Hôm qua (7/10), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cần sản xuất ít nhất 11 tỷ liều vắc xin chống Covid-19 để tiêm chủng cho 70% dân số ở mọi quốc gia. Ông nói rằng mục tiêu này có thể đạt được ở mức sản xuất hiện tại nếu việc phân phối diễn ra đồng đều.
Tại cuộc họp báo trực tuyến chung với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Ghebreyesus công bố khởi động chiến lược đạt được tiêm chủng Covid-19 toàn cầu vào giữa năm 2022. Theo đó dự kiến tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm 2021 và 70% trước giữa năm 2022.
Hiện tại việc phân phối vắc xin đang diễn ra không đồng đều, các nước có thu nhập cao và trung bình đã sử dụng 75% tổng số vắc xin được sản xuất cho đến nay, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ nhận được chưa đến một nửa của 1% vắc xin trên thế giới.
Nga hôm qua ghi nhận số ca mắc cao nhất trong năm khi nhà chức trách phải vật lộn để kiểm soát làn sóng ca mắc mới trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng chậm chạp. Lực lượng chống Covid-19 ở đây ghi nhận 27.550 ca mắc Covid-19, tăng gần 10% so với ngày trước đó. Số ca tử vong vượt 900 trong ngày thứ 2 liên tiếp với 924 ca.
Tại Syria, phía tây bắc do phiến quân nắm giữ đang đối mặt với làn sóng Covid-19 gia tăng chưa từng có. Các tổ chức viện trợ đang kêu gọi thế giới hỗ trợ nhân đạo và y tế, tăng công suất bệnh viện và đảm bảo người dân được tiêm chủng.
Theo quan chức địa phương, làn sóng dịch lần này dường như do biến thể Delta gây ra, khiến các bệnh viện chật kín bệnh nhân và gây ra tình trạng thiếu oxy y tế. Chính quyền địa phương do phiến quân kiểm soát đã áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm kể từ thứ 3 trong khi các trường học đã đóng cửa và học sinh phải học từ xa.