Lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện tại Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội

GD&TĐ - Phong trào hiến máu tình nguyện của Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, nhân viên, người học và trở thành hoạt động thường xuyên, cứu giúp người bệnh trong cơn nguy kịch.

Cán bộ, viên chức, người lao động, SV Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội tham gia hiến máu tình nguyện.
Cán bộ, viên chức, người lao động, SV Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội tham gia hiến máu tình nguyện.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Ngày hội hiến máu “Ngày hội HUPES hồng” do Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học Trung ương tổ chức vào ngày 22/12/2020, với những hình ảnh người người nô nức tham gia, ai nấy đều rạng ngời… đúng với ý nghĩa là “ngày hội” làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên và ấn tượng. Cách làm của trường tuy không mới nhưng lại có sức thuyết phục đưa phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

ThS Hoàng Anh Dũng - Chủ tịch công đoàn trường cho biết, những năm trước, phong trào hiến máu tình nguyện của Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội cũng như nhiều đơn vị, địa phương khác có rất ít người tham gia. Do nhiều người chưa thấy hết ý nghĩa việc hiến máu hay còn nhút nhát “vì sợ đau” nên khi tổ chức đợt hiến máu, không ít người đến đăng ký tham gia rồi lại bỏ về.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định đây là một trong những hoạt động chính của nhiệm vụ kết nối và phục vụ cộng đồng, vì thế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cá đơn vị phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên đưa hoạt động này vào kế hoạch hằng năm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các ngày hội hiến máu tình nguyện để tạo sức lan tỏa trong cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường.

Đặc biệt để tạo sức thuyết phục bằng biện pháp nêu gương, Công đoàn, Đoàn thanh niên đã vận động cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia hiến máu trước. Cũng chính vì thế, nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động, người học về hiến máu tình nguyện được nâng cao. Từ một hoạt động rất ít người quan tâm, đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa lớn.

ThS  Hoàng Minh Thủy - Bí thư Đoàn trường cho biết: Số đơn vị máu tiếp nhận được năm sau cao hơn năm trước. Viện Huyết học Trung ương đánh giá cao phong trào với sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, viên chức, người lao động và SV nhà trường. Các ngày hội hiến máu được tổ chức với quy mô mở rộng cùng với số người hiến máu ngày càng tăng. 

Đến nhận thức và hành động 

Lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện tại Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội ảnh 1

Cũng chính từ cách làm hiệu quả đó, nên hầu hết cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường đều có chung suy nghĩ: “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, người tình nguyện tham gia hiến máu không chỉ dừng lại ở một hoặc hai lần hiến máu mà sẵn sàng tham gia hiến máu nhiều lần như: Cô Mai Thị Ngoãn; Cô Đặng Thị Kim Ngân; Cô Trần Thị Thanh Huyền; Cô Phạm Thị Hân; Cô Lưu Thị Hải Yến; Thầy Trần Đình Phòng; Thầy Nguyễn Văn Dược; Thầy Trần Hữu Trung…. 

Nói về suy nghĩ khi tham gia hiến máu cô Mai Thị Ngoãn - Trưởng khoa Cầu lông - Bóng bàn - Quần vợt của trường chia sẻ: “Bản thân tôi rất phấn khởi khi được tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là một việc ý nghĩa, có thể giúp được những bệnh nhân trong lúc nguy kịch cần truyền máu”. Cô Ngoãn còn kêu gọi, vận động bạn bè, người thân tham gia hiến máu để cứu giúp những bệnh nhân đang cần truyền máu.

Hay với cô Đặng Thị Kim Ngân, giảng viên khoa Điền kinh Thể dục đến với hiến máu cũng rất giản dị, cô đã trở thành “người dẫn đầu” với rất nhiều lần hiến máu từ hơn 5 năm nay. Theo lời cô Ngân, do gặp biến cố phải nằm viện và truyền rất nhiều máu, khi tỉnh lại mới biết rằng anh em gia đình hiến máu không đủ, bệnh viện cũng phải vất vả vận động máu từ rất nhiều người khác. Vì thế, cô mong có thể sẽ hiến máu thường xuyên để trả ơn cuộc đời.

Đối với cô Trần Thị Thanh Huyền - chuyên viên truyền thông, mỗi khi có thông tin về ngày hội hiến máu, cô đều rất phấn chấn đăng ký tham gia hiến máu. “Tôi mong muốn những giọt máu của mình sẽ giúp được nhiều người bệnh, góp phần giảm bớt tình trạng thiếu máu trong bệnh viện. Đây là việc làm tốt mà không ảnh hưởng sức khỏe nên tôi tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện” - cô Huyền chia sẻ…

Cô Lưu Thị Hải Yến - chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ, lần đầu tiên hiến máu cũng không giấu được niềm vui nho nhỏ bởi cô biết nhóm máu của mình thuộc loại rất hiếm: “Cảm giác ban đầu khá là hồi hộp, nhưng sau đó thấy không có vấn đề gì, thậm chí còn thấy nhẹ nhõm và một chút tự hào vì mình đã làm được việc có ích. Chắc chắn những năm sau tôi sẽ tiếp tục đi hiến máu và kêu gọi thêm nhiều bạn bè mình cùng đi. Tôi cũng mong muốn, các bạn trẻ hãy bằng tinh thần thanh niên, sức trẻ, tình nguyện tham gia hiến máu tình nguyện, chung tay cùng cộng đồng san sẻ, tiếp sức để những bệnh nhân thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.

Và tiếp tục lan tỏa niềm yêu thương

TS Nguyễn Duy Quyết - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiến máu tình nguyện trong thời điểm hiện nay càng quan trọng hơn bao giờ hết vì dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến công tác vận động và hiến máu, trong khi lượng máu dự trữ đang ngày càng khan hiếm. Vì thế trong thời gian tới, để phong trào hiến máu tình nguyện của nhà trường tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng nhà trường tiếp tục xác định sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với việc tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Đặc biệt, sẽ quan tâm tạo điều kiện để cho Công đoàn, Đoàn thanh niên nhà trường phối hợp với Viện Huyết học Trung ương, các cơ quan tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập trung cao điểm vào các dịp: Tết Nguyên đán tổ chức “Lễ hội Xuân hồng”, Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6, đưa hoạt động hiến máu tình nguyện trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng. Những giọt máu hồng tình nguyện không chỉ giúp và cứu lấy những bệnh nhân cần máu, mà còn gieo những hạt giống của lòng nhân ái, nghĩa tình vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ