Những mảnh đời di trú
Những chủ đàn ong cùng nhân công di chuyển theo đàn ong mỗi mùa hoa từ Nam ra Bắc và ngược lại. Chỉ cần ở đâu có hoa, ở đó có đàn ong và những người chăn ong. Tôi gọi họ là những con người di trú, chăm những đàn ong di trú. Họ lang thang hết những vùng hoa này đến vùng hoa khác cùng đàn ong kiếm mật. Với họ, ong là cuộc sống, là niềm vui và cả nước mắt.
Phan Văn Lang (46 tuổi, quê Quảng Nam) đã ở Đắk Hà (Kon Tum) gần ba tháng. Anh mang đàn ong đi từ Huế vào Tây Nguyên để hút mật từ Tết đến giờ. Anh Lang bảo, những người nuôi ong mật như anh luôn tự nhận mình là “dân du mục”, những người di trú theo mùa hoa luôn phải sống cuộc sống nay đây mai đó, theo đàn ong đi kiếm nơi có thời tiết và nguồn phấn hoa phù hợp.
Anh Lang cho biết, quanh vùng hoa cà phê bạt ngàn này không chỉ có trại ong của anh, còn mấy chục trại ong khác cũng như anh, chạy ong từ khắp nơi về đây chăn ong mùa hoa cà phê này. Mỗi trại ong ở cách nhau vài km để tận dụng hết vùng hoa. Ong vốn là những sinh vật có trí nhớ tốt, nên chẳng bao giờ bị lạc bầy lạc tổ. Thế nên đàn ong của ai chẳng bao giờ sợ bị mất.
Trong căn lều phủ bằng bạt của anh Lang cùng mấy người công nhân theo anh nhiều mùa, chỉ có chiếc sạp gỗ làm chỗ ngủ, quần áo rẻ tiền, vài chiếc xoong nồi bát đũa nấu cơm, chiếc đài chạy pin và một bình ắc quy nho nhỏ để thắp sáng. Nhưng ánh điện từ ắc quy chỉ thắp lên lúc ăn cơm tối, rồi sau đó lại tắt. Không phải vì tiết kiệm mà bởi tập tính của loài ong rất nhạy cảm với ánh sáng, không cẩn thận sẽ bị ong tấn công ngay lập tức. Tôi hỏi tại sao? Anh bảo: “Tính khí của loài ong rất khó đoán định. Lúc cáu tiết có thể kéo cả đàn tìm người đốt chẳng cần lý do. Thế nên mỗi tối, sau khi ăn cơm thì ánh điện tắt phụt”.
Nghề nuôi ong du mục không chỉ như “đánh bạc với trời”, quanh năm suốt tháng phải sống giữa núi rừng hoang vu. Những người theo nghề này còn nếm trải sự cô đơn, thiếu thốn, khi mà quanh năm họ chỉ có rừng núi hoang vu làm bạn. Hành trang của những người nuôi ong là hàng trăm, hàng ngàn thùng ong cùng những lều bạt đơn sơ. Có những gia đình theo ong xuôi ngược khắp nơi, những đứa trẻ mới chập chững bước đi nhưng đã rong ruổi cùng cha mẹ qua các cánh rừng. Đối với những người nuôi ong ấy, có lẽ thời gian sống trong rừng của họ còn nhiều hơn thời gian ở nhà.
Nước mắt người làm nghề
Để có mật ngon, người nuôi ong phải rong ruổi hầu khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc. Nghề này được ví như “đánh bài lật ngửa” bởi may mắn thì trúng hàng trăm triệu còn không thì lỗ nặng. Anh Lang bảo anh thất bại nhiều vụ, do những ngày đầu anh vẫn chưa am hiểu hết nghề nuôi, những năm sau đàn ong của anh liên tiếp bị dịch bệnh chết rạp. Những thất bại liên tiếp đã làm anh chán nản bỏ nghề. Nhưng những ngày tháng phiêu bạt làm đủ thứ nghề vẫn không khoả lấp được nỗi nhớ với nghề nuôi ong trong anh. Rồi anh quay lại. “Nuôi ong rong ruổi khắp nơi, nghề này dễ trúng và cũng dễ lỗ do chi phí bỏ ra tiền tỷ. Nhưng chúng tôi quen rồi, phải theo nghề thôi!”, anh Lang thủ thỉ.
Không chỉ sợ bệnh tật cho ong, mà ngay cả việc chọn vùng hoa cho đàn ong cũng là cả một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến của các chủ trại ong, là cuộc chiến của chủ ong và cả người dân bản địa tại vùng hoa đó. Tâm lý người dân địa phương thường cho rằng, ong là kẻ thù chính trong phá hoại hoa màu, cây cối nên họ phun thuốc làm một số lượng lớn ong bị chết. Nuôi ong mật nhìn vậy nhưng không dễ. Vốn đầu tư không nhỏ cùng với bao nhiêu rủi ro khác nữa. Di chuyển đàn ong về nơi nào, nếu không đi “trinh sát” trước, đặt ong xuống vùng người dân mới phun thuốc sâu, thì chỉ 3 ngày là bầy ong chết sạch.
Điều đáng sợ nữa, ấy là lúc thu hoạch mật, bất chợt có các nhóm giang hồ, đang hoạt động, bắt mùi được và tìm đến hoạnh hoẹ trấn lột. Chăn ong mấy tháng trời, đến lúc gặt hái thành quả thì không thể làm khác được nên những chủ ong đành phải cúng tiền chè thuốc cho những người này, chỉ mong được yên ổn làm ăn nốt mấy ngày cuối rồi đi nơi khác, nếu không chỉ cần vài mồi lửa và đám khói coi như công cốc.
Rủi ro đầy rẫy, gian nan trùng trùng, thế nhưng khi tôi hỏi anh Lang năm sau có đưa ong mật lên cao nguyên nữa không? Anh vẫn nở nụ cười hi vọng: “Có chứ, đã làm ăn thì chuyện được mất là thường tình. Nghề đã vận vào người sao bỏ được?”.