Sự cần thiết của chuẩn
6 chuyên gia từ Trung ương đã đến Lào Cai tập huấn cho 32 cán bộ quản lý Sở GD&ĐT và giáo viên mầm non (GVMN) cốt cán của huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai. Các chuyên gia và cán bộ cốt cán đã trực tiếp thử nghiệm và đánh giá hoạt động thử nghiệm tại Trường mầm non Bình Minh, Trường mầm non số 2 thị trấn Phong Hải, Trường mầm non Việt Hà.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT, trưởng nhóm thử nghiệm cho biết: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành từ năm 2010 theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, bối cảnh thực tiễn với nhiều thay đổi đòi hỏi cần có Bộ chuẩn mới để phù hợp hơn với sự phát triển tâm - sinh lý của trẻ em Việt Nam hiện nay và những chỉ đạo của cấp học.
Theo Kế hoạch số 229/ KH-BGDĐT ngày 8/3/2022 của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thử nghiệm nhằm đánh giá sự phù hợp và tính xác thực của các chỉ số trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, làm cơ sở xây dựng và ban hành Thông tư về chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong thời gian tới. Các tiêu chuẩn này nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ.
Các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế cho tất cả trẻ em. |
Thực tế cho thấy, việc soạn thảo “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” là một sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non. Các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế cho tất cả trẻ em Việt Nam, bất kể giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, sự đa dạng văn hóa, và nhu cầu đặc biệt của cá nhân.
Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới gồm 6 lĩnh vực (Thể chất, Tình cảm-Quan hệ xã hội, Ngôn ngữ và Giao tiếp, Nhận thức, Thẩm mỹ, Tiếp cận với việc học) với 22 chuẩn và 68 chỉ số. Các chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ.
Đặc tính toàn diện của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” giúp mọi người có thể hiểu hơn về những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập phát triển. Việc triển khai sẽ có tác động trực tiếp trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, trách nhiệm của cha mẹ và cộng đồng tại địa phương trong những chương trình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Kết quả thu nhận được
Các chuyên gia và cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đã triển khai hoạt động tập huấn, trực tiếp đo các bài tập thuộc lĩnh vực vận động của trẻ tại nhà trường. Khu vực đánh giá vận động được bố trí ngoài sân trường và cầu thang bộ từ sân đi xuống khu vực phòng học. Trường cũng dành 1 phần sân có mái che được bố trí đo liên hoàn chỉ số 4 và 6, đo vận động tinh, khu vực sân ngoài trời đo chỉ số 5 và 7.
Các chuyên gia và giáo viên mầm non triển khai các bài tập thuộc lĩnh vực vận động của trẻ. |
Các đánh giá viên rất tích cực và cầu thị, học thuộc các bài tập đo trong sổ tay hướng dẫn, trao đổi với cán bộ hướng dẫn và thực hành cùng nhau vào buổi sáng. Buổi chiều các đánh giá viên chia cặp và thực hành trực tiếp với trẻ, mỗi người đều được tập ở vai trò người hướng dẫn và người chấm điểm. Sau mỗi lần đánh giá nhóm lại cùng trao đổi, phân tích để thống nhất cách đánh giá và rút kinh nghiệm cho lần kế tiếp.
Tại Trường MN Bình Minh, nhà trường bố trí 1 phòng rộng, chia thành 2 phòng riêng biệt cho 10 đánh giá viên thực hiện nhiệm vụ đánh giá trẻ. Phòng ngoài rộng hơn có 6 bàn cho 6 đánh giá viên, phòng trong hẹp hơn, có 4 bàn cho đánh giá viên. Nhờ vậy giảm được sự ồn ào trong quá trình đánh giá. Chuyên gia trung ương đã hướng dẫn cho các đánh giá viên địa phương về cách thức chuẩn bị đồ dùng để đo chuẩn, cách thức sử dụng sổ tay và đánh giá kết quả đo chỉ số.
Đánh giá viên đã thực hiện quy trình bài tập đánh giá một cách đúng, đủ, thành thạo và linh hoạt trong cách xử lý các tình huống. |
Bà Huyền cho biết: Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trung ương, sự hỗ trợ từ ban giám hiệu và cán bộ giáo viên các nhà trường. Các đánh giá viên cấp địa phương tại Lào Cai đã cơ bản nắm được: Cách thức chuẩn bị bộ công cụ để đo chuẩn: Số lượng bộ đồ dùng của từng bài tập, chỉ số; cách sắp xếp các bộ công cụ sao cho khoa học, hợp lý. Cách thức sử dụng sổ tay và phiếu ghi kết quả của 6 lĩnh vực.
Đánh giá viên đã thực hiện quy trình bài tập đánh giá một cách đúng, đủ, thành thạo và linh hoạt trong cách xử lý các tình huống. Đánh giá viên phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, sắp đặt môi trường khoa học, hợp lý, linh hoạt trong xử lý các tình huống. Kết quả làm việc ở phòng đánh giá này đạt được theo mục đích đặt ra. Cha mẹ/người giám hộ từ trường ở trung tâm thành phố đến huyện miền núi có học sinh dân tộc đều đánh giá cao bộ công cụ thử nghiệm.
“Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đảm bảo sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, là căn cứ xây dựng và phát triển chương trình GDMN quốc gia, địa phương, nhà trường. Chuẩn góp phần đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ, cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, phát triển các nguồn tài liệu nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc - giáo dục trẻ", Chuyên viên Nguyễn Thị Thanh Huyền.