Làng hoa Tây Tựu (Hà Nội): Lao đao vì được mùa mất giá

GD&TĐ - Tết đã cận kề, nhưng vựa hoa lớn nhất miền Bắc như làng Tây Tựu lại đang rơi vào tình trạng ảm đạm vì hoa nở rộ lại vắng bóng người mua.

Ruộng hoa cúc của bà Nguyễn Thị Dung.
Ruộng hoa cúc của bà Nguyễn Thị Dung.

Hoa cười, người khóc

Cách trung tâm TP Hà Nội chừng 20km về phía Tây, Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được coi là một trong những “vựa hoa” lớn nhất miền Bắc. Khác với không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho vụ hoa lớn nhất trong năm như mọi khi, người nông dân làng Tây Tựu đang phải đối mặt với cảnh “thừa cung, thiếu cầu”.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối tháng 12, bà Nguyễn Thị Dung với nét mặt buồn bã đang phá bỏ những luống hoa cúc, hoa ly để chuẩn bị trồng rau xà lách: “Nhà tôi có hơn 1 sào đất trồng hoa. Giờ xót xa lắm nhưng không bỏ thì không được, năm nay thời tiết không thuận lợi, mùa Đông đến muộn, hoa nở nhanh không kịp bán, giá thành giảm mạnh mà vẫn chẳng có người mua”, bà Dung nói.

Với sự biến đổi khí hậu, những đợt nắng nóng kéo dài đã gây nhiều khó khăn đối với công việc canh tác hoa màu của bà con tại làng Tây Tựu. Tình trạng hoa nở sớm mà không có người mua khiến những người nông dân bị thương lái ép giá đến bước đường cùng là phá vườn.

Có những hộ gia đình phải thế chấp tài sản bằng chính ngôi nhà của mình để vay vốn ngân hàng, mong muốn gỡ gạc lại dịp Tết, nay cũng lao đao trong cảnh nợ nần.

Bà Dung trăn trở, hoa năm nay rớt giá “thảm hại” so với những năm trước. Trung bình, giá bán ra của hoa cúc là 4.000 đồng - 5.000 đồng/bông. Hiện tại, dù giá bán rẻ như cho, chỉ 100 nghìn đồng/50 bông và có lúc chạm đáy chỉ 50 nghìn nhưng lượng tiêu thụ cũng không mấy khá khẩm.

Theo bà Dung, giá bán ra của hoa ly năm nay còn thấp hơn hoa cúc, trung bình chỉ từ 50 nghìn đồng/100 bông. Vì vậy, dù tiếc công chăm bẵm cả năm trời nhưng dưới áp lực kinh tế, bà và nhiều gia đình làm nông khác trong làng vẫn phải phá vườn, trồng rau thay cho những luống hoa để “vớt vát” những ngày cuối cùng của năm.

Bà Nguyễn Thị Dung, nông dân trồng hoa lâu năm làng Tây Tựu.

Bà Nguyễn Thị Dung, nông dân trồng hoa lâu năm làng Tây Tựu.

Nông dân bỏ nghề trồng hoa

Ông Trịnh Văn Hưng - nông dân có 1.000 m2 đất trồng hoa, cho biết giờ trong làng có nhiều người phải thuê đất ở nơi khác để tiếp tục công việc canh tác hoa màu.

“Ngày xưa ở đây là làng nghề, nhưng bây giờ đất bị bạc màu không còn đáp ứng được chất lượng hoa như trước. Nhiều người lựa chọn thuê đất ở bãi sông Hồng và một số địa phương khác để làm vườn. Bởi đất đai ở đó màu mỡ cho ra hoa đẹp hơn, đỡ công sức và tiền bạc đầu tư phân bón”, ông Hưng nói.

Làng hoa Tây Tựu giờ không chỉ phải cạnh tranh với các địa phương khác (như Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa…), mà còn đối mặt với sự đa dạng của các loại hoa nhập khẩu. Hiện nay, nhiều khách hàng ưa chuộng những dòng hoa đẹp và lạ của nước ngoài như hoa tulip Hà Lan, hoa hồng Bulgari, mẫu đơn Peony… Còn làng Tây Tựu chủ yếu trồng những dòng hoa truyền thống, đa phần là hoa cúc, hồng, ly.

“Không kể đến hoa nhập khẩu, ngay cả hoa trong nước như hoa hồng Đà Lạt cũng rất đẹp, vận chuyển dễ dàng, còn những loại hoa chúng tôi trồng chủ yếu phục vụ mục đích bày biện ban thờ trong những dịp quan trọng. Bây giờ không nhiều người mua và trưng hoa này ở nhà, vì vậy việc lượng hoa bán ra không được như mong đợi khiến nhiều người dân làng bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang làm công việc khác”, ông Hưng chia sẻ.

Lớn lên trong ngôi làng có truyền thống trồng hoa, nhưng anh Ngô Quang Huy (23 tuổi) không có ý định nối nghiệp cha mẹ. Do việc trồng hoa khá vất vả mà thu nhập không cao.

“Hiện nay, nhà tôi chỉ có bố mẹ còn giữ nghề, chứ con cháu không ai làm. Thỉnh thoảng rảnh tôi chỉ phụ giúp cha mẹ cắt lá, tỉa cành. Hồi trước trong làng, nghề này đã nuôi sống nhiều gia đình. Nhưng mỗi thời mỗi khác, giờ đầu tư một vụ hoa cũng tốn không ít tiền mà thu lại thì chẳng được bao nhiêu. Thế nên, những người tầm tuổi như chúng tôi, hầu hết bố mẹ cũng vận động đi học và làm nghề khác cho đỡ vất vả”, anh Huy nói.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Đinh Duy Hòa - Chủ nhiệm Hợp tác xã Tây Tựu cho biết, hiện nay hợp tác xã cùng với chính quyền địa phương các cấp đã có những biện pháp hỗ trợ tích cực tới bà con nông dân trong việc canh tác hoa màu. Cụ thể, hợp tác xã đã và đang triển khai tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nắm được kỹ thuật về thâm canh và phòng trừ sâu bệnh, từ đó nâng cao chất lượng hoa màu.

Bên cạnh đó, hợp tác xã tiếp tục phối hợp với chính quyền đẩy mạnh việc tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân về quy định của pháp luật trong sản xuất, đặc biệt chú trọng việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, vì những lý do khách quan về việc biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề liên quan đến nền kinh tế, hiện nay vẫn chưa có phương án thật sự tối ưu khắc phục được tình trạng “bí” đầu ra nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ.

Không chỉ hoa màu tại làng Tây Tựu, nhiều nông sản Việt Nam hiện cũng đang thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Trên thực tế, những chiến dịch kêu gọi “giải cứu” hàng năm với nhiều mặt hàng nông nghiệp khác nhau do “cung vượt cầu” đã không còn quá xa lạ với người dân nước ta. Điển hình năm vừa qua là tình trạng cam, thanh long, khoai lang, sầu riêng… rớt giá thê thảm.

Giải pháp đánh vào lòng trắc ẩn này chỉ là cách tháo gỡ khó khăn tạm thời cho bà con nông dân. Vẫn cần có những chính sách hỗ trợ và những hoạt động nâng cao trao đổi thương mại nông sản Việt Nam. Điều này giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận thị trường nhiều hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo động lực duy trì và phát triển bền vững cho nền nông nghiệp nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.