Làng Nghiện không khói thuốc

GD&TĐ - Làng văn hóa Nghiện thuộc huyện Tiên Lãng. Cái tên này đã tạo nên những giai thoại “dở khóc dở cười”.

Cổng làng văn hóa làng Nghiện. Ảnh: INT.
Cổng làng văn hóa làng Nghiện. Ảnh: INT.

Gái làng Nghiện khó lấy chồng xa

Nhắc đến từ nghiện người ta thường nghĩ ngay đến những người sử dụng ma túy, gây hậu quả xấu cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, tại một vùng quê bình yên với những cánh đồng thẳng tắp cánh cò bay có một ngôi làng mang tên “Nghiện”. Cái tên khiến nhiều người tò mò xen lẫn e ngại khi lần đầu tiên nghe nhắc tới.

Khi hỏi thăm về làng Nghiện, xã Quyết Tiến, anh Nguyễn Hoàng Anh (SN 1975, lái xe taxi tại thị trấn Tiên Lãng) nhanh nhảu: “Làng Nghiện nhưng không có người nghiện đâu nhé. Cũng vì cái tên đó mà cánh xe ôm, taxi chúng tôi từng lạnh người khi lần đầu nghe thấy. Từng có đồng nghiệp khi chở khách đến cổng làng Nghiện vã mồ hôi hột bỏ khách chạy lấy người vì cái tên độc lạ”.

Với người dân làng Nghiện, bao đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện từ xa xưa về cái tên hiếm của làng. Các lão niên trong làng kể lại, với mong muốn con cháu trong làng học hành, thi cử đỗ đạt, người ta đặt tên làng là “Nghiên”. Nét chữ vừa khô thì giọt mực rơi xuống tấm vải, tạo thêm dấu nặng trở thành chữ “Nghiện”. Nhiều đời nay làng Nghiện vẫn được gọi như cái tên ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Thời - Bí thư Chi bộ thôn Nghiện kể, từ khi bà sinh ra, làng đã có tên là Nghiện (sau này mới đổi thành thôn Nghiện).

Thời xưa, cái tên làng Nghiện không mấy “nổi tiếng”. Nhưng từ khi xuất hiện tệ nạn ma túy, từ “nghiện” được người dân mặc định là những con nghiện ma túy thì đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Nhiều người dân trong làng khi đi làm ăn xa không dám nhắc tới tên làng hoặc có thì nói lảng, nói tránh vì tâm lí ái ngại.

Đã từng có những câu chuyện thêu dệt không đúng về làng Nghiện vì thế càng khiến người dân ngại ngùng khi nhắc tới nơi mình sinh sống. “Khổ nhất là những cô gái sinh ra và lớn lên tại làng Nghiện. Các cháu học xong, ở quê lấy chồng thì không sao, những cháu đi học xa nhà trên thành phố, sợ người khác hiểu lầm về làng mình nên hay gọi chệch thành Đội 3…”.

Năm 2018, cổng vào làng Nghiện được làm lại. Dòng chữ “cổng làng văn hóa Nghiện” được viết to hơn, nổi bật hơn giữa nền sơn xanh. Điều đó cũng thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân qua đây. Nhiều người thấy lạ còn chụp ảnh lưu lại, thậm chí đăng lên Facebook để câu “like”.

Bà Thời cho hay, cũng chính cái tên gây ra sự phiền nhiễu, hiểu lầm về người dân làng, nên từng có ý kiến đổi tên làng. Nhưng đó chỉ là ý kiến nhất thời.

Người dân làng Nghiện cần cù, chịu khó, nên đời sống kinh tế ngày một khấm khá. Ảnh: INT.

Người dân làng Nghiện cần cù, chịu khó, nên đời sống kinh tế ngày một khấm khá. Ảnh: INT.

Người làng Nghiện không nghiện

Ở nơi làng quê nghèo, khi cuộc sống mưu sinh còn khó khăn, người dân làng Nghiện hăng say lao động, thi đua sản xuất. Những cánh đồng lúa trĩu bông trổ vàng, từng vụ ngô, khoai bội thu đã nuôi lớn bao thế hệ người con làng Nghiện.

Quen khó, khổ nên người dân có nghị lực vươn lên, tự lực cánh sinh. Một nắng hai sương, chân lấm tay bùn nhưng người dân quê đoàn kết và cùng nhau phát triển kinh tế. Đời sống kinh tế nông thôn vì thế được cải thiện qua từng năm.

Làng Nghiện cũng có nhiều người con thành danh khắp mọi miền đất nước, với tấm lòng đau đáu luôn hướng về nơi “chôn rau cắt rốn”.

Bà Nguyễn Thị Bốn - Trưởng thôn văn hóa Nghiện cho biết, làng Nghiện được sáp nhập từ hai xóm Nội và xóm Nghiện và lấy tên là Nghiện. Đời sống kinh tế của người dân ngày một khấm khá nhưng tuyệt nhiên không có tệ nạn. 100% người làng Nghiện không có ai nghiện ma túy, nếp sống đó được truyền lại từ thời tiên tổ xa xưa.

27 hộ dân với 95 nhân khẩu làng Nghiện hăng hái với các chính sách phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của thành phố. Dân làng tích cực dồn điền, đổi thửa để cùng nhau sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Sản phẩm nông nghiệp của người dân làng Nghiện làm ra như: Bưởi, mít, khoai lang, ngô, na, chuối… còn được giới thiệu đến khách hàng gần xa.

Điển hình, một số hộ dân đã tận dụng lợi thế thiên nhiên, đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản, nuôi rươi, trồng đào cảnh… đem lại thu nhập vào khoảng trăm triệu đồng một năm.

Ông Phạm Tân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, cho biết, xã Tiên Tiến trước đây (nay sáp nhập vào xã Quyết Tiến), là một xã đặc thù của huyện Tiên Lãng với những tên làng chỉ có 1 chữ như: Thôn Giáo, thôn Chàm, thôn Rỗ, thôn Vòng, thôn Ắn, thôn Nghiện.

Làng Nghiện nằm trên khu vực ngã ba sông Văn Úc, là một làng nhỏ nhưng luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong làng đã rất tích cực đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông thôn xóm. Nhiều gia đình trong làng Nghiện cũng đã giàu lên từ sản xuất nông nghiệp.

Nếu như trước đây chỉ là một ngôi làng nhỏ, lụp xụp thì ngày nay diện mạo làng Nghiện khang trang với nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại. Người thôn Nghiện không có tệ nạn ma túy và có lối sống văn minh. 19 năm liên tiếp làng Nghiện không có người sinh con thứ 3, ông Anh cho biết thêm.

Làng Nghiện luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, nâng cao văn hóa, cải thiện đời sống của dân làng. 10 năm gần đây, các hộ đều chuyển đổi ruộng sang trồng chuối lùn để tăng thu nhập cao hơn. Không chỉ vậy, các hộ còn thực hiện nhiều mô hình khác như trồng đào, dưa, bưởi, nuôi lươn, cá cảnh, nuôi rươi. Làng Nghiện là nguồn cung cấp rươi lớn hàng đầu của huyện Tiên Lãng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.