Lan tỏa văn hóa đọc ngay tại quê nhà

GD&TĐ - Không chỉ góp phần phát triển văn hóa đọc, mọi người đến thư viện Dương Liễu có thể học tập, chia sẻ những kiến thức của mình để lan tỏa cho người khác thông qua nhiều sự kiện khác nhau.

Các tình nguyện viên hướng dẫn các em nhỏ lựa chọn sách.
Các tình nguyện viên hướng dẫn các em nhỏ lựa chọn sách.

Thư viện làng với hơn 7.000 đầu sách

Nằm lọt trong một con ngõ nhỏ của thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), thư viện Dương Liễu vẫn thường xuyên đón khách tới mượn, đọc sách vào mỗi chiều thứ 3, 5, 7 và Chủ nhật hàng tuần. Được thành lập từ tháng 9/2013 chỉ với khoảng 300 đầu sách, sau 8 năm, số lượng đầu sách tại thư viện đã vượt qua con số 7.000.

Với diện tích mặt sàn hơn 50m2, cơ sở vật chất hiện tại của thư viện khá đầy đủ với đèn điện, điều hòa, bàn ghế, kệ sách… Đội ngũ quản lý và tình nguyện viên lên tới 70 người cùng phối hợp, điều hành hoạt động của thư viện, kể cả trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Anh Phùng Bá Hưng, quản lý thư viện chia sẻ, đây là thư viện tư nhân, hoạt động miễn phí vì cộng đồng. Ban đầu, nhóm thành viên sáng lập mong muốn tạo ra một không gian dành cho trẻ em tới đọc sách, vui chơi để tránh xa các trò chơi game vô bổ.

Đến nay, ngoài phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, thư viện cũng đã tổ chức hàng trăm sự kiện lớn nhỏ vì cộng đồng như tặng bánh Trung thu cho các em nhỏ, bánh chưng Tết cho người già neo đơn trong xã, xây dựng các lớp học miễn phí cho học sinh cấp 2, tổ chức ngày hội bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn và được đông đảo người dân ủng hộ.

Phùng Bá Hưng, thành viên sáng lập thư viện Dương Liễu
Phùng Bá Hưng, thành viên sáng lập thư viện Dương Liễu 

Trong thời đại hiện nay, văn hóa đọc của một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều do mọi người có rất nhiều kênh thông tin để tham khảo, giải trí. Tuy vậy, sau 8 năm hoạt động, sự ra đời của thư viện Dương Liễu đã và đang khẳng định vai trò của mình trong phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ.

Do thư viện nằm ngay trong xóm nên rất thuận tiện để giới trẻ tại địa phương có thể lui tới để đọc sách. Để tăng tính hấp dẫn với trẻ khi tới thư viện, Hưng cùng các cộng sự đã tổ chức nhiều sự kiện như cuộc thi đọc sách, làm đồ chơi truyền thống. Đến nay, thư viện vẫn thường xuyên nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong xã. Đặc biệt là các mạnh thường quân để trang trải các chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ thư viện.

“Việc tiếp nhận, sắp xếp các đầu sách cũng được ban quản lý thư viện phân loại theo từng lĩnh vực như: Lịch sử văn hóa; Phát triển tâm hồn; Mẫu giáo tiểu học; Ngoại ngữ; Văn học thiếu nhi; Tủ sách thiên nhiên… Mỗi loại sách đều có các ký hiệu riêng để thuận tiện cho việc tìm kiếm.

Thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19, có ngày thư viện đón tiếp hàng trăm lượt em nhỏ tới đọc sách. Thời gian này, thư viện chủ yếu cho các em mượn sách mang về nhà đọc. Hình ảnh các em tựa lên cửa sổ miệt mài đọc từng trang sách khiến chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, bởi ít nhiều các em cũng lĩnh hội được những giá trị giáo dục ở trong đó”, Phùng Bá Hưng tâm sự.

Không gian rộng khoảng 50m2 của thư viện đã có hơn 7.000 đầu sách ở các lĩnh vực.
Không gian rộng khoảng 50m2 của thư viện đã có hơn 7.000 đầu sách ở các lĩnh vực.

Phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ

Đã gắn bó với thư viện hơn 2 năm trong vai trò tình nguyện viên, Nguyễn Thị Phương Thảo – sinh viên năm thứ 2 Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp phần vào sự phát triển của thư viện.

Với Thảo, được tham gia vào các hoạt động khác nhau của thư viện, tiếp xúc với nhiều người giúp cho khả năng giao tiếp của mình nâng cao hơn. Hơn nữa, ngành học của Thảo cũng là một lợi thế khi tham gia làm tình nguyện viên tại đây. Theo Thảo, đây là kho tàng tri thức quý giá để giới trẻ có thể tiếp cận một cách miễn phí để vừa rèn luyện thói quen đọc sách, cũng như thử sức mình ở nhiều vai trò và lĩnh vực khác nhau.

Từng cùng con tham gia nhiều hoạt động của thư viện, chị Tiến Thị Khuyên, nhân viên văn phòng tại xã Dương Liễu, cho biết, các con của chị rất đam mê đọc sách. Dù ở nhà có giá sách riêng nhưng các con vẫn thích ra thư viện đọc sách. Ở đó, các con được gặp bạn bè và tìm hiểu được nhiều kiến thức bổ ích thông qua những cuốn sách hơn. Nhờ đó, ý thức tự giác trong học tập và sự tự tin trong giao tiếp của con được cải thiện đáng kể.

Chị rất mong thư viện ngày càng phát triển để trẻ em trong xã được vui chơi và mở mang tri thức. “Chứng kiến cảnh các cháu nhỏ cùng nhau đọc sách một cách say mê, tâm hồn tôi như thấy trẻ lại bởi tuổi thơ của mình cũng ước mong được như vậy mà hoàn cảnh khó khăn không thể có được”, chị Khuyên nói.

Công tác trong ngành y tế nên thường xuyên phải xa nhà, chị Huy Thị Mai chia sẻ: “Dù rất bận công việc chuyên môn nhưng vợ chồng tôi cố gắng giữ thói quen đọc một câu chuyện cổ tích cho con nghe trước khi đi ngủ mỗi tối. Khi biết tin thư viện mở cho trẻ em đọc sách miễn phí, cháu lớn rất hào hứng và đòi bố mẹ đưa ra tận nơi để được đắm mình vào những quyển truyện cổ tích, cuốn truyện tranh mà thiếu nhi hay đọc.

Cứ vào cuối tuần, tôi đều đưa cháu đến thư viện để đọc sách. Mình cũng hay tìm đọc những quyển sách nói về lịch sử văn hóa hay đời sống gia đình. Các bạn tình nguyện viên tuy trẻ nhưng rất tâm huyết, nhiệt tình hướng dẫn các em đến lựa chọn sách để đọc cho phù hợp với từng lứa tuổi”.

Đến nay, mặt bằng rộng 50m2 của thư viện được gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, 72 tuổi thôn Thống Nhất cho mượn miễn phí. Ngoài ra, thư viện Dương Liễu cũng đã hỗ trợ và phát triển một số thư viện tư nhân khác để cùng nhau lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhờ những thành tích trong quá trình hoạt động, thư viện Dương Liễu đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2014 – 2019; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 – 2020…

Phùng Bá Hưng – quản lý thư viện vốn là cử nhân ngành Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nên đã sớm có tình yêu với sách báo. Là người gắn bó với quê hương, Hưng thấu hiểu sự thiệt thòi của trẻ em nơi làng quê. Anh mong muốn mở một thư viện nhỏ để giúp các em có được không gian an lành, làm bạn với sách nhằm mở rộng kiến thức, thắp sáng ước mơ. Tháng 9/2013, Hưng cùng một số người bạn đã thành lập thư viện Dương Liễu ngay trên mảnh đất quê nhà, thu hút hàng trăm lượt bạn nhỏ đến đọc sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.