Một lần nữa, nghị trường Quốc hội lại “nóng” lên bởi những dư âm của một vài vụ việc tiêu cực liên quan đến bạo lực học đường, gian lận điểm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Song không phải là những ý kiến gay gắt, cực đoan như thời điểm ban đầu xảy ra sự việc, hầu hết là những ý kiến chia sẻ, cảm thông với ngành GD và ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của ngành trong việc giải quyết các sự việc nêu trên.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội rằng, đối với vụ việc gian lận thi cử vừa qua, nếu chúng ta đổ hết cho ngành GD thì oan cho GD. Ông thẳng thắn nêu quan điểm: Không có Bộ trưởng nào chỉ đạo nâng điểm cả.
Cho rằng, GD là một lĩnh vực dễ bàn nhưng khó làm, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) thẳng thắn nói, không phải cái gì cũng đỗ hết trách nhiệm cho cấp Bộ, trong đó có vụ việc sai phạm nâng điểm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Có thể nói, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, GD vẫn luôn nhận được sự sẻ chia, đồng hành và tin tưởng của các đại biểu Quốc hội, rộng hơn là cử tri và nhân dân cả nước. Con số gần 800.000 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật GD (sửa đổi) đã phần nào nói lên điều này.
Ảnh minh họa |
Bằng tinh thần nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị, Bộ GD&ĐT đã được nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá, ghi nhận là một trong những bộ, ngành nỗ lực giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm. Đơn cử như: Bộ đã trả lời kiến nghị của cử tri nhiều nội dung về tình trạng dạy thêm, học thêm; bạo lực học đường, về xử lý sai phạm ở một số địa phương trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay...
Mới đây, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã báo cáo trước Quốc hội rằng, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành GD trong thời gian qua.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành GD lại có được sự tin yêu ấy, bởi trên thực tế GD đã làm được rất nhiều việc với những thành tích đáng tự hào. Báo cáo của Chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định: 7 trong số 10 hệ thống GD hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống GD của Việt Nam.
Nhớ lại, năm 2018, tất cả học sinh của chúng ta dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng. Ngay trong năm nay, đoàn Olympic châu Á và đoàn học sinh Việt Nam dự thi Intel ISEF 2019 đã chiến thắng trở về, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa vị thế của Việt Nam sánh vai với bè bạn năm châu.
Hay như trong lĩnh vực GD ĐH, lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới và có 7 trường đại học được xếp vào nhóm 500 trường đại học tốt nhất châu Á.
Dẫu biết rằng, đâu đó vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về những gì mà GD đã và đang làm, nhưng bấy nhiêu thành tích chính là những “quả ngọt” cho sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của toàn ngành. Đó cũng là thực tiễn sinh động để ngành GD tiếp tục nhận được sự tin yêu của xã hội.