có thể mua nhà, thậm chí là không đủ tiêu chí để tiếp cận nhà ở xã hội.

Chị Nguyễn Hương Trà (lao động tại Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, giấc mơ an cư đã khiến hai vợ chồng chắt bóp chi tiêu để gom góp dành dụm. Thế nhưng, khi có “lưng vốn” thì giá mua nhà tăng lên khiến vợ chồng chị không đủ tiền mua. Nếu vay ngân hàng thì hàng tháng lại chật vật trả nợ trong khi phải nuôi 2 con ăn học. Đành tặc lưỡi ở nhà thuê tiếp tục cuộc sống nhưng hiện tại một số nơi có giá cho thuê nhà biến động. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá cho thuê nhà đều hạ nhiệt. Thế nhưng, khi nhu cầu đang tăng cao, cộng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tìm nhà thuê lại là cụm từ gây mệt mỏi.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Chẳng hạn như tại Hà Nội, các dự án tại khu vực xa trung tâm đều có giá trên 25 triệu đồng/m2. Cụ thể, dự án xpHOMES (huyện Đan Phượng) giá 29 triệu đồng/m2, dự án Gemek Premium (huyện Hoài Đức) giá 26 triệu đồng/m2, dự án Xuân Mai Complex (quận Hà Đông) giá khoảng 27 triệu đồng/m2.

Nguyên nhân khiến giá nhà tăng mạnh, theo Bộ Xây dựng là do nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Đây chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản.

Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản cho biết, tiếp tục ghi nhận thực trạng tăng giá của căn hộ chung cư tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Riêng tại thị trường Hà Nội, căn hộ cao cấp đạt mức tăng cao nhất, kế đến là căn hộ bình dân và trung cấp. Cụ thể, so với năm 2021 thì tính đến hết quý II/2022, giá căn hộ cao cấp tăng 14%, trong khi căn hộ trung cấp và bình dân, mức tăng đạt được lần lượt là 12% và 7%. Mức tăng của căn hộ Hà Nội đang cao hơn hẳn so với tốc độ tăng giá của căn hộ TP Hồ Chí Minh từ 4 - 8%.

Báo cáo này cũng nhận định thị trường đã hoàn toàn biến mất căn hộ giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ bình dân tại Hà Nội đã tăng từ 26 triệu đồng/m2 lên mức 29 triệu đồng/m2. Căn hộ trung cấp tăng từ 38 triệu đồng/m2 lên mức 41 triệu đồng/m2. Căn hộ cao cấp tăng từ 79 triệu đồng/m2 lên mức 90 triệu đồng/m2.

Thị trường trong những tháng còn lại của năm 2022 sẽ không xuất hiện nhiều đột biến khi nguồn cung vẫn khan hiếm, giá vẫn tăng. Các chủ đầu tư tiếp tục đối mặt với áp lực tăng giá, đặc biệt là từ chi phí đầu vào.

Chính vì giá nhà tăng cao, nhiều lao động đã phải duy trì cuộc sống bằng việc thuê nhà. Tuy nhiên, khi nhu cầu càng lớn thì nguồn cung lại khó khăn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc dù xoay xở đi thuê thì công nhân, lao động vẫn gặp khó khăn khi giá thuê nhà cũng tăng cao.

Làm “mềm” giá nhà ở xã hội

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động. Đây cũng là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội.

So với nhu cầu thực tiễn thì số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu và còn nhiều tồn tại bất cập. Đặc biệt là qua ứng phó với đại dịch Covid-19 và so với nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Xây dựng nên rà soát và tính toán lại, tung ra thị trường đến năm 2025 dự kiến trong mục tiêu (kể cả đã và sẽ khởi công mới) khoảng 450.000 căn hộ, đến năm 2030 dự kiến là 1 triệu căn nhà ở xã hội là chưa phù hợp nhu cầu. Bởi vì riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 là 3,4 triệu lao động. Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác.

“Chúng tôi đề nghị nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho công nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua. Địa phương bố trí đất đai. Các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề và cần thiết Nhà nước hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được 1 triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trên bình diện rộng cần tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, tăng thu nhập, tiếp tục cải cách hành chính, giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm “mềm” giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.