Vẫn có trẻ mắc mới
Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay ở nước ta là 121.723 trẻ, trong đó trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 6.800. Trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS là 73.129. Trẻ có nguy cơ nhiễm cao (trẻ em sử dụng ma túy, trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy, trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em) là 41.794.
Trong bối cảnh dịch HIV vẫn gia tăng ở nước ta như hiện nay đồng nghĩa với việc số trẻ có nguy cơ phơi nhiễm, bị ảnh hưởng cũng tăng theo. TP. HCM là điển hình cho tình trạng gia tăng trẻ nhiễm HIV mới. Gần đây nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia định tiếp nhận một thai phụ nhiễm HIV chuyển dạ mà không được dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, những năm trước, trung bình mỗi năm chỉ tiếp nhận 1-2 bệnh nhi nhiễm mới vào viện điều trị nhưng 9 tháng đầu năm nay có tới 14 em, trong đó tháng cao điểm tiếp nhận tới 4 trẻ.
Ghi nhận của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, 8 tháng của năm 2016 có 22 trẻ nhiễm HIV từ mẹ, tăng 4 ca so với năm 2015, trong đó 15 trường hợp đến từ các tỉnh khác. Đặc biệt, trong năm 2016 số trẻ tử vong vì nhiễm HIV gia tăng đột biến (11 trẻ). Cũng trong nửa đầu năm 2016, thành phố đã xét nghiệm cho 618.500 thai phụ, phát hiện 563 thai phụ nhiễm HIV.
Tương lai trẻ phụ thuộc vào ý thức của người lớn
Hình thái dịch ở nước ta đã có sự thay đổi, theo hướng dịch chuyển từ nam sang nữ. Con đường lây truyền chủ yếu chuyển từ tiêm trích ma túy sang quan hệ tình dục không an toàn. Nếu như 10 năm trước đây, tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV mới ở mức 10% thì năm 2007 tăng lên trên 24% và hiện nay là 32,4%. Nữ giới nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm tới 50% tổng số ca mắc. Có đến gần 50% phụ nữ bán dâm không dùng bao cao su thường xuyên. Tỷ lệ này ở nam quan hệ tình dục đồng giới cũng khoảng 63%.
Nữ giới nhiễm HIV gia tăng đồng nghĩa với việc có nhiều phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra đối diện với nguy cơ mắc bệnh. Với tỷ lệ nhiễm HIV như hiện nay, ước tính nước ta có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, kinh nghiệm cho thấy cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện điều trị sớm thì cứ 100 trẻ sinh ra chỉ có 3 trẻ nhiễm HIV. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khả năng dự phòng giảm lây truyền mẹ con còn hạn chế do mức độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế, xét nghiệm trước sinh thấp, xét nghiệm muộn làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con.
Đồng tình với quan điểm trên, theo bà Tiêu Thị Thu Vân, GĐ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP. HCM, tại thành phố vẫn còn tình trạng thai phụ không biết mình nhiễm bệnh. Trong quá trình mang thai, do khám ở cơ sở y tế tư nhân nên không được tư vấn xét nghiệm dự phòng bệnh. Đây là lý do giải thích tại sao vẫn ghi nhận trẻ sinh ra mắc bệnh từ mẹ. Bên cạnh đó, nhiều thai phụ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc điều trị dự phòng nên bỏ giữa chừng hoặc sinh xong không điều trị tiếp cho mình, cho con… không chỉ làm gia tăng số trẻ mắc bệnh mà còn khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Rõ ràng, bên cạnh sự thiếu hiểu biết của người bệnh, kỳ thị của cộng đồng khiến người mắc bệnh không dám nói bị nhiễm HIV khi đi khám tại bệnh viện địa phương thì một bộ phận nhỏ bác sĩ nội khoa, nhi chưa thực sự hiểu rõ về bệnh nên ngại tư vấn với trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ. Con số trẻ nhiễm HIV tăng từng năm cũng cho thấy thực trạng truyền thông đến đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là công nhân ở khu công nghiệp. Việc không làm tốt công tác tuyên truyền GD sức khỏe sinh sản, phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cũng như nhân rộng mô hình xét nghiệm tự nguyện, tư vấn tâm lý và quản lý hiệu quả đối tượng điều trị thì việc kháng thuốc ARV và lây nhiễm gia tăng là điều dễ hiểu.
- Phân tích số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV, nam giới chiếm 69,8%, nữ giới chiếm 30,2%, lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, lây nhiễm qua đường máu 34%, mẹ truyền sang con 2%, còn lại không rõ.