Lan tỏa “Cộng đồng học tập” cấp xã

GD&TĐ - Sau 4 năm triển khai đánh giá “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, đến nay, đã có 13/13 huyện, thị, thành của tỉnh Phú Thọ thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Điều đáng ghi nhận trong công tác này là việc đánh giá đã đi vào thực chất, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đã mang lại cơ hội học tập cho cộng đồng ở xã, phường.  

Một hội nghị đầu bờ cho người dân tham quan giống lúa mới của huyện Hạ Hòa, Phú Thọ
Một hội nghị đầu bờ cho người dân tham quan giống lúa mới của huyện Hạ Hòa, Phú Thọ

Cách thức triển khai bài bản

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT cấp tỉnh, Sở GD&ĐT phối hợp Hội Khuyến học tỉnh tổ chức chỉ đạo, triển khai nội dung Thông tư số 44 của Bộ GD&ĐT và Hướng dẫn của UBND tỉnh Phú Thọ về quy định, đánh giá “Cộng đồng học tập” cấp xã.

Đến nay, đã có 277/277 (xã, phường, thị trấn) đăng ký xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã. Kết quả kiểm tra, đánh giá, xếp loại cho thấy, toàn tỉnh Phú Thọ có 98 cấp xã (chiếm 35,4%) xếp loại tốt, 160 cấp xã (chiếm 57,76%) xếp loại khá, 9 cấp xã (chiếm 3,2%) xếp loại trung bình, chỉ có 10 cấp xã (chiếm 3,6%) là chưa đạt. Trong đó Việt Trì, Cẩm Khê, Tam Nông là những địa phương có nhiều đơn vị cấp xã xếp loại tốt.

Ông Đỗ Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để có được kết quả trên, trong 4 năm triển khai thực hiện TT số 44, BCĐ xây dựng XHHT cấp huyện, thị, thành đã phối hợp với Hội Khuyến học, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện ban hành các văn bản triển khai; Tổ chức tập huấn, triển khai đại trà; quán triệt đầy đủ 15 tiêu chí, cách thu thập minh chứng và quy trình đánh giá; đồng thời có sự phân công cụ thể cho các đơn vị liên quan phụ trách, giám sát, đánh giá từng tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị tiêu biểu như huyện Tân Sơn..., UBND cấp huyện ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, xếp loại và công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã.

Trong quá trình triển khai, đã có sự phối hợp khá chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức và các đơn vị đặc biệt là của Hội Khuyến học các cấp với Sở, Phòng GD&ĐT... các thiết chế phục vụ cho hoạt động giáo dục được đầu tư, tăng cường cho việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở các cơ quan, đơn vị...

Nâng cao nhận thức về vai trò của “Cộng đồng học tập”

Ông Đỗ Thanh khẳng định: Ở bất cứ đơn vị nào, khi triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân bước đầu đã có nhận thức đúng việc xây dựng XHHT là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân; hiểu được sự cần thiết của công tác Xây dựng XHHT trong thời kỳ mới.

Từ nhận thức đó, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp GD-ĐT, động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được đẩy mạnh tạo mọi thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Các ngành, đoàn thể bước đầu đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của ngành mình, tổ chức mình và đơn vị mình tham gia vào giám sát và đánh giá những tiêu chí được phân công.

Tác động nữa là triển khai công tác này đã thực sự động viên, khuyến khích phong trào xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã; tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Giúp cấp xã tự đánh giá để lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng “Cộng đồng học tập” phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời giúp UBND các cấp đánh giá thực trạng xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã và làm căn cứ đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo đúng mục tiêu đề ra trong chủ trương này của Trung ương.

Xác định được công tác đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã là việc làm thường xuyên, hàng năm để nhằm giúp cho các đơn vị địa phương cấp xã đánh giá thực chất và hiệu quả hơn công tác xây dựng XHHT tại địa phương; góp phần đánh giá về sự chuyển biến nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học tập suốt đời, học tập thường xuyên để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề góp phần nâng cao năng xuất lao động, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương;

Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về vai trò và lợi ích của công tác xây dựng các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” cấp xã. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng để huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã một cách thiết thực, hiệu quả…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ