Tuy các cấp, ngành đã đưa ra rất nhiều chương trình nhằm “giải cứu” đối với nông sản Việt, nhưng hiện không ít người vẫn tỏ ra lo ngại và đặt câu hỏi, bao giờ tình trạng trên mới hết đeo bám người nông dân?
Vì đâu nên nỗi?
Trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2017 của Bộ NN&PTNT mới đây, đại diện Bộ này cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm mà đã phải 2 lần “giải cứu” đối với nông sản. Do vậy, để khai thông tình trạng được mùa mất giá không còn cách nào khác là phải khai thông thị trường. Tuy nhiên, việc khai thông thị trường có giải quyết được gốc rễ của vấn đề khi “điệp khúc” được mùa mất giá được cho là muôn thuở vì người nông dân cứ thấy nông sản nào được giá là trồng, bất chấp thị trường tiêu thụ, cung cầu ra sao.
Mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) đã lưu ý rằng, ngành trồng trọt đã kéo mức tăng trưởng chung của nông nghiệp Việt Nam xuống. Cách đây hơn 5 năm, ngành trồng trọt chỉ tăng trưởng 2%/năm. Điều này rất đáng quan tâm vì đây chính là thời kỳ mà ngành lúa gạo tăng trưởng quá cao và lượng xuất khẩu (XK) các sản phẩm trồng trọt khác cũng tăng trưởng mạnh. Sản lượng lúa gạo tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng không cao, cả trong khâu sản xuất và chế biến, về cả giá trị tuyệt đối cũng như tương đối.
Năm 2013, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng chính trong tổng sản lượng nông nghiệp, nhưng so với năm 2000, tỷ trọng này đã giảm 10%. Giới chuyên gia của WB cho rằng bức tranh thương mại nông nghiệp Việt Nam đang còn khá nhiều màu tối. Bởi hiện hầu hết sản phẩm nông sản XK của Việt Nam không tận dụng được hết các cơ hội thị trường để tạo thêm giá trị và trong một số trường hợp, không truyền tải được tác động chuyển đổi tới nông dân.
Hay nói một cách khác, hàng nông sản XK Việt Nam được bán với giá rẻ do độ an toàn sản phẩm thấp, không ổn định; tâm lý lo ngại đối với các nhà cung cấp Việt Nam không hoàn thành hợp đồng; vấn đề cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà XK của Việt Nam đã tạo điều kiện cho khách hàng quốc tế ép giá...
Cần sự phối hợp của các cấp, ngành
Có thể thấy, đa phần nông sản Việt Nam đều bán với giá thấp hơn các nước dẫn đầu khác. Đơn cử, với những mặt hàng “đặc chủng” của Việt Nam (cà phê vối) và mặt hàng dẫn đầu thị trường (gạo 25% tấm) đều có giá bán thấp hơn so với các sản phẩm thay thế (cà phê, chè, gạo đồ hay gạo hương). Hoặc như hạt gạo, những năm trước, phần lớn XK gạo của Việt Nam là gạo chất lượng trung bình và thấp, được bán với giá thấp nhất trên thị trường quốc tế và trong một số năm, chủ yếu bán cho Chính phủ các nước khác để phân phát trong các chương trình trợ cấp lương thực.
Song vài năm gần đây, XK gạo của Việt Nam đã dịch chuyển dần sang chất lượng cao và đa dạng hoá, gồm cả các giống gạo thơm. Nhưng ngay cả trong phân mảng thị trường này, gạo Việt Nam cũng có giá thấp hơn nhiều so với các nước.
Trở lại vấn đề của chuối, dưa hấu hay nhiều loại nông sản khác mà thời gian gần đây chúng ta phải “giải cứu” cho nông dân, có thể thấy việc cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất là vô cùng quan trọng. Nông dân là người làm ra rau củ quả, nhưng họ không thể biết đâu là thị trường tốt nhất cho sản phẩm của mình. Vì vậy, các thông tin về thị trường và giá cả nên được doanh nghiệp (DN), Sở Công Thương cùng Sở NN&PTNT cũng như các bộ, ngành liên quan cung cấp cụ thể cho người sản xuất.
Một số khó khăn của người sản xuất rau củ quả hiện nay bao gồm: Biến động của thời tiết; quy mô sản xuất nhỏ; sự tăng giá của đầu vào sản xuất; thiết bị và máy móc chế biến đơn giản; ép cấp và ép giá của tư thương; chậm trễ trong thanh toán của DN; và thiếu thông tin thị trường... Bởi vậy các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần quan tâm kêu gọi DN gắn kết với nông dân xây dựng mô hình sản xuất theo hợp đồng. Không nên khuyến khích nhiều DN cùng XK một mặt hàng (ví dụ như: Thanh long, dưa hấu, chuối...) vì như vậy, họ sẽ cạnh tranh với nhau và có thể hạ giá để bán được hàng.