Lắng nghe học sinh nói

GD&TĐ - Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe tiếng nói của học sinh, nhiều trường THPT ở tỉnh Đồng Tháp tổ chức đối thoại với các em.

Đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).
Đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).

Sau cuộc đối thoại là những nụ cười, niềm tin và mối quan hệ giữa nhà trường, thầy cô giáo với học sinh thêm gắn kết, chia sẻ và hiểu nhau hơn. Cũng từ đây bao “mối tơ lòng” được tháo gỡ…

“Gỡ rối tơ lòng” cho HS

Nằm ở huyện khó khăn của tỉnh Đồng Tháp, Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông thường xuyên tổ chức đối thoại với học sinh. Tham gia đối thoại có đầy đủ Ban giám hiệu, Đoàn trường cùng tập thể giáo viên, học sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, đây là dịp để thầy trò trao đổi, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy, học tại trường. Những góp ý, chia sẻ của giáo viên, học sinh giúp trường điều chỉnh kế hoạch hoạt động, điều hành, đầu tư cơ sở vật chất…

Thầy Trương Văn Lai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim, người gắn bó công tác đối thoại với học sinh nhiều năm cho biết: Mỗi lần đối thoại là một lần thầy, trò giải quyết được nhiều vấn đề trong tập thể trường. Buổi đối thoại vừa tổ chức, lãnh đạo trường đã lắng nghe 30 ý kiến trực tiếp và gián tiếp của các em. Các ý kiến khá đa dạng, đề cập hầu hết lĩnh vực trong nhà trường. “Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, hoạt động đối thoại nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của học sinh. Ngoài ra, các em cũng được chia sẻ thêm  thông tin về trường để có thể hiểu và ủng hộ chính sách, định hướng của nhà trường; xác định vị trí và vai trò của mình trong bức tranh tổng thể chung. Lãnh đạo nhà trường cũng nắm được nguyện vọng của học sinh để điều chỉnh lại hoạt động quản lý, giảng dạy sao cho phù hợp với thực tế và với nhu cầu của người học”, thầy Lai chia sẻ.

Hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo trường với học sinh tại Trường THPT Châu Thành 2, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) luôn sôi nổi với nhiều câu hỏi, kiến nghị “nóng” của học sinh. Qua đối thoại, lãnh đạo nhà trường nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn của trò trong giai đoạn học tập tại trường. Qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục của đơn vị.

Theo thầy Phạm Văn Lành, cán bộ Đoàn trường, từng ý kiến trao đổi, phản ánh của học sinh lần lượt được lãnh đạo nhà trường tiếp thu, ghi nhận và giải đáp trong bầu không khí thân thiện, cởi mở, chân thành. Việc đối thoại đã đem đến cơ hội để các em mạnh dạn bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình. Giúp học sinh rèn luyện phẩm chất “tự tin”, “tự trọng”, “biết phản biện” của người học. Đây cũng là cơ sở để đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường nắm bắt kịp thời, đầy đủ, toàn diện các thông tin về nhà trường, từ đó xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

HS Trường THPT Châu Thành 2 (Đồng Tháp) đối thoại với lãnh đạo trường.
HS Trường THPT Châu Thành 2 (Đồng Tháp) đối thoại với lãnh đạo trường.

Tâm tư, nguyện vọng được chia sẻ

Bàn ghế xuống cấp; phòng học cần sửa chữa; sân trường rong rêu, đọng nước hay cần thời gian thực hành, thí nghiệm… là những kiến nghị được học sinh chia sẻ với lãnh đạo trường trong các buổi đối thoại. Thông qua đối thoại, nhiều khó khăn, vướng mắc không biết giãi bày cùng ai được tháo gỡ kịp thời; đặc biệt là những tâm tư, nguyện vọng của học trò cũng được giải tỏa…

Buổi đối thoại tại Trường THPT Tràm Chim vừa qua được thầy, trò tháo gỡ nhiều vấn đề. Xoay quanh công tác tổ chức dạy và học; công tác giáo viên chủ nhiệm, đoàn thể; các quy chế, quy định của nhà trường với học sinh; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện phục vụ công tác dạy và học, nghiên cứu khoa học của học sinh...

Theo thầy Trương Văn Lai, học sinh còn quan tâm vấn đề liên quan đến môi trường sư phạm, đời sống như: Văn hóa ứng xử trong nhà trường, nhà gửi xe, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động ngoại khóa, vệ sinh môi trường... Những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của người học như: Học bổng, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế…

Thông qua đối thoại, những chủ trương, chính sách và định hướng của ngành Giáo dục cũng được các trường tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh. Tại Trường THPT Trần Quốc Toản, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), những vấn đề “nóng” như quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học; đổi mới cách đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của học sinh; Chương trình GDPT mới, sách giáo khoa mới… được nhà trường cung cấp thông tin, định hướng rõ.

Theo thầy Trần Công Bằng, Bí thư Đoàn TrườngTHPT Trần Quốc Toản, thông qua đối thoại, các em mạnh dạn phát biểu và đề xuất những ý kiến liên quan việc thực hiện thời gian, chương trình, nội dung, phương pháp học tập và giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Thái độ, giờ giấc của của giáo viên khi đến lớp và trong quá trình giảng dạy. Việc xử lý học sinh vi phạm nội quy như giờ giấc, đi trễ, nghỉ học không phép, không đồng phục. Các phong trào và  hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của Đoàn Thanh niên tổ chức… Lãnh đạo nhà trường và các đoàn thể đã giải trình 15 ý kiến của học sinh. Đồng thời cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực từ trò để góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục được nâng cao hơn…

Trong buổi đối thoại, lãnh đạo trường cùng các thầy cô giáo luôn lắng nghe học sinh nói. Thầy cô trao đổi, giải đáp nhiều thắc mắc của em cùng các bạn. Em rất vui khi được chia sẻ với thầy cô giáo về những mặt được và chưa được của  trường. Sau đối thoại, nhiều kiến nghị của học sinh được trường tiếp thu và điều chỉnh kịp thời. Em và các bạn cảm thấy yên tâm học tập, thêm gắn bó với ngôi trường… - Em Trần Mộng Yến, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Tràm Chim

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ