(GD&TĐ) - Cách đây hơn 800 năm, nghề trồng hoa, cây cảnh ở làng Vị Khê (xã Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) đã nổi tiếng với những điển cố, truyền thuyết được truyền qua nhiều đời. Đến nay, nghề trồng cây cảnh ở Vị Khê đã giúp cho nhiều người dân trở thành tỷ phú.
Ngắm cây ngẫm người
Làm giàu từ cây cảnh ở Vị Khê |
Thành Nam vốn nổi tiếng với 4 làng “Vị”: Vị Hoàng và Vị Xuyên với chuối ngự tiến vua, hoa quả để cúng tiến, Vị Lương với ẩm thực và Vị Khê với cây cảnh.
Cây cảnh Vị Khê không chỉ phát triển trong địa phương mà còn đi khắp đất nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Người dân Vị Khê cảm thấy tự hào khi cây nguyệt quế và vạn tuế của làng được chọn để trồng bên Lăng Bác. Nhiều nơi quan trọng như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình… đều có sự hiện diện của hoa cảnh Vị Khê. Quả không ngoa nếu như ai đó nói “Phần lớn các loại cây cảnh, cây thế, cây bonsai được bài trí tại các khách sạn, các tòa nhà lớn trong cả nước có xuất xứ từ làng nghề cây cảnh Vị Khê”. Trong làng còn lưu giữ bộ cây thế khoảng 300 năm tuổi đã từng dự thi và giành giải thưởng cung đình Huế do vua ban tặng, được coi như đồ gia bảo của làng nghề.
Từ trên bờ sông Hồng nhìn xuống làng Vị Khê, nhà nào cũng trồng cây cảnh, cây thế. Nhiều nhất là các loại cây: sanh, si, tùng La Hán, vạn tuế, cau vua... được uốn tỉa, chăm sóc công phu thành các dáng, thế, ẩn chứa quan niệm triết học phương Đông, tạo nên sự kỳ thú hấp dẫn du khách. Có cây còn được uốn tỉa thành hình những kỳ quan nổi tiếng thế giới như tháp Effel, tháp Phổ Minh, hình chim đại bàng, chim công, chim phượng hoàng... Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sức sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân làng nghề.
Theo các vị cao niên, người chơi cây cảnh của làng còn phải dựa vào nhiều yếu tố mới phù hợp với các thế cây. Theo triết lý của các bậc hiền sỹ ngày xưa, không phải ai cũng có thể chơi được các thứ cây cảnh. Chẳng hạn, người sở hữu những cây cảnh thế trực phải là người có cách sống trung trực, có trước có sau với làng xóm láng giềng. Bộ Tứ quý là cầu mong cuộc sống 4 mùa đều no ấm đầy đủ. Bộ Ngũ phúc khẳng định gia đình phúc hậu, có đức độ và con cháu đề huề. Bộ Huynh đệ đồng khoa là gia đình có nhiều người đỗ đạt công vinh hiển hách. Bộ Tam đa biểu hiện cả dòng họ cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ấm no… Nhìn vào gia đình chơi bộ nào, người ta có thể hiểu được phần nào về gia đình đó. Những thế cây đó còn là những bài học để các cụ răn dạy con cháu ăn ở có lễ nghĩa, chuyên cần học tập và vươn tới một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Mỗi thế cây tạo nên những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau. Để tạo được dáng cây, những nghệ nhân mất có khi cả cuộc đời với sự kiên nhẫn tỷ mỷ cùng sự sáng tạo vô bờ bến. Từng nhánh cây, từng chồi non đều được uốn, tạo dáng từng ít, từng ít một. Có khi phải mấy năm mới được hình hài một nhánh cây đẹp.
Bên cạnh đó, để giữ thế cây luôn theo ý muốn, các nghệ nhân còn luôn phải chăm chút, chỉnh sửa bởi cây luôn phát triển, chỉ ít lâu không tỉa, cây sẽ mất thế ngay. Khó là khó như thế nhưng ở Vị Khê, vẫn còn rất nhiều nghệ nhân đang mê say để tạo ra nhiều thế mới.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được những cây cảnh truyền thống thuở xưa như: trà my, hải đường, hoa mộc hương. Đặc biệt, ngày xưa ở vùng đất này bạt ngàn cây quất. Chính vì trồng nhiều quất mà nơi đây một thời còn được mệnh danh là làng quất nguyên thủy của Việt Nam.
Triết lý trồng cây
Ông Đỗ Quốc Hùng bên vườn cây có giá trị gần 100 tỷ đồng |
Năm 1924, trong làng Vị Khê có một ông phó Lý tên là Nguyễn Văn Lã, tuy làm phó Lý nhưng nổi tiếng chơi cây cảnh không ai bằng. Hồi đó, cây cảnh nghệ thuật chưa có nhiều cây độc đáo như bây giờ, nhưng có một đôi cây sanh thế trực liên chi nổi tiếng khắp vùng. Năm ấy, trong cung đình Huế, Chúa Nguyễn mở cuộc thi cầm, kỳ, thi họa. Ông Lã không quản ngại xa xôi gánh đôi cây cảnh này vào ứng thi.
Người ta kể rằng, ông Lã đã phải đi các phương tiện khác nhau như đi bộ, xe ngựa, xe bò để vào tới kinh thành dự thi. Thấy hai cây sanh thế trực liên chi đẹp quá, Chúa Nguyễn đã không tiếc lời khen ngợi và ban sắc phong cho ông Lã. Nói như thế để biết được tầm và vị thế của người làm cây cảnh Vị Khê.
Nói về cây cảnh nghệ thuật, theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh của Vị Khê, chơi cây, khâu quan trọng nhất là chọn giống. Cây cảnh được chọn trồng là những cây có sức tái sinh, khỏe, có thể sống ở mọi địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Trong số những giống cây, sanh là loài cây được trồng nhiều nhất. Giống cây này có nhiều nhựa sống, theo kinh nghiệm của người xưa, nhựa như dòng máu của cơ thể. Thứ hai chọn dáng, thứ ba là nguyên tắc tạo thế. Cây cảnh có giá trị phải mang đủ bốn yếu tố: thẩm mỹ, giáo dục, tâm linh và gắn với nền nông nghiệp – nền văn minh lúa nước.
Người chơi cây phải có tư duy, đôi bàn tay khéo léo mới thổi được hồn vào đó. “Làng Vị Khê đã có bề dày trên 800 năm về trồng hoa và cây cảnh nghệ thuật. Xã có 7 làng thì 100% gia đình ở đây đều trồng cây cảnh, cũng là hiếm thấy trong đất nước Việt Nam ta” – ông Chiến nói. Năm 2009, Điền Xá được Nhà nước phong tặng là làng nghề tiêu biểu Việt Nam.
Với hơn 4.000 hộ tham gia trồng cây cảnh, hiện 80% thu nhập của Vị Khê từ cây cảnh, có nhiều bộ cây đã bán với giá cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Cuộc sống người Vị Khê ngày càng khá giả. Năm 2011 tăng lên 55 tỉ đồng. Thu nhập bình quân toàn xã là 20 triệu đồng/người/năm, riêng làng nghề Vị Khê là 40 triệu đồng/người/năm.
Đến thăm khu vườn rộng một mẫu của ông Đỗ Quốc Hùng, 61 tuổi, ở thôn Vị Khê, chúng tôi như lạc vào một dinh thự với những hàng cây sanh, la hán, tùng... đủ mọi dáng vẻ. Ông Hùng nối nghiệp 3 đời làm nghề cây cảnh của gia đình và dần nổi tiếng với việc được thực hiện nhiều công trình quan trọng, đỉnh cao là thực hiện dự án cây cảnh cho Trung tâm Hội nghị Quốc gia năm 2007. Hiện nay, báu vật trong vườn nhà ông là cây sanh có thế phụ tử, có tuổi đời hơn trăm năm, có người từng hỏi mua với giá 30 tỉ đồng nhưng ông chưa bán. Theo tính toán sơ bộ, gia đình ông thu nhập khoảng 2 tỉ đồng mỗi năm, toàn bộ khu vườn cây có giá gần 100 tỉ đồng.
Một tỷ phú cây cảnh khác là ông Nguyễn Thanh Vân, sinh ra trong một gia đình có 15 đời theo nghề cây cảnh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nhạc họa, ông về quê lập nghiệp và biến khu vườn 800 m2 thành một trung tâm cây cảnh lớn. Tác phẩm cây sanh Khuê Văn Các của nghệ nhân trẻ này khi tham gia triển lãm trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận “Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam”.
Những năm gần đây, cây cảnh làng Vị Khê còn vươn ra cả thị trường thế giới. Mỗi năm làng nghề đón hàng trăm lượt khách tham quan đến từ nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào…
Năm 2010, tổng thu nhập từ hoa, cây cảnh của xã Điền Xá là gần 46 tỷ đồng, riêng làng Vị Khê chiếm khoảng 30 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trung bình đạt 300 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 70 lần so với trồng lúa. |
Minh Thứ