4 yêu cầu không thể thiếu với đề văn nghị luận

GD&TĐ - Đề nghị luận xã hội phải có tính giáo dục có tính giáo dục; thiết thực, phù hợp với học sinh; có tính thời sự; mới mẻ và hấp dẫn. 

4 yêu cầu không thể thiếu với đề văn nghị luận

Đó là những yêu cầu cần phải có đối với đề văn nghị luận theo quan điểm của thầy Nguyễn Văn Song (Trường THPT Phù Cừ - Hưng Yên).

Đề nghị luận xã hội phải có tính giáo dục có tính giáo dục

Nếu nghị luận văn học giúp học sinh nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm văn học, đưa ra những ý kiến đánh giá về các vấn đề văn học để từ đó bồi đắp thế giới tâm hồn, tình cảm của mình thì nghị luận xã hội lại giúp học sinh khả năng đưa ra ý kiến, suy nghĩ của bản thân mình trước những hiện tượng đời sống, trước các vấn đề xã hội, những tư tưởng đạo lý để từ đó hình thành ý thức công dân và nhân cách con người.

Chính vì thế, thầy Nguyễn Văn Song cho rằng, yêu cầu đầu tiên của một đề văn nghị luận xã hội là phải mang tính giáo dục cao.

Đề văn nghị luận xã hội phải định hướng giáo dục cho học sinh những tình cảm cao đẹp như tình yêu con người, yêu cuộc sống, yêu quê hương, cội nguồn, gia đình; bồi đắp cho học sinh nhân cách đẹp với các phẩm chất như lòng vị tha, sự dũng cảm, tính trung thực, lòng tự trọng; hướng học sinh đến lý tưởng sống, mục đích sống có ý nghĩa trong cuộ đời, những lối sống trong sáng, lành mạnh…

Điều tưởng như tất yếu này nhưng đôi khi, vì cách suy nghĩ chưa thấu đáo hoặc do kỹ thuật của người ra đề mà đề văn nghị luận xã hội chưa đảm bảo được tính giáo dục, thậm chí còn phản giáo dục.

Đề văn nghị luận xã hội phải có tính thiết thực, phù hợp với học sinh

Theo thầy Nguyễn Văn Song, đối tượng của các đề thi nghị luận xã hội chính là các em học sinh THPT độ tuổi từ 15 đến 18. Chúng ta ra đề để các em được nói nên những suy nghĩ, mong muốn, ý kiến của mình đồng thời chính chúng ta cũng muốn tác động, giáo dục, định hướng cho các em.

Muốn vậy, đề thi phải thiết thực, gần gũi và phù hợp với các em như mối quan hệ thầy trò, bạn bè, tình yêu tuổi học trò, ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai, khát vọng sống của tuổi trẻ, những tấm gương tuổi trẻ, những biểu hiện tiêu cực trong giới trẻ, trong nhà trường…

“Đừng nghĩ các em là các nhà chính trị, các học giả uyên bác, các nhà xã hội học mà ra cho các em những đề văn quá trừu tượng, đòi hỏi sự tư duy, suy nghĩ vượt tuổi.

Đã có thời câu nói của Gớt - nhà thơ, nhà triết học vĩ đại của Đức “Lý thuyết chỉ một màu xám xịt. Còn cây đời mãi mãi xanh tươi” hay câu nói của Herriot – nhà khoa học và chính khách, viện sĩ Viện hàn lâm Pháp “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả” được sách giáo khoa và nhiêu giáo viên lụa chon làm đề kiểm tra cho học sinh.

Thú thực, chính bản thân tôi thấy những đề văn ấy còn quá sức với mình huống chi là với học sinh. Hiểu thì hiểu được nhưng triển khai thành bài văn nghị luận xã hội với các thao tác cần có không phải là một điều đơn giản với những câu nói trên. Hàn lâm quá, triết lý sâu xa quá so với lứa tuổi học trò từ 15 đến 18 tuổi” – Thầy Nguyễn Văn Song cho biết.

Đề văn nghị luận xã hội phải có tính thời sự

Tính thời sự nghĩa là vấn đề nghị luận đang là vấn đề được xã hội quan tâm hoặc nó là những hiện tượng vừa mới diễn ra và có tác động mạnh đối với mọi người.

Có những vấn đề luôn giữ được tính thời sự, luôn là điều cần thiết phải giáo dục cho giới trẻ nhưng có những vấn đề nó chỉ mang tính thời sự trong một thời điểm nhất định nào đó.

Chẳng hạn vấn đề về môi trường, về tai nạn giao thông luôn là những vấn đề thời sự trong đời sống hiện đại.

Thầy Song đưa ví dụ: Trong đề thi tốt nghiệp năm 2013 có đề nghị luận xã hội về em Nguyễn Văn Nam, một học sinh ở Đô Lương (Nghệ An). 

Đề thi yêu cầu viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam khi lao xuống dòng nước cứu sống 5 học sinh rồi bị dòng nước cuốn trôi khi kiệt sức.

Đây là một đề thi mang tính thời sự lúc ấy vì sự kiện em Nam dũng cảm cứu 5 học sinh rồi tử nạn vừa mới diễn ra cách thời điểm đó không lâu. Đề văn ấy đã có tính giáo dục và tác động sâu sắc trong giới trẻ và dư luận nhờ tính thời sự cao.

Đề văn nghị luận xã hội phải mới mẻ và hấp dẫn

Cái hay của một đề nghị luận xã hội đúng nghĩa là ở chỗ nó không có sẵn như những đề nghị luận văn học nên tránh được việc học sinh quay cóp, sao chép, giúp học sinh độc lập tư duy, suy nghĩ.

Tuy nhiên, nếu các thầy cô không ra được đề mới mà sử dụng những đề đã quen thuộc thì cũng không khác gì đề văn nghị luận văn học. 

Những vấn đề cần nghị luận thì khó có thể mới nhưng ngữ liệu và cách hỏi thì phải mới, phải khác mới tạo được sự hứng thú và kích thích được sự suy nghĩ riêng của học sinh.

Điều đáng tiếc là rất ít thầy cô tự ra đề mới cho học sinh từ đề kiểm tra bài viết đến thi học kỳ, thi thử đại học.

“Gần đây, nếu quan tâm đến các đề nghị luận xã hội của các trường, hẳn sẽ bắt gặp những câu nghị luận xã hội đại loại như: Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh chị về câu nói “Bàn tay tặng hoa hồng luôn phảng phất hương thơm”; hay “Tôi đã khóc khi không có giầy để đi cho đến khi nhìn thấy người không có chân để đi giày” …

Nếu gõ những câu ấy vào Google hoặc tìm trong các sách tham khảo về nghị luận xã hội bạn sẽ bắt gặp nhan nhản những bài văn mẫu. Thực ra những đề ấy là rất hay, nhưng nó chỉ hay khi mới xuất hiện thôi, còn khi nó đã được các thầy cô dạy như luyện thi thì không nên đưa vào làm đề kiểm tra và thi cử nữa.

Không có đề nào là mới mãi cả vì thế giáo viên muốn dạy văn nghị luận xã hội tốt phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để ra được những đề bài mới và hay” – Thầy Nguyễn Văn Song chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ