‘Lằn ranh đỏ’ của Mỹ với chính quyền Kiev là gì?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp tài chính cho Kiev là việc đảng Cộng hòa lên nắm quyền ở Mỹ sẽ hạn chế dòng tiền viện trợ cho Ukraine.

 ‘Lằn ranh đỏ’ của Mỹ với chính quyền Kiev là gì?

Hôm 16/12, ông Stavros Atlamazoglou, người phụ trách chuyên mục của cổng thông tin “19fortyfive” của Mỹ cho biết, chừng nào ông Joe Biden còn là Tổng thống Hoa Kỳ, nước Mỹ sẽ vẫn là nguồn cung cấp tất cả các nguồn lực cần thiết cho chính quyền Zelensky ở Kiev.

Theo tác giả bài báo, việc Lầu Năm Góc gần đây quyết định cung cấp hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Patriot cho Lực lượng Vũ trang Ukraine là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền Kiev, trong khi Nhà Trắng chưa sẵn sàng thực sự tài trợ kéo dài cho chế độ Zelensky.

Ông Atlamazoglou cho biết, Hoa Kỳ đã gửi 68 tỷ USD hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine và tính đến giữa tháng 11, chính quyền Biden đã yêu cầu Quốc hội gửi thêm 37,7 tỷ USD nữa, nâng tổng số viện trợ quân sự cho chính quyền của ông Zelensky lên con số 105,5 tỷ USD.

Tổng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho năm tài chính 2023 cần là 857,9 tỷ USD. Như vậy, viện trợ quân sự cho Ukraine đã chiếm tỷ lệ tới khoảng 12% của tổng chi tiêu quốc phòng. Nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, chi tiêu của Washington cho Ukraine sẽ không có hồi kết và chính quyền Kiev sẽ trở thành cái “máy ngốn tiền” của người dân Mỹ.

Chuyên gia Atlamazoglou nêu “Lằn ranh đỏ” cho việc Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ là việc đảng nào sẽ lên nắm quyền trong thời gian tới. Việc đảng Cộng hòa lên nắm quyền trong chính phủ có thể chấm dứt hoặc ít nhất là có thể làm giảm dòng tài chính đến Ukraine.

Ông nhấn mạnh rằng, thêm 12 tháng chiến sự có thể tiêu tốn hơn 100 tỷ USD tiền viện trợ và làm cho các nhà lập pháp có thể từ chối ủng hộ các biện pháp này mà không có bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Bình luận viên của cổng thông tin 19fortyfive kết luận, chính quyền của ông Biden hiện nay dường như không có kế hoạch rõ ràng khi sự hỗ trợ chính trị cho viện trợ liên tục sụp đổ, tất yếu sẽ dẫn đến sự phản đối đồng loạt với quy mô lớn hơn. Đây có thể là lằn ranh đỏ mà Mỹ không muốn vượt qua.

Đảng Cộng hòa lên nắm quyền ở Mỹ có thể giảm nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine
Đảng Cộng hòa lên nắm quyền ở Mỹ có thể giảm nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine

Cũng bình luận về viễn cảnh này, một bài báo trên tờ The Washington Post của Mỹ viết rằng, phương Tây đang xem xét tình huống xấu nhất cho cuộc xung đột Nga-Ukraine do thâm hụt ngân sách khổng lồ và nghi ngờ về việc liệu các đồng minh có thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Kiev với số lượng cần thiết hay không.

Tác giả nhấn mạnh, Ukraine ở trong tình trạng "rối loạn tài chính" từ lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng giờ đây nền kinh tế của nước này đang "trong tình trạng khó khăn". Nền kinh tế Ukraine có thể giảm thêm 5% trong năm tới, so với mức giảm 33% trong năm nay.

Ngoài ra, các tác giả lưu ý tới tình huống Lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tấn công, việc người Ukraine ồ ạt ra nước ngoài sẽ dẫn đến việc họ sẽ rút ra một lượng lớn tiền để chi tiêu, Ukraine sẽ chảy máu các khoản tiền đáng kể ra nước ngoài, dẫn tới nguy cơ làm sụp đổ đồng tiền quốc gia và chính quyền Kiev "sẽ cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa".

Bài báo nêu rõ, hệ thống năng lượng Ukraine hiện nay đang bị hư hỏng nghiêm trọng, một số quan chức cho rằng nước này có thể cần thêm 2 tỷ dollars mỗi tháng và các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây bắt đầu chuẩn bị làm cho những người ủng hộ mình đối mặt với những tình huống xấu nhất.

Ngoài ra, nếu không được bơm tiền, chính phủ Ukraine có thể không còn dự trữ quốc tế để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu quan trọng và không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài - một kịch bản “ngày tận thế” được coi là khủng hoảng cán cân thanh toán đối với một nền kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ