Những ngôi làng, dòng họ giàu truyền thống hiếu học

GD&TĐ - Mùa khai giảng, về thăm những ngôi làng có trăm, ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, ta như được tiếp thêm ngọn lửa yêu thương, tinh thần hiếu học, để thêm vững niềm tin vào tương lai sự nghiệp trồng người.

Phát huy truyền thống hiếu học trong từng gia đình, từng dòng họ trở thành nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam
Phát huy truyền thống hiếu học trong từng gia đình, từng dòng họ trở thành nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam

Làng có ngàn giáo sư, tiến sĩ, cử nhân

Làng khuyến học Thanh Quýt (thuộc xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nổi tiếng không chỉ vì đang sở hữu 5 di tích văn hóa lịch sử, mà còn được mệnh danh là “làng khuyến học”, khi có cả ngàn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, cử nhân… Theo ông Lê Tự Hưng - Chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), làng Thanh Quýt vốn thuộc xã Thanh Trường, từ 1975, đổi thành xã Điện Thắng. Từ cuối thập niên 1990, Điện Thắng tách thành 3 xã: Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam và Điện Thắng Bắc. Hiện nay, làng Thanh Quýt nằm gọn trong xã mới Điện Thắng Trung. Làng Thanh Quýt có 8 tộc họ luôn chăm lo đến công tác khuyến học, tiêu biểu là 3 tộc Trương Công, Nguyễn Hữu, Lê Tự. Trong những năm gần đây, công tác khuyến học ngày càng được chú trọng với sự chung tay, góp sức của các thế hệ trong dòng họ. Không chỉ có người đỗ đạt, thành công trong làm ăn ở khắp mọi miền đất nước, hay ở nước ngoài, mà ngay cả những cá nhân, gia đình sinh sống ở địa phương cũng hết sức chăm lo, quan tâm đến sự học của con em dòng họ mình.

Hội khuyến học của làng Thanh Quýt được thành lập và đi vào hoạt động gần 25 năm, với các hoạt động mang ý nghĩa hết sức thiết thực gắn với phong trào khuyến học, khuyến tài. Mỗi năm quỹ khuyến học của các dòng họ trích hàng trăm triệu đồng để trao tặng các suất học bổng, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập tốt và những con em đỗ đạt cao. Những hoạt động khuyến học, khuyến tài của các dòng họ không chỉ có ý nghĩa thiết thực, đóng góp lớn vào công tác xây dựng hội khuyến học; mà còn tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tinh thần hiếu học trong cộng đồng, xã hội.

Ông Lê Tự Hưng cho hay: Ở làng Thanh Quýt, các dòng họ lấy đình làng Thanh Quýt, nhà thờ tộc làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khuyến học. Từ năm 2007 đến nay, sau khi đình làng được phục dựng khang trang, đều đặn vào mùng 4 tết Nguyên Đán hằng năm, tại đình làng đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho những học sinh, tân sinh viên xuất sắc đỗ vào các trường đại học. Sự quan tâm chăm lo sự học cho thế hệ trẻ không chỉ là truyền thống tốt đẹp của mỗi dòng họ, mà còn tạo sự lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Giữ lửa khuyến học

Dẫu đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng dòng họ Nguyễn Hữu (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) luôn đi đầu thành phố Đà Nẵng trong công tác chăm lo phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài. Với nhiều hoạt động hay, có ý nghĩa trong khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống hiếu học, dòng họ Nguyễn Hữu trở thành một mô hình điểm xây dựng dòng họ học tập, gia đình học tập của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học dòng họ Nguyễn Hữu cho biết: Ý tưởng thành lập Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Hữu là nhằm động viên con cháu trong dòng họ không ngừng nỗ lực vươn lên học tập, giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ từ lúc sơ khai. Với mục đích đó, từ khi thành lập đến nay, Chi hội khuyến học không ngừng gây dựng quỹ khuyến học để thực hiện giúp đỡ về vật chất, trao thưởng, tuyên dương, động viên con em trong dòng họ có thành tích học tập tốt, cũng như con em có hoàn cảnh khó khăn. Chính nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời mà tinh thần, ý chí vươn lên học tập của con em ngày một cao, mỗi năm con cháu Nguyễn Hữu đỗ đại học, ngày càng nhiều.

Dòng họ Nguyễn Hữu tổ chức trao thưởng, vinh danh con cháu học giỏi nơi đình làng

Dòng họ Nguyễn Hữu tổ chức trao thưởng, vinh danh con cháu học giỏi nơi đình làng

Cùng với việc khen thưởng các học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong việc học và giúp đỡ các em sinh viên nghèo vượt khó, cộng đồng khuyến học Nguyễn Hữu còn chú trọng đến công tác xây dựng dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học. Hằng năm, chi hội bình chọn các gia đình hiếu học, chi phái hiếu học gắn với bình xét gia đình văn hóa, đề nghị biểu dương khen thưởng. Nhờ đó, phong trào khuyến học trong dòng họ đã đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư của địa phương.

Nói về tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên của dòng họ mình, ông Nguyễn Hữu Minh Tuấn, chia sẻ: Trước đây, gia đình, con cháu dòng họ Nguyễn Hữu có cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn. Nhiều gia đình trong dòng họ lam lũ lao động mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Dẫu cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng gia đình nào cũng tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu đến trường. Ông bà, bố mẹ ăn khoai, ăn sắn nhưng vẫn dành dụm tiền bạc để mua sách vở, dụng cụ cho con cháu đi học. Chính sự hy sinh, nỗ lực của gia đình, dòng họ đã tạo động lực, niềm tin cho thế hệ con cháu phấn đấu, thi đua học tập. Chúng tôi nói với các con cháu rằng, sự cố gắng học tập của các con cháu là phần thưởng, niềm hạnh phúc lớn nhất dành tặng cho cha mẹ, gia đình, dòng họ.

“Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của đất nước nhưng dòng họ Nguyễn Hữu vẫn gìn giữ, phát huy được truyền thống hiếu học. Đời này nối tiếp đời kia, con cháu trong dòng họ không ngừng nỗ lực học chữ, rèn luyện thành tài để trở thành cán bộ, trở thành người tốt trong xã hội. Thế hệ con cháu nào cũng xuất hiện những gia đình, cá nhân nêu gương sáng trong học tập cũng như công tác”, ông Tuấn cho hay.

Mỗi dịp đến năm học mới, hay đón chào năm mới, không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ báo công, khen thưởng tại các đình làng, từ đường không chỉ thắp sáng thêm ngọn lửa hiếu học, tô thêm nét đẹp riêng của mỗi dòng họ, mà còn góp phần khơi dậy, gìn giữ, phát huy tinh thần hiếu học trong cộng đồng xã hội. Thầy giáo Trương Công Nên – Phó Chủ tịch Hội khuyến học thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, những năm gần đây, phong trào xây dựng các dòng họ hiếu học khắp cả nước ngày càng phát triển. Các dòng họ hiếu học đều khẳng định vai trò là chỗ dựa, nguồn động viên, tiếp sức cho từng gia đình, từng con em học sinh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm lo phát triển giáo dục. Mỗi dòng họ hiếu học với truyền thống, thế mạnh riêng đã có cách làm thiết thực, hiệu quả, tạo nên sự phong phú của phong trào, đóng góp tích cực xây dựng phong trào khuyến học - khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Điều đó càng khẳng định một điều là nhớ về cội nguồn, không gì hơn là vun đắp cho cội nguồn ấy ngày càng tươi tốt. Việc quan tâm, chăm lo cho sự học của các thế hệ tương lai chính là vun đắp từ những cội nguồn ấy.

HS nghèo Trường TH Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp nhận học bổng từ Quỹ Khuyến học Lê Văn Huỳnh
 HS nghèo Trường TH Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp nhận học bổng từ Quỹ Khuyến học Lê Văn Huỳnh

Xứ sen hồng hết lòng chăm lo cho thế hệ sau

Ở một tỉnh xa xôi như Đồng Tháp nhưng công tác khuyến học, khuyến tài rất sôi nổi và thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ. Ở nơi còn lắm khó khăn này có một dòng họ hiếu học có đến 7 giáo sư, tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 39 kỹ sư… Đó là thành quả của lòng hiếu học và tinh thần vượt khó của người dân Việt Nam.

Dòng họ Lê, ở phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) là dòng họ 4 thế hệ, 63 thành viên thuộc 22 gia đình sống hòa thuận. Dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao: Có 7 giáo sư, tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 39 kỹ sư, nhiều năm liền đạt danh hiệu dòng họ hiếu học. Năm 2011, dòng họ Lê thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Huỳnh do cụ Lê Thị Huệ làm Trưởng ban Quản lý Quỹ.

Ông Lê Văn Huỳnh quê làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Gia đình ông có truyền thống yêu nước, hầu hết các con trai, con gái, con rể... của ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều người đảm nhận chức trách cao ở Trung ương, ở khu và tỉnh. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cháu nội, cháu ngoại... của ông đều được học hành đỗ đạt cao, công tác ở các trường đại học, các cơ quan ở TP HCM và tỉnh Đồng Tháp.

Sau khi ông qua đời, hòa trong phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sôi nổi ở tỉnh nhà và các nơi, trong đó có cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, ngày 29/10/2011, các con cháu trong dòng họ Lê họp lại bàn bạc, thống nhất thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Huỳnh.

Từ khi thành lập quỹ, con cháu dòng họ Lê dù ở gần xa cũng cùng chung tay đóng góp cho quỹ ngày càng lớn mạnh, đến nay con cháu dòng họ Lê đã đóng góp vào quỹ trên hằng trăm triệu đồng. Điều đặc biệt là Quỹ Khuyến học chỉ hỗ trợ cho con cháu ngoài dòng tộc hiện là học sinh, sinh viên nghèo hiếu học tại nhiều xã, phường trên địa bàn TP Cao Lãnh, với mức học bổng từ 200 ngàn đến 700 ngàn đồng (đối với học sinh từ bậc học mầm non đến bậc phổ thông). Ngoài ra, quỹ còn hỗ trợ xe đạp, hỗ trợ học phí cho một số em HS, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt từ năm bắt đầu hỗ trợ đến khi ra trường. Ngoài ra, quỹ còn hỗ trợ suất học bổng cho những tân sinh viên nghèo vượt khó...

Nói về hoạt động khuyến học của dòng họ, cụ Lê Quang Trinh, Chi hội trưởng dòng họ Lê chia sẻ: “Con cháu mình giờ đã thành đạt, cuộc sống ổn định nên việc hỗ trợ cho các cháu ngoài dòng tộc là việc cần làm, mọi người trong Chi hội chúng tôi đều cùng chung suy nghĩ mình nhịn tiêu xài một chút để có được một khoản tiền đóng góp động viên cho các cháu học sinh nghèo hiếu học”. Theo tâm niệm của cụ Trinh, qua việc giúp đỡ, không mong các em trả ơn “nhà tài trợ” mà mong sao các em ra trường đi làm giúp ích cho bản thân, cộng đồng.

Con cháu dòng họ Đỗ, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp trong niềm vui ngày tốt nghiệp ĐH
 Con cháu dòng họ Đỗ, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp trong niềm vui ngày tốt nghiệp ĐH

Ở Đồng Tháp còn các Dòng họ khuyến học tộc họ Đỗ, ở ấp 2, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, được thành lập vào năm 2009. Dòng họ có 4 thế hệ gồm hơn 70 hộ với trên 400 nhân khẩu. Tộc họ Đỗ ở Tân Hồng có nhiều người đỗ đạt cao như: 4 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 45 người có trình độ cao đẳng, đại học, hơn 20 cháu đang học đại học, cao đẳng...

Theo ông Đỗ Xuân Hỷ, Chi hội trưởng Dòng họ khuyến học tộc họ Đỗ, trong tộc họ vẫn còn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do đó tộc họ đã thành lập Quỹ khuyến học nhằm giúp các con, cháu có chi phí, sách vở đến trường. Số tiền ủng hộ hằng năm được tộc họ trích ra hỗ trợ, khen thưởng cho các cháu trong tộc với mức từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng. Theo ông Hỷ, số tiền tuy không nhiều nhưng phần nào đã giúp các cháu trong họ có chi phí mua tập sách, quần áo đi học, giảm bớt phần nào khó khăn cho gia đình. Đồng thời, nhờ những hỗ trợ khen thưởng giúp các cháu cố gắng vươn lên học tốt.

Xã hội ngày càng đòi hỏi có nhiều nhân tài xây dựng đất nước. Muốn có nhân tài thì phải học, ngoài việc bản thân người học phải nỗ lực hết mình, yếu tố gia đình là vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến việc học của con em. Do đó, việc xây dựng mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, dòng họ khuyến học rất cần sự chung tay góp sức của mọi người, mọi gia đình và dòng họ. Nếu mỗi gia đình đều phấn đấu xây dựng gia đình hiếu học và nhiều gia đình hiếu học sẽ hình thành dòng họ hiếu học thì sẽ giúp cho thế hệ trẻ giỏi hơn, đồng nghĩa với việc giúp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đồng thời làm gương cho con cháu trong gia đình, dòng họ noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.