Làm gì để Làng Văn hóa không bị nhàm chán

Làm gì để Làng Văn hóa không bị nhàm chán

P.V: Cho đến thời điểm này, Làng đã hoàn thành được những hạng mục gì, thưa ông? 

Làm gì để Làng Văn hóa không bị nhàm chán ảnh 1
Ông Hồ Anh Tuấn (ảnh:gdtd.vn).

Ông Hồ Anh Tuấn:  Theo kế hoạch đầu tư phát triển đã được Thủ tướng phê duyệt, đến 2015, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và giai đoạn 2008 – 2010 Làng hoàn thành 34/54 làng dân tộc. Tuy nhiên thực tế cho đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành nhiều hơn kế hoạch đó, đặc biệt là hoàn thành không gian văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc tại Khu các làng dân tộc.

Hiện tại, một số bà con đồng bào dân tộc đã đến Làng để trưng bày các hiện vật, vật dụng của đồng bảo tại khu các làng dân tộc để chuẩn bị cho ngày khai trương.

P.V: Sau lễ khai trương, BQL Làng đã có kế hoạch khai thác và phát huy các giá trị của Làng như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn:  Chủ trương của Bộ VH, TT&DL là đồng bào dân tộc chính là các chủ thể văn hoá tham gia vào Làng không đơn thuần như vai trò góp mặt mà thực sự họ đã và đang là những thành viên, những chủ nhân cùng nhau vun đắp hình thành, duy trì và phát triển “ngôi nhà chung” này.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương trên, Bộ đã chỉ đạo BQL Làng xây dựng, vận hành, khai thác khu các làng dân tộc để mỗi việc lớn ở Làng đều được địa phương và bà con biết, cùng tham gia như việc của làng, buôn, bản, địa phương mình.

Chuẩn bị đến khâu vận hành khai thác, tháng 4 vừa qua, Bộ VHTTDL, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị cơ chế phối hợp giữa BQL Làng với đồng bào các dân tộc và các địa phương trong công tác vận hành khai thác. Sắp tới đồng bào dân tộc sẽ về đây sinh sống tại những khu làng đã được xây dựng xong.

Về lâu dài, chúng tôi sẽ thực hiện chủ trương xuyên suốt là đưa đồng bào về đây, ở đây cùng quản lý và cùng khai thác với chúng ta.

Có hai hình thức hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu là: Chọn các bạn sinh viên ở các trường dân tộc, văn hóa sau tốt nghiệp mời về đây trở thành cán bộ ưu tiên của Làng. Bạn nào dân tộc nào thì về khu làng dân tộc đó tham gia sinh sống trở thành hướng dẫn viên…Tạo ra bầu không khí không gian sinh động.

Phương án thứ  hai là phối hợp với các địa phương tổ chức đồng bào dân tộc của địa phương mình đưa về đây sinh sống trong một thời gian và luân phiên các nhóm khác...

Làm gì để Làng Văn hóa không bị nhàm chán ảnh 2
Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ được quảng bá thông qua con đường ngoại giao (ảnh:gdtd.vn).

P.V: Thưa ông, việc luân phiên đưa đồng bào dân tộc đến Làng sinh sống là ý tưởng tốt nhưng có tiêu chí nào để chọn? Cụ thể, sẽ duy trì khoảng bao nhiêu đồng bào trong Làng, việc sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc tại Làng sẽ được tổ chức như thế nào, nếu không tính toán thì có cảm giác như đồng bào đang ở một “sân khấu lớn”?

Ông Hồ Anh Tuấn:  Phương án đưa đồng bào dân tộc về đây rất không đơn giản. Đồng bào dân tộc về đây sinh sống thế nào, ăn ở ra sao, luân phiên thế nào đang được chúng tôi tính toán. Chính vì thế, Bộ VH, TT&DL phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng tổ chức Hội nghị mời các tỉnh thành trong toàn quốc để bàn vấn đề này. Hiện nay chúng tôi chưa thể trả lời được vì đang trong thời gian xây dựng quy chế.

Tuy nhiên, sau khi khai trương xong chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để đưa các đồng bào dân tộc về các khu làng dân tộc đã xây dựng xong để đảm bảo không gian sống động, thật.

P.V: Năm nay, lễ mở cổng Làng có gì thu hút, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn: Theo kịch bản và  ý tưởng của nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Sân khấu đêm khai mạc là một hình vòng cung tự nhiên. Năm nay chúng ta có cả một hồ nước mệnh mông và một hòn đảo nổi rộng 1.500m2…bối cảnh, môi trường cho lễ khai trương đã được chuẩn bị suốt 6 tháng nay. 

Trên hòn đảo “Việt Nam gấm hoa” sẽ giúp chúng ta thể  hiện tốt hơn sinh động hơn, da dạng hơn so với lễ  công bố Ngày Văn hoá các dân tộc VN 19/4 năm ngoái.

Thời điểm lễ  khai trương 19/9, cách 10 ngày đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long là sự sắp đặt rất logic. Văn hóa Thăng Long thực chất là đứa con đẹp nhất của văn hóa Việt Nam chứ không phải của riêng Thăng long, người Hà Nội hoặc của một vùng miền nào. Văn hóa Việt Nam được làm bởi 54 dân tộc anh em, qua hàng ngàn năm đấu tranh giữ nước nên mở đầu ta kể chuyện mẹ văn hóa Thăng Long như thế nào. Ngày lễ khai trương chính là tôn vinh mẹ VN, việc đó rất có ý nghĩa.

P.V: Xin ông cho biết hướng phát triển du lịch của Làng trong thời gian tới như thế nào?

Ông Hồ Anh Tuấn: Không có nơi nào trên đất nước VN lại xây dựng được khu 54 dân tộc đầy đủ như Làng. Cũng chưa có nơi nào đưa đồng bào dân tộc về sinh sống với quy mô lớn như vậy. Đây là nơi gìn giữ, giới thiệu bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc VN. Chắc chắn cộng với quảng bá giới thiệu thì du khách sẽ đến rất đông. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ phối hợp với các công ty lữ hành đưa đây trở thành một điểm du lịch quốc gia.

Đặc biệt là nơi giới thiệu 54 dân tộc VN, dư luận quốc tế rất quan tâm. Chúng tôi sẽ quảng bá về Làng thông qua con đường ngoại giao.

Xin cám  ơn ông!

Hồng Gấm (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ