Học để thoát nghèo
Luôn nỗ lực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, gia đình ông Mà A Khai (huyện Mường Khương, Lào Cai) là một trong những mô hình học tập tiêu biểu được Hội Khuyến học Việt Nam biểu dương.
Ông Mà A Khai cho biết: Dù rất muốn học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông anh em nên khi tốt nghiệp lớp 9/12, tôi phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Hiểu được nỗi vất vả đã qua do không được học hành đầy đủ, ông Khai bàn với vợ bằng mọi cách đầu tư cho các con được học tập đến nơi đến chốn.
Ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng ông Khai đã định hướng và đầu tư cho các con học tập, đồng thời dạy dỗ, giáo dục con lễ phép, hiếu thảo, kính trên nhường dưới. Quan tâm đến việc học tập của các con, vợ chồng ông Khai thường xuyên động viên, khích lệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các con học tập.
Ngoài sự cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng ông đều là những tấm gương học tập suốt đời, động viên bà con, lối xóm cùng tham gia học tập.
Ông bà là thành viên tích cực của Trung tâm học tập cộng đồng xã Bản Sen, nơi diễn ra các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhiều lớp xóa mù chữ, tập huấn kiến thức, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Khai học được nhiều điều bổ ích, nắm bắt thông tin và kiến thức xã hội, nhất là tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài việc đầu tư máy xay xát phục vụ bà con nhân dân trong thôn, ông còn tích cực chăn nuôi lợn, gà, trâu, trồng rừng, trồng sa nhân và trồng chè. Với mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Khai thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Số tiền dành dụm được, vợ chồng ông tiếp tục đầu tư cho các con ăn học và có điều kiện giúp đỡ các hộ khác cùng thoát nghèo.
Những khó khăn theo năm tháng dần trôi, giờ đây cả 5 người con trở thành niềm tự hào, hạnh phúc không gì sánh được của vợ chồng ông Khai. Với những thành tích học tập của các con, việc tự học của cha mẹ, mô hình học tập của gia đình ông Mà A Khai là tấm gương sáng, được vinh danh trong dòng họ, cộng đồng.
Ông Cao Đắc Hải - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lào Cai cho hay: Ngoài gia đình ông Mà A Khai, trên địa bàn Lào Cai có nhiều gia đình khác triển khai sáng tạo mô hình học tập góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Thông qua phong trào thi đua, ý thức về việc học tập trong mỗi gia đình có sự chuyển biến tích cực, dần trở thành nhu cầu thiết thực.
Nền tảng xây dựng xã hội học tập
Gia đình bà Đoàn Ngọc Mai ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng tất cả đều hòa thuận, các thành viên luôn nỗ lực để có thêm kiến thức và đạt thành tích cao trong học tập, lao động sản xuất. Nhờ vậy, nhiều năm liền đạt Danh hiệu Gia đình học tập tiêu biểu của thành phố.
Bà Mai tự hào: Gia đình được như ngày hôm nay là sự phấn đấu nỗ lực của tất cả thành viên trong các hoạt động của khu dân cư, đặc biệt là phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để lan tỏa tinh thần học tập tới cộng đồng dân cư.
Từ kinh nghiệm của mình, bà Mai mong các gia đình hãy nỗ lực đầu tư cho con cái học hành để sau này có tương lai tốt đẹp. Ngoài ủng hộ Quỹ Khuyến học, bà Mai còn tích cực tham dự các cuộc thi tay nghề, lớp truyền nghề nấu ăn cho hàng trăm học viên giúp họ có nghề nghiệp ổn định, bảo đảm cuộc sống.
Còn gia đình bà Khuất Thị Chu tại xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là mô hình “Gia đình học tập” tiêu biểu với tấm gương về ý chí vượt khó. Gắn bó với nghề giáo viên mầm non, chồng mất từ năm 2001, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, song bà Chu chưa khi nào ngừng nỗ lực và hy vọng về tương lai tốt đẹp.
Từ động lực ấy, nhiều năm liên tục, bà Chu được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được tặng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp thành phố. Ba con gái của bà Chu lần lượt vào đại học, đi làm nên kinh tế gia đình khá hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, các mô hình học tập được phát huy, duy trì trên tinh thần tự nguyện và nhận thức của người dân. Sự lan tỏa của mô hình học tập đã giúp thành phố có gần 1,2 triệu gia đình được công nhận gia đình học tập cùng 6.700 dòng họ học tập; 7.100 cộng đồng học tập.
Các gia đình, dòng họ, cộng đồng đã cùng chung sức chăm lo cho việc học tập, nuôi dưỡng trẻ em với kết quả liên tục duy trì phổ cập mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Thành quả này góp phần duy trì vững chắc kết quả giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hà Nội, góp phần giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước.