“Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực”

GD&TĐ - Đây là chủ đề hội thảo được Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tổ chức sáng 19/10 tại Hà Nội, giới thiệu về Chiến dịch cùng tên.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại hội thảo
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Hải Anh - Quản lý Chương trình Gia đình Việt, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) cho biết, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Đáng chú ý, hiện vẫn còn các trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như: Đánh bằng tay hoặc bằng roi, tát, bạt tai, véo, giật tóc... hoặc trừng phạt tinh thần như: Mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật, đồ vật...

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, mới đây chương trình đã thực hiện khảo sát ngắn với một số trẻ em ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Trong các buổi thảo luận, các em chia sẻ, các em quan tâm lo lắng, băn khoăn nhất chính là bị cha mẹ quát mắng, đánh trong nhà rồi mới đến các vấn đề xảy ra nhà trường…

“Với những thông điệp: “Ngừng đánh con”, “ngừng quát mắng con”, “cùng con tìm giải pháp”, “con là duy nhất, sao phải lo lắng” - chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và cả các nhà giáo có thể thử thách bản thân thực hiện các thông điệp - giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ; tạo nên sự gắn kết và lan tỏa yêu thương, thúc đẩy các thông điệp giáo dục gia đình và nhà trường không bạo lực” - bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD nói. 

Thông tin thêm về nội dung này, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD chia sẻ, tất cả các biện pháp trừng phạt thân thể, trừng phạt tinh thần nêu trên đều vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Rất tiếc, những hành vi đó vẫn còn diễn ra do phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em. Đồng thời cũng chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về GD như họ mong đợi.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các bên trong việc thực hiện thành công chiến dịch. Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là một hành trình dài “Lan tỏa yêu thương” và thúc đẩy “Giáo dục không bạo lực” với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Bà khẳng định, Cục Trẻ em cũng sẽ tích cực trong việc lắng nghe ý kiến của trẻ em và đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện.

Năm nay, Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực” diễn ra từ tháng 10 đến giữa tháng 11/2018 với hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách sẽ được triển khai tại Hà Nội, TP Huế, TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ