Lan tỏa giá trị của lao động sáng tạo và cống hiến

GD&TĐ - Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 lựa chọn và vinh danh các tập thể, cá nhân có ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua khó khăn...

Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ
Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ

Những tập thể, cá nhân là những tấm gương điển hình xuất sắc, khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế đất nước, lan tỏa giá trị của lao động sáng tạo, cống hiến, nghị lực sống cho mọi người… được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023.

Cơ hội cho mọi công dân Việt Nam

Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 lựa chọn và vinh danh các tập thể, cá nhân có ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy triệt để sức mạnh của chính mình, không ỷ lại vào sự giúp đỡ bên ngoài, từ đó đứng vững trong thách thức chung và tìm cách vươn lên dẫn đầu, truyền cảm hứng cho cộng đồng xã hội.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, ngoài cá nhân, tập thể, các đơn vị Nhà nước cũng được đề xuất xem xét để vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 18. Các cá nhân, tập thể được lựa chọn bình xét đa dạng, từ những cá nhân vượt lên nghịch cảnh, tới những gương nông dân giỏi... Tất cả đều có thành tích xuất sắc làm nên vinh quang Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, những tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh năm nay được Hội đồng thẩm định, cân nhắc, lựa chọn rất kỹ càng. Những tập thể, cá nhân được tôn vinh dù ở vị trí công tác, ngành nghề khác nhau, nhưng là những điển hình tiên tiến, có những thành tích đặc biệt trong lao động, sản xuất. Vinh quang Việt Nam là chương trình cao quý, dành cơ hội cho tất cả mọi người dân Việt Nam, dù là làm những việc nhỏ nhất. Ngay cả những công nhân trực tiếp nhưng với nỗ lực của mình thì hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh.

Chia sẻ về chủ đề của Chương trình Vinh quang Việt Nam năm nay, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, chủ đề “Ý chí Việt Nam” mang 2 thông điệp. Thứ nhất là tổng kết lại chặng đường Việt Nam vượt qua dịch Covid-19 với tinh thần, ý chí Việt Nam, giảm thiểu những tổn thất, đồng thời tập trung định hướng phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, thực hiện nhiều chiến lược, kế hoạch lớn của quốc gia.

“Vinh quang Việt Nam là một hành trình liên tục, truyền tải những vinh quang, qua mỗi lần tổ chức đều lựa chọn được những tập thể, cá nhân xuất sắc, có lan tỏa lớn, thúc đẩy phong trào thi đua trong cả nước tiếp tục phát triển”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Ông Lê Văn Dư (thứ 2 từ phải qua) trong một hoạt động từ thiện. Ảnh: NVCC
Ông Lê Văn Dư (thứ 2 từ phải qua) trong một hoạt động từ thiện. Ảnh: NVCC

Tôn vinh tấm gương điển hình

Các tập thể được vinh danh thể hiện rõ ý chí vượt qua khó khăn, tự lực tự cường, phát huy nội lực, chủ động, bản lĩnh, sáng tạo. Các cá nhân, ngoài những người có sáng kiến, đổi mới, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, còn có điển hình tiên tiến là người lao động trực tiếp, điển hình ở địa phương, có các hành động mang tính nêu gương, vì cộng đồng, được dư luận đánh giá cao, có tính lan tỏa, truyền cảm hứng trong xã hội.

Tiêu biểu, Ban huấn luyện và Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là tập thể được tôn vinh, tấm gương điển hình về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Ngày 15/5/2023 đánh dấu một trong những sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi đội tuyển nữ lần thứ tư liên tiếp giành Huy chương Vàng SEA Games.

Những cái tên làm nên lịch sử bóng đá nữ Việt Nam như Thùy Trang (34 tuổi), Huỳnh Như (31 tuổi) - cầu thủ nữ đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, Thu Thảo (30 tuổi), Tuyết Dung, Kim Thanh, Bích Thùy (29 tuổi), Hoàng Thị Loan, Dương Thị Vân, Thái Thị Thảo, Mỹ Anh, Hải Yến (28 tuổi) đã nỗ lực thế nào để phát triển bản thân, dìu dắt thế hệ đàn em như Vạn Sự (22 tuổi), Thanh Nhã, Hải Linh (21 tuổi), Vũ Thị Hoa (19 tuổi).

Đặc biệt, không thể không nhắc đến Huấn luyện viên Mai Đức Chung - người cha thứ hai của nhiều thế hệ cầu thủ đội tuyển nữ quốc gia. Gắn bó với bóng đá nữ từ năm 1997 - thời điểm Đội tuyển nữ Việt Nam có trận đấu chính thức đầu tiên sau 7 năm thành lập. Người đã chứng kiến sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, hiểu sâu sắc nhất việc phía sau giá trị của tấm huy chương, tấm vé dự World Cup là những gì phải đánh đổi…

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Tấm gương sáng cho lao động sáng tạo, khơi dậy khát vọng lan tỏa nghị lực sống có anh Lương Phi, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh Phi không may bị mất đi một chân sau biến cố thương tâm khi mới lên 3 tuổi. Với nội lực mạnh mẽ, khát vọng vươn lên, anh tập làm YouTube. Qua rất nhiều lần thất bại, nay anh đã trở thành một YouTuber có thu nhập từ chính các video anh làm thiện nguyện.

Hiện kênh YouTube “Phi một chân” đã được 355.000 người đăng kí với hơn 1.000 video giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Từ một phần kinh phí trích từ việc làm YouTube kết hợp với việc kết nối với các mạnh thường quân, anh Phi đã tìm đến thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp đặc biệt khó khăn, bệnh tật... Đến nay, anh đã giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp với số tiền cho mỗi trường hợp từ 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Trong số những gương mặt được tôn vinh có những người có đóng góp lớn cho nền nông nghiệp, giúp sức nông dân phát triển kinh tế. Điển hình như ông Lê Văn Dư, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư tỉnh Bình Định. Ông Dư là điển hình xuất sắc trong cả 3 vai trò: Nông dân, nhà khoa học, doanh nhân. Ông còn được người chăn nuôi ưu ái gọi bằng cái tên dân dã: “Dư gà”.

Hơn 30 năm thao thức, đồng hành cùng ngành chăn nuôi gà Việt, Công ty Minh Dư hiện là nhà sản xuất, cung ứng giống gà ta lớn nhất Việt Nam, với đàn gà giống hơn 1,2 triệu con, trong đó có hơn 9 nghìn gà cụ kỵ, hơn 94.000 gà ông bà, hơn 1 triệu gà bố mẹ...

Hiện gà giống Minh Dư chiếm gần 30% thị phần cả nước. Ngoài nắm giữ thị phần trong nước, công ty còn cung ứng sản phẩm giống sang Lào, Campuchia và sắp tới là Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Philippines…

Tấm gương khát vọng cống hiến có Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Thượng, Công an quận Đống Đa, Công an TP Hà Nội. Trong thời gian cao điểm thực hiện 2 chiến dịch của Bộ Công an: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý CCCD, Trung tá Tuấn đã có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả (sử dụng máy tính trạm rút ngắn quy trình vận hành và thời gian cấp CCCD, số hóa dữ liệu danh sách công dân theo địa bàn dân cư...).

Quá trình công tác, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.

Năm 2022, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, là điển hình tiên tiến của Bộ Công an dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2022. “Chúng tôi luôn gần dân để dân hiểu và phối hợp với lực lượng công nhân thực hiện thủ tục làm căn cước công dân và cấp mã định danh điện tử. Ngoài ra chúng tôi luôn học hỏi từ dân, từ đồng nghiệp để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình”, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Tính đến năm 2023, có tổng cộng 274 tập thể, cá nhân được vinh danh qua 18 kỳ Vinh quang Việt Nam, trong đó có 100 tập thể, 174 cá nhân. Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 sẽ được tổ chức trang trọng vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 4/6/2023, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội và được phát sóng trực tiếp trên VTV1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ