1.
Tôi đã dạy T 3 năm liên tiếp nên biết nhiều về em. Gia đình quá khó khăn nên đành gởi em vào cơ sở nuôi trẻ của một tổ chức từ thiện khi em vừa học hết lớp 5. Năm đầu tiên gặp em, tôi chú ý ngay vì tuổi còn nhỏ mà T có đôi mắt thật buồn. Cho đến ngày em giã từ mái trường, tôi chưa bao giờ thấy em nở nụ cười. Có lẽ ngoài yếu tố gia cảnh quá nghèo, em còn mang di chứng của một căn bệnh về não.
Những lúc bạn bè đùa giỡn, em chỉ ngồi yên lặng. Các hoạt động khác của lớp, của trường, T đều có mặt nhưng chưa hòa nhập được cùng các bạn. Suốt năm học, T ít khi nào vắng. Năng lực tiếp thu bài của T ở mức độ kém nên tôi hay động viên, giúp đỡ em. T cho biết đã cố gắng nhiều nhưng kết quả không như mong muốn. Em sẽ nỗ lực hơn để được xét tốt nghiệp THCS rồi tìm học một nghề để sinh sống và giúp gia đình vì cơ sở nuôi trẻ mà T đang sống chỉ lo cho các em đến năm 18 tuổi mà thôi. T biết khả năng học tập của bản thân là có giới hạn, có ở lại đến tuổi ấy cũng không làm được gì nhiều.
2.
Tôi có quen biết một viên chức quản lý nơi cơ sở nuôi trẻ đã nhận nuôi T. Nhân một lần đến cơ sở để tìm hiểu về một học sinh lớp tôi chủ nhiệm nghỉ học mà không báo lý do, tôi hỏi thêm về hoàn cảnh của T. Tôi lặng cả người khi biết được thêm thông tin về em. Hóa ra em khổ đau hơn tôi và đồng nghiệp tưởng. Sự việc xảy ra vào những ngày hè của năm học lớp 8. T và một số bạn do gia đình quá nghèo, xin cơ sở cho các em được ở lại. Cơ sở đồng ý.
Quy định là sau 11g30, ăn cơm xong, các em phải về phòng tự sinh hoạt cho đến 13g30. Thông thường, T và các bạn ngủ hay đọc sách. Khoảng thời gian này, quản lý cũng như nhân viên cơ sở đều về nhà riêng, giao lại việc cho một bảo vệ. Người bảo vệ này gần 50 tuổi, thường được T và các bạn gọi bằng từ thân thiện là “bố’. Đôi lúc “bố” làm lơ trước việc vi phạm nội quy của nhóm trẻ, không báo cáo lại cho ban quản lý cơ sở nên sự thân thiết càng cao.
“Bố” có một căn phòng riêng nằm gần cổng ra vào nhưng khá xa với dãy phòng của nhóm trẻ. Buổi trưa, tối, “bố” khóa cổng rào, nhóm trẻ thu mình trong không gian quy định. Đến giờ ngủ, “bố” đi kiểm tra một vòng rồi về phòng mình. Không biết vì sao “bố” luôn dành cho T nhiều ưu tiên và hay nắm tay, xoa đầu thậm chí vuốt tóc T khi vắng người. T vui vì được thương mến, được chăm sóc như vậy.
Cơ sở nuôi trẻ có quy định khắt khe về giờ giải trí. Tivi chỉ được mở vào buổi tối từ 18g đến 19g30. Ngày thứ bảy thì nhiều hơn một tiếng. T và các bạn không có điện thoại nên việc xem phim trên mạng là không thể. “Bố” biết vậy nên dặn riêng T sau giờ cơm trưa T đến phòng “bố” mở tivi cho xem phim nhưng T không được rủ các bạn theo vì ban quản lý biết sẽ kỷ luật “bố” và trả T về địa phương.
Mới đầu T còn ngần ngại nhưng sau do tin tưởng “bố” nên làm theo lời. Thời gian đầu, không có gì đáng lo, cùng “bố” xem phim, đến gần 13g30, T về lại phòng. Đâu ngờ, sau đó “bố” mang những đĩa phim khác chiếu cho T xem thay vì xem tivi. T dần quen với những cảnh nóng trong các phim này. Dù là một đứa trẻ được ngành y tế xác định chậm phát triển nhưng T vẫn có đủ yếu tố phát triển về giới. T bị cuốn hút bởi những bộ phim này và thường lui tới phòng bảo vệ. Bạn bè để ý biết được T hay rời phòng vào buổi trưa và báo lại cho ban quản lý vì lo lắng có chuyện không tốt xảy ra cho T.
3.
Khi anh bạn của tôi và một nhân viên hành chính bất ngờ kiểm tra phòng bảo vệ, cả hai giật mình khi thấy người bảo vệ đang có hành vi xâm hại đến T. Sự việc được báo đến cơ quan chức năng ngay lập tức. Người bảo vệ của cơ sở đã thú nhận lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của T nên đã dụ dỗ và thực hiện xâm hại T. Cơ quan pháp luật đã bắt tạm giam người bảo vệ này. T cho biết lần đầu người bảo vệ đã dụ dỗ và khống chế T để thực hiện hành vi xâm hại. Những lần sau đó, T bị đe dọa nên phải im lặng và tiếp tục nghe theo “bố” nếu không sự việc sẽ được thông báo khắp nơi. Biết mình đã bị xâm hại nhưng T không biết cầu cứu ai, lại sợ mẹ biết được thêm buồn, có lúc T tính đi tìm cái chết.
Bạn tôi nhìn nhận cơ sở chủ yếu nuôi dưỡng các em nhưng bỏ quên không chú ý lĩnh vực giáo dục giới tính. Trước các hành vi xâm hại bản thân, các em chưa có được thái độ kiên quyết chống lại. Các em lớn lên, tự tìm hiểu, trao đổi với nhau nên có phần sai lệch trong kiến thức. Cũng không có chuyên viên hướng dẫn các em kỹ năng tự bảo vệ trước sự xâm hại của kẻ xấu nên xảy ra hậu quả đau lòng như chuyện của T. Bộ phận quản lý cơ sở nuôi trẻ quên mất các em đang bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý đã có nhiều đổi khác. Ban quản lý chưa kiểm tra nề nếp để bảo vệ các em. Bên cạnh đó là việc chưa bao giờ cơ sở tổ chức giáo dục về giới tính dù có lúc cơ sở nuôi dưỡng gần trăm em nam nữ ở độ tuổi mới lớn. Những buổi nói chuyện của chuyên gia y tế cũng chưa được thực hiện lần nào.
4.
Nhiều ngày sau khi biết chuyện về T, tôi vẫn còn băn khoăn. Lý do là T từng kể cho tôi nghe về lòng tốt của người bảo vệ kia. Tôi có phần chủ quan không dặn dò em kỹ càng trong việc tự bảo vệ bản thân, phải chú ý giữ giới hạn trong giao tiếp cho dù đó là người thân thiết và lớn tuổi hơn nhiều. Tuyệt đối không bao giờ đến phòng riêng của người khác giới. Tôi cũng không kết hợp với giáo viên chủ nhiệm của T để tìm hiểu mối quan hệ của em với người bảo vệ kia.
Sau đó ít lâu, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng chuyện T bị xâm hại vẫn bị tiết lộ. Trong năm học tiếp theo, một số ít thầy cô, bạn bè lại nhìn T với đôi mắt không được thiện cảm. Trong đó có người còn cho rằng T là nguyên nhân làm cho người bảo vệ vi phạm pháp luật. T chán nản, không thiết tha đến việc học rồi tự bỏ cơ sở về quê.
Cơ sở nuôi trẻ và nhà trường tìm mọi cách để T quay lại nhưng không có kết quả. Tôi suy nghĩ, nếu mọi người quan tâm đến các em có hoàn cảnh như T, trang bị cho em những hiểu biết về giới tính nói chung, quan hệ nam nữ nói riêng thì không xảy ra hậu quả như vậy. Chính người lớn chúng ta còn nhầm lẫn trong đánh giá con người huống chi các em.
Tôi ước ao rằng T sẽ đứng dậy được sau lần vấp ngã đầu đời. Câu chuyện của T làm thầy cô thay đổi trong cách tiếp cận, biết dìu dắt các em trong giai đoạn chuyển tiếp để trở thành người lớn. Thay vì nghiêm cấm, tránh né, thầy cô nên chọn cách gần gũi, thân thiện, sử dụng phương pháp hợp lý để trang bị kiến thức, giải đáp các thắc mắc của học sinh về giới tính, tình dục, sinh sản. Cuối cùng là sự thông cảm, chia sẻ nâng bước cho những em đã từng là nạn nhân của sự xâm hại trẻ em. Tôi mong sao không còn học sinh nào lâm vào hoàn cảnh như T.