Con một nhà dâu cả họ
Hừng đông vừa lên, đôi bàn tay rắn rỏi của trưởng tộc Lương Thêm mỗi lúc một thoăn thoắt trên hàng cây dẫn vào cổng từ đường. Suốt gần 2 năm qua, từ lúc đảm nhận chức trưởng tộc ông Thêm cùng bác Lương Long luôn chăm chút cho vườn cây khuôn viên gia tộc ngày một xanh tốt. Công việc tuy không khó khăn nhưng thể hiện trách nhiệm của vị tộc trưởng kế nhiệm với nơi trang nghiêm của dòng họ.
Thấy có khách đường xa bất ngờ đến thăm từ đường lúc sáng sớm, ông Thêm nhấp vội chén trà rồi vui vẻ mời tôi vào căn nhà nhỏ bên dưới từ đường thả sức kể chuyện dòng họ. Đặc biệt là những ngày tích cực đi vận động các phái trong họ tộc lựa chọn nàng dâu ngoan hiền để tôn vinh.
Cuộc trò chuyện đang đến đoạn cao trào bỗng ông Thêm dừng lại, rồi đột nhiên bấm máy điện thoại một cách vô tư, chẳng cần nghĩ người đang lắng nghe câu chuyện có cảm giác"mất hứng".
Thấy tôi có vẻ không ưa ý, trưởng tộc Lương Thêm xoa dịu: " Chú đợi tí nghe, tui điện thoại vào báo mấy bác tý đã, nhất là bác Lương Xênh ở trong Đồng Nai. Bác ni nằm trong ban liên lạc họ Lương.
Không phải là tui khó khăn chi. Đôi lúc làm trưởng tộc cũng khó như làm dâu trăm họ rứa đó. Nhiệm kỳ làm bác trưởng hai năm mà lúc nào cũng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" cả ngày.
Được cái nhìn lên rồi ngó xuống cũng thấy mình vinh dự khi được bà con họ tộc chọn lựa chú mi ơi. Tui không thông báo làm việc với nhà báo đôi lúc các bác trong họ tộc cho tui ăn nói tự tiện, thông cảm hi".
Nhanh như điện. Sau 5 phút liên lạc qua điện thoại thoại ánh mắt trưởng tộc Lương Thêm cởi mở hẳn lên: " Được rồi chú, tí nữa bác dẫn chú mi đi thăm các mệ, các cô tìm hiểu nhé. Đảm bảo với chú sẽ có đầy đủ thông tin về các nàng dâu họ mình".
Tưởng rằng ông trưởng tộc Lương Thêm vì tự hào họ tộc nên nói quá. Ai dè suốt hai tiếng ngồi "trà dư tửu hậu" tôi đã nghe ông kể chuyện vanh vách về dòng họ từ đời bác trưởng này sang bác trưởng khác.
Mới nhất là trụ biểu to nhất làng được đầu xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Trong câu chuyện trưởng tộc Lương thêm đã kể ra, ấn tượng nhất đối với tôi là chuyện bác Lương Xênh, Lương Thuận, Lương Hoài Thông...đồng tâm hiệp lực cùng đưa ra ý tưởng về việc tổ chức lễ vinh danh nàng dâu đầu tiên vào ngày 12/8 âm lịch năm 2013 đúng ngày tảo mộ của họ Lương.
Bác Thêm nhớ lại: Quả thật ngày đó không có ý kiến của bác Xênh và mấy anh em cá nhân tôi nghĩ việc tôn vinh nàng dâu ở làng này khó thực hiện.
Không dễ gì có được buổi lễ tôn vinh đầy ý nghĩa cho 158 bà làm dâu từ 30 năm trở lên. Trong đó có 56 cụ bà trên 80 tuổi rồi được họ tộc tặng một bộ áo chữ thọ màu đỏ với bằng khen tuyên dương.
Sự việc này ở làng Mỹ Lợi từ trước nay chưa có tiền lệ. Theo tìm hiểm của tôi ngay khi cả thời các chúa Nguyễn vào khai khẩn đất Thuận Hóa-Phú Xuân cũng chưa có vị vua, chúa nhà Nguyễn nào làm chuyện này.
Ý tưởng được lớp trẻ chúng tôi đưa ra lúc đầu vấp phải sự phản đối dữ dội từ các cụ cao niên. Ý kiến các bác đã là con dâu thì khi bước chân đầu tiên vào nhà chồng đi đứng, ăn ngủ phải tuân lệnh gia phong, tuân Tam cương, Ngũ Thường "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tủ". Phận làm dâu luôn phải biết mình chỉ "là vật trang trí trong nhà" nên chẳng cần tôn vinh gì cả.
Quyết tâm thay đổi nhận thức lớp trẻ trong ban liên lạc họ tộc đã thuyết phục được các bác trưởng ở 6 chi phái họ Lương đồng ý để buổi lễ vinh danh nàng dâu được diễn ra tôn nghiêm, trang trọng.
Bác Thêm nhớ lại: Suốt gần một năm trời "nhóm tiến bộ" trong họ tộc bôn ba khắp nơi cuối cùng cũng định hình tìm ra tiêu chí chọn lựa nàng dâu thảo.
Nàng dâu họ Lương được vinh danh phải là người phụ nữ về làm dâu đủ 30 năm trở lên; Có những hy sinh thầm lặng, không so đo hơn thiệt, luôn đảm đang trung thực, làm vợ hiền dâu thảo; Không phải chân yếu tay mềm, công dung ngôn hạnh hay chỉ nghĩa vụ sinh con mà phải cùng chồng gánh vác việc gia nương vun bồi hạnh phúc.
Rồi khi cha mẹ chồng cao niên lớn tuổi, những nàng dâu họ Lương được chọn lựa tôn vinh vẫn vui vẻ cơm lành, canh ngọt mời dâng rồi chăm sóc, thuốc thang cận kề mà lòng vẫn thảnh thơi.
Vì nhiều tiêu chí đưa ra cho nên rất nhiều nàng dâu trong tộc họ Lương chưa được xét duyệt. Trong số đó có cả vợ tôi vì mới làm dâu họ Lương chưa đủ 30 năm.
Cái hay nhất của họ Lương trong buổi lễ vinh danh nàng dâu chúng tôi còn soạn còn cả bài văn tế tôn vinh cả những người mẹ, người vợ, những nàng dâu họ Lương đã qua đời.
Phúc đức tại mẫu
Để minh chứng các nàng dâu họ Lương đã thay đổi cách nghĩ sau khi lễ vinh danh, trưởng tộc Lương Thêm dẫn tôi ghé thăm gia đình ông Lương Hoài Thông - Một trong những "ngư dân đặc biệt" ở làng Mỹ Lợi.
Trong căn nhà cấp 4 ở cuối đường làng, người đàn ông 65 tuổi đã cảm thấy thấm thía nỗi gian truân của cuộc đời. Điều hạnh phúc lớn lao còn đọng lại ở ông Thông chính là được nhìn thấy 5 con nay đã tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng rồi tự kiếm việc làm nuôi thân.
Có được niềm vui đó ông Thông luôn biết ơn người mẹ quá cố của mình là bà Hầu Thị Thiếp. Lúc còn sống từ làng trên xóm dưới cụ Thiếp "nổi tiếng" là người phụ nữ đức hạnh, mẫu mực khi chồng cụ là liệt sĩ Lương Trường, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp lúc cụ vừa mới sinh hạ ông Thông tròn 3 ngày tuổi.
Chồng hy sinh khi con chưa biết nói, ấy thế mà cụ Thiếp đã thay chồng gánh vác việc nhà. Bằng nghề nuôi tằm, dệt lụa, cụ không những làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ chồng mà nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Không những thế, cụ Thiếp còn dạy các con dâu của mình sống hòa thuận, phải giữ nếp nhà bằng cách "lạt mềm buộc chặt".
Tiếp bước mẹ chồng khi về làm dâu nhà họ Lương, bà Trần Thị Bê - Vợ ông Thông - học tập đức độ và tấm lòng bao dung của mẹ chồng rồi đến lúc bà Bê đi cưới dâu về lại tiếp tục "truyền lửa" cho chị Huỳnh Thị Bông.
Ông Thông kể: " Mình muốn dạy con, dạy dâu tốt bản thân ông bà cha mẹ trong gia đình phải rộng lượng bao dung, là tấm gương để dâu con học hỏi.
Khi về làm dâu lúc đầu cháu cũng không hài lòng gia đình tôi. Qua thời gian, con dâu tôi rất trưởng thành. Thái độ sống thực dụng ích kỷ chỉ biết con và chồng nay đã thay đổi. Bây giờ cháu nhiệt tình, biết tôn trọng thương yêu anh em, lễ phép với bố mẹ chồng".
Đặc biệt người làng Mỹ Lợi đến nay còn tự hào về người con gái tiến cung. Đó là bà Hoàng Thị Cúc (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, bà Hoàng Thái Hậu cuối cùng của triều Nguyễn).
Vì vậy con cháu Mỹ Lợi và dòng họ Lương luôn ghi nhớ phận làm con, làm dâu, noi gương các cụ ngày xưa sống hiếu thuận, gìn giữ nền nếp gia phong.
Như trường hợp bà Hoàng Thị Biên năm nay gần 91 tuổi, quê ở thôn Hà Úc (xã Vinh An) về làm dâu họ Lương đến nay hơn 62 năm và đã có 8 người con, 40 cháu nội ngoại, 22 chắc nội ngoại nhưng khi nào có bà con Việt kiều về nước nhờ chia sẻ kinh nghiệm làm dâu bà đều vui vẻ nhận lời.
Bí quyết để trở thành con dâu tốt của dòng họ theo lời bà Biên: "Chi rồi cũng không bằng lạt mềm buộc chặt. Từ thực tế của bản thân, tui thường nói với các cô gái trẻ những việc mà họ nên làm khi về nhà chồng.
Ðó là hiếu thuận với bố mẹ chồng. Biết làm việc nhà và dạy dỗ con cái, trân trọng hạnh phúc gia đình. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng chung quy lại là mình phải sống tốt. Không nhà nào hoàn hảo mô. Bây giờ làm dâu cũng khác rồi, nhưng bản thân mình muốn dâu hiền, rể thảo phận làm cha mẹ, ông bà phải làm gương cho các cháu".
Cũng có nhiều suy nghĩ về nàng dâu thời hiện đại nhưng khi về làm dâu dòng họ khi Lương gía trị người phụ nữ được tôn vinh. Đôi lúc còn cứu rỗi tính mạng một con người.
Cách đây hơn một năm trong lần từ Đắc Lắc về thăm quê chồng ở Mỹ Lợi vợ chồng cháu Lương Xá (con ông Lương Lệ, cháu nội bà Nuôi) mới cưới nhau hơn một tháng hai vợ chồng đã xảy ra xích mích, cháu dâu giận chồng chạy tuốt ra biển đòi tự tử.
Bằng kinh nghiệm cả cuộc đời gần hơn 62 năm làm dâu bà Biên đã trở thành "chuyên gia hòa giải" dàn xếp êm xuôi mọi chuyện và tiếp tục xây dựng hạnh phúc cho cháu con.
Trụ biểu vừa mới xây tại từ đường họ Lương làng Mỹ Lợi
Trưởng tộc Lương Thêm bên từ đường dòng họ Lương ở làng Mỹ Lợi xã Vinh Mỹ