“Các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã thể hiện tinh thần rất đổi mới, trong quá trình đổi mới ấy, mình cầu thị. Tôi mong các đồng chí tiếp tục giữ được lửa đổi mới, lan được lửa đổi mới này xuống từng trường, từng đơn vị, giáo viên, ra cộng đồng… để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới thực sự, có như vậy đất nước mới phát triển” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 2/8.
2 điểm xuyên suốt cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quán triệt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, có nhiều điểm lưu ý, trong đó có 2 điểm xuyên suốt trong năm học mới phải làm nghiêm túc:
Thứ nhất, giáo dục đổi mới phải là một quá trình. Và vì đổi mới là một quá trình, có lộ trình, trong quá trình đấy không bao giờ có giải pháp hoàn hảo. Hơn nữa, tính không hoàn hảo của giải pháp còn thể hiện giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh của đất nước – tình hình kinh tế xã hội, thói quen truyền thống... Cho nên khi triển khai một giải pháp sẽ tác động đến rất nhiều mặt khác nhau, lợi mặt này lại hại mặt kia, cần phải cân đối. Và đã vạch ra rồi phải rất khoa học, rất ổn định và phải kiên trì.
Thứ hai, trong quá trình đổi mới phải kiên định, nhất định phải theo xu thế thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm hay vì trong quá trình này có tác dụng ngược mà xoay lại, đi ngược xu thế thế giới. Ví dụ tới đây ĐH tự chủ; các trường phổ thông không dùng từ tự chủ, nhưng quản lý các trường phổ thông cũng phải thay đổi, môi trường giáo dục bớt hành chính. Cần kiên trì xu thế này.
Các thầy cô phải thật sự gương mẫu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhận định: Trong hơn 1 triệu giáo viên, đa phần các thầy cô rất gương mẫu nhưng số không gương mẫu không phải là ít. Nhất định từ năm học này, Bộ GD&ĐT phải phát động để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, ai vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các phụ huynh, gia đình tham gia quá trình quản lý quản trị nhà trường cùng nhà trường, chính quyền; các hội phụ huynh vì chính con em mình, cùng với nhà trường động viên, yêu cầu các cháu tham gia lao động, vệ sinh nhà trường, thành một con người sau này yêu lao động, tôn trọng những người lao động.
Chỉ đạo việc đổi mới quản lý từ Bộ GD&ĐT, với các nhà trường, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quản trị nhà trường phải đổi mới, tiến tới làm sao giảm bớt sự can thiệp hành chính từ cấp huyện, cấp quận trực tiếp xuống các trường, tập trung quá nhiều nhiệm vụ cũng như trách nhiệm, quyền hạn một cá nhân hiệu trưởng. Quản trị nhà trường phải có sự tham gia của cộng đồng, của phụ huynh, của học sinh và của tập thể giáo viên trong nhà trường theo hướng minh bạch, dân chủ. Tinh thần là sẽ ban hành Nghị định về vấn đề này.
Giải bài toán giảm biên chế cho các địa phương
Về vấn đề biên chế trong ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin: Hiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo kỹ Chính phủ về vấn đề này, cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, thậm chí có những việc nếu cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ GD&ĐT lần đầu tiên trong nhiều chục năm đã nắm được tình hình giáo viên ở từng trường, không chỉ ở số lượng đơn thuần mà về tất cả từ trình độ, chuyên ngành đào tạo và việc phân công thế nào. “Tôi cho rằng đây là một tiến bộ ban đầu tạo cơ sở để chúng ta làm tốt câu chuyện biên chế” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đồng thời đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật, tiến tới căn cứ vào đó định mức ra để đặt hàng đào tạo sư phạm.
Nói cụ thể hơn về việc giảm biên chế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Nghị quyết số 19 không phải bắt cắt đi 10% giáo viên. Thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác. Nghị quyết nêu rất rõ chia thành từng thời kỳ, từ nay đến năm 2021 cắt trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Có nghĩa là: Chúng ta có cơ chế các đơn vị sự nghiệp nói chung và trong giáo dục nói riêng, nếu những biên chế tự chủ được về lương thì cũng không tính trong biên chế theo nghĩa truyền thống nữa. Bên cạnh đó, chủ yếu tập trung trước hết nhằm vào những biên chế gián tiếp phải giảm rất mạnh. Nhưng nơi nào đang thiếu giáo viên thì vì học sinh vẫn phải ưu tiên tuyển.
Một điều quan trọng tới đây, các trường phổ thông không dùng từ tự chủ, nhưng Bộ khẩn trương trình Chính phủ để ban hành Nghị định tự chủ ĐH và đổi mới quản lý giáo dục phổ thông để các trường phổ thông ở các địa phương tùy vào điều kiện cũng cho một số trường đổi mới quản lý, dựa vào đó tự chủ được lương của giáo viên. Điều này cũng tính trong giảm biên chế. Đẩy mạnh tự chủ ở các trường ĐH, biên chế giảng viên đại học khi tự chủ không phải lo tiền lương nữa thì cũng không tính trong số còn gọi là biên chế theo khái niệm cũ.
Giải quyết bằng được vấn đề nhà vệ sinh trường học
Bên cạnh chỉ đạo các địa phương cố gắng tập trung lo đầu tư cơ sở vật chất trường học, đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn, trước hết tất cả các trường có báo cáo hiện trạng nhà vệ sinh, trong đó, tất cả các nhà vệ sinh phải được chụp ảnh cụ thể cho toàn xã hội thấy, kêu gọi không chỉ chính quyền địa phương mà toàn bộ cộng đồng cùng vào cuộc hỗ trợ, đầu tư, làm sao cho các cháu không còn nỗi sợ nhà vệ sinh mỗi buổi đến trường.
“Các thầy cô chú ý hướng dẫn, hình thành cho các cháu thói quen giữ gìn không chỉ nhà vệ sinh mà còn vệ sinh lớp học, vườn trường” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.