Làng hoa giấy 300 năm tuổi đón Tết

GD&TĐ - Vào những ngày giáp Tết, người dân ở làng nghề Thanh Tiên lại tất bật để sản xuất hoa giấy nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. 

Những bàn tay khéo léo “biến hóa” của các nghệ nhân tạo ra những cành hoa ngũ sắc cực đẹp.
Những bàn tay khéo léo “biến hóa” của các nghệ nhân tạo ra những cành hoa ngũ sắc cực đẹp.

Đục, gõ sáng tạo ra… hoa

Bước đến đầu làng, những tiếng đục, tiếng gõ của người dân làng hoa giấy mỗi lúc mỗi rõ hơn. Hằng năm, cứ đến tháng 11, tháng 12 Âm lịch, làng hoa giấy Thanh Tiên lại rộn ràng không khí đón xuân bằng những chông hoa giấy rực rỡ ngập sắc màu xanh, đỏ, vàng… của hoa giấy truyền thống.

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngôi làng ở vị trí khá đặc biệt bên bờ Nam hạ lưu sông Hương, phía Bắc giáp thôn Mậu Tài, Nam giáp Thế Vinh, Đông giáp Vọng Trì, Đông Tây giáp dòng sông Hương, bởi cồn Triều Sơn nằm giữa. Thanh Tiên cách trung tâm TP Huế chừng 7 km, nổi tiếng với nghề làm hoa giấy.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ngôi làng hoa giấy này cho ra đời hàng chục nghìn cặp bông. Có những lúc cao điểm, các gia đình còn phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán dịp Tết. Vì thế trong làng có những người biết làm hoa nhưng đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề làm hoa giấy truyền thống, ông Nguyễn Văn Hiến chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi làm khoảng 1.000 cặp hoa giấy thờ cúng phục vụ dịp Tết. Nghề làm hoa giấy này vất vả, vì phải trải qua nhiều khâu”.

Nói về công đoạn làm hoa giấy, ông Hiến cho hay, tất cả hoa đều được người dân Thanh Tiên làm thủ công, hoàn toàn bằng tay. Từ xa xưa, người dân làng Thanh Tiên đã biết tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương cộng với sức sáng tạo phong phú, người dân nơi đây đã tạo nên những cụm hoa rực rỡ sắc màu. Để làm được một cánh hoa đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ của người thợ.

Hoa giấy Thanh Tiên đủ màu sắc, chủng loại hoa chủ yếu phục vụ thờ cúng tín ngưỡng.
Hoa giấy Thanh Tiên đủ màu sắc, chủng loại hoa chủ yếu phục vụ thờ cúng tín ngưỡng. 

Những bông hoa giấy… hồi sinh

Theo ông Hiến khâu chọn giấy và nhuộm màu, là một trong những khâu quan trọng nhất. Các nghệ nhân phải làm sao cho giấy phải bền, màu cánh hoa phải luôn tươi mới như hoa thật.

Hoa giấy Thanh Tiên có hai loại: Hoa ngũ sắc để cúng trên bàn thờ ngày Tết, và hoa sen để trưng bày phòng khách. Mỗi cặp hoa ngũ sắc có năm loại, đó là hoa mai, hoa cúc, hoa hướng dương, hoa lan, hoa tường vi. Đặc biệt, trên chính giữa mỗi cặp hoa đều phải có một quả ớt màu đỏ tươi và một nhánh lá lúa được làm từ tre nhuộm xanh tượng trưng cho ruộng đồng, nông sản.

Theo các nghệ nhân làng Thanh Tiên, người làm hoa giấy nơi đây vì yêu nghề, muốn giữ nghề, chứ thu nhập không cao. Để làm ra một bông hoa giấy mất rất nhiều thời gian, thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ 5.000 - 7.000 đồng/cặp hoa cúng hoa đơn giản như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan....

Còn với hoa sen, vừa để cúng vừa trang trí, công đoạn phức tạp hơn, đẹp hơn nên giá cao hơn chút 20.000 đồng/bông.

Ngoài hoa ngũ sắc để cúng bàn thờ ngày Tết, làng Thanh Tiên còn sáng tạo ra cách làm hoa sen giấy phục vụ cho trang trí.
Ngoài hoa ngũ sắc để cúng bàn thờ ngày Tết, làng Thanh Tiên còn sáng tạo ra cách làm hoa sen giấy phục vụ cho trang trí.

Hiện tại, do thu nhập từ nghề làm hoa giấy thấp nên cả làng chỉ còn khoảng trên dưới 20 hộ làm nghề. Có những thời điểm tưởng chừng như mai một. Nhưng nhờ sự nỗ lực giữ nghề của dân địa phương và việc tổ chức các lễ hội nhằm tôn vinh các nghề truyền thống ở Huế đã mang đến sự hồi sinh cho làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

Làng hoa giấy Thanh tiên đã ra đời cách đây hơn 300 năm, do người dân trong làng sáng tạo nên. Được biết nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Hàng năm, cứ đến trước ngày 23 tháng Chạp, hoa giấy được người dân trong làng cắm vào những cây chông vác đi, tỏa ra khắp thôn xóm, phố chợ để bà con mua về thờ cúng.

Theo tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và ông Táo. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh, thành lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng…. mỗi khi Tết đến, xuân về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ