Làng biển xứ Nghệ tưng bừng giải đua thuyền truyền thống đầu năm

GD&TĐ - Những ngày Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi ở làng biển Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, Tỉnh Nghệ An), trong không khí rộn rã, vui tươi... người dân nơi đây háo hức tham gia giải đua thuyền truyền thống diễn ra vào ngày mùng 2 Tết. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của vùng đất địa đầu xứ Nghệ.

Làng biển xứ Nghệ tưng bừng giải đua thuyền truyền thống đầu năm

Người dân Quỳnh Phương tự bao đời nay gắn bó với biển cả. Đây là địa phương có sản lượng đánh bắt hải sản lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Cũng chính người dân nơi đây, với tinh thần cố kết cộng đồng, với tình yêu biển cả, tình yêu quê hương đã tạo nên một bản sắc văn hóa ấn tượng từ quan niệm về nghề nghiệp, nếp sống, các lễ hội truyền thống cho đến ẩm thực.

Một trong những nét văn hóa mang đậm bản sắc là hội đua thuyền truyền thống. Ngày hội đua thuyền được tổ chức vào mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm. Ngoài ra còn được tổ chức vào dịp Lễ hội Đền Cờn (từ ngày 19 - 21 tháng giêng âm lịch).

Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 6/2016.

Để chuẩn bị cho cuộc đua thuyền, trước đó từ giữa tháng 12, ở khắp 11 khối xóm thì đã không còn ra khơi, các trai làng lực lưỡng, có kinh nghiệm trong đua thuyền đã hăng say luyện tập để có một cuộc đua thành công. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể, bà con nhân dân và các tàu thuyền thì lại hăng say trong việc động viên, vổ vũ đội bơi bằng cả vật chất và tinh thần.

Đến sáng mùng 2 Tết, tầm 4h sáng, khắp làng trên xóm dưới đã nghe tiếng loa, tiếng gọi nhau râm ran; vừa là tiếng gọi các vận động viên đến sớm để làm công tác chuẩn bị vừa gọi bà con dậy sớm để đi cổ vũ.

Tầm 7 giờ sáng, ngay tại sông Mai Giang trước của Đền Cờn (ngôi đền nổi tiếng bậc nhất xứ Nghệ), trước sự cổ vũ nồng nhiệt của nhân dân trong phường cùng một số địa phương lân cận, 11 bơi bước vào cuộc đua. 11 đội bơi đến từ 11 làng trong phường được chia làm thành 3 bảng đấu khác nhau, sau đó sẽ chọn những đội bơi giỏi nhất vào vòng chung kết.

Mỗi đội bơi như thế thường có 20 - 25 thành viên, gồm 2 người cầm lái, một người cầm cờ, một người gõ mõ, còn lại là các tay bơi. Trên những thuyền bơi như thế, người chèo lái phía sau rất quan trọng. Đôi khi thắng thua giữa các đội bơi phụ thuộc vào người cầm lái “bẻ lái” có đúng hướng hoặc có quay thuyền bơi có quá xa bờ hay không. Bởi đôi khi thắng thua giữa các đội chỉ cách nhau nửa con thuyền.

Và cứ thế, đáp lại sự cỗ vũ nhiệt tình của người xem, các vận động viên cố gắng để tạo ra những màn đua thật đẹp trên sóng nước Mai Giang.

Thông thường, thời khắc xuất phát và thời điểm tăng tốc về đích luôn diễn ra gay cấn nhất, náo nhiệt nhất và hấp dẫn nhất. Dưới đường đua, các tay bơi dốc sức đưa những sải bơi thật đều thật đẹp theo nhịp trống. Trên bờ, người cổ vũ hò reo, đánh trống, gõ mõ hối thúc, tạo ra một bản hòa tấu âm thanh thật rộn rã, vui tươi...

Đội dành chiến thắng thường có sức khỏe, cách bơi đều, đẹp, nhịp nhàng, ăn ý. Và chắc chắn một điều rằng, Tết năm đó những ngư dân và nhân dân đội giành giải nhất sẽ rất tự hào, vui sướng và hoan hỉ.

Cứ thế, bao năm nay hội đua thuyền đã trở thành hoạt động có tính chất truyền thống của làng quê chủ yếu sinh sống bằng nghề biển này. Hội đua chỉ diễn ra khi Tết đến xuân về. Nó đã đang và sẽ thực sự hấp dẫn với người dân Quỳnh Phương và những ai từng biết đến vùng biển ấn đất chật người đông nhưng sống rất nồng hậu, phóng khoáng.

Hội đua thuyền luôn có sức hút mạnh mẽ bởi nó là hoạt động đặc trưng của cư dân vùng biển; thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên; góp phần biểu dương lực lượng, thắt chặt tinh thần đoàn kết, chung sức để cùng nhau vươn khơi bám biển, làm giàu cho quê hương đồng thời góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Thế nên, với người dân vùng đất này, tết mà không có đua thuyền thì hẳn cái tết năm đó không hề trọn vẹn.

Chia sẻ về Hội đua thuyền của làng, anh Hoàng Văn Quyết - người nổi tiếng về tài cầm lái, đã góp công lớn để đội bơi của khối Tân Hải dành chiến thắng trong nhiều năm chia sẻ: “Chúng tôi, những ngư dân cả đời gắn bó với biển nên việc tham gia vào đội bơi như là trách nhiệm đồng thời cũng là niềm vinh dự. Với hoạt động này, chúng tôi cảm thấy vui vẻ, anh em bạn thuyền và bà con lối xóm gắn bó với nhau hơn.

Đây cũng là cách để chúng tôi tưởng nhớ đến ông cha, tiên tổ. Chúng tôi đã có tuổi nên sẽ cố gắng động viên nhiều anh em trẻ hơn, khỏe hơn xuống thuyền bơi để có được đội bơi ưng ý nhất, từ đó tăng cường sức khỏe để vươn khơi”.  

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Hồ Xuân Hường - Chủ tịch UBND Phường Quỳnh Phương cho biết: “Những năm qua các cấp chính quyền đã cố gắng tổ chức hội đua thuyền thật thành công để góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa của làng. Giải đua thuyền được tổ chức ngày càng quy mô. Hội đua được tổ chức thành công đầu xuân mới như là một sự dự báo về những chuyến đi biển bội thu của bà con ngư dân. Chúng tôi tin rằng, với những giá trị tốt đẹp, hội đua thuyền cùng với Lễ hội Đền Cờn đậm sắc văn hóa vùng biển sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước của nhân dân địa phương”.

Năm nay, do thời tiết ủng hộ nên hội bơi diễn ra rất thành công. Kết thúc giải đua thuyền truyền thống xuân Kỷ Hợi, giải nhất thuộc về đội bơi Quyết Tiến, giải nhì đội Hồng Thái và giải ba thuộc về đội bơi Tân Phong.

Có thể nói, Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Quỳnh Phương.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ