Lạm thu trong trường học: Giật mình với… phụ phí

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024 bắt đầu gần 2 tháng nhưng nhiều phụ huynh học sinh vẫn thấy áp lực bởi các khoản thu chi đầu năm.

Phụ huynh TPHCM làm thủ tục nhập học lớp 10 cho con năm học 2023 - 2024.
Phụ huynh TPHCM làm thủ tục nhập học lớp 10 cho con năm học 2023 - 2024.

Trong đó, ngoài học phí người học còn phải đóng tiền quỹ và phụ phí khác.

Phụ phí gấp nhiều lần học phí

Đầu năm học, một trong những nội dung khiến phụ huynh phản ứng và bức xúc nhất là các khoản thu dưới danh nghĩa tự nguyện, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Cuối tháng 9 vừa qua, dư luận dậy sóng về bảng thu chi quỹ lớp đầu năm của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) lên hơn 300 triệu đồng.

Mỗi phụ huynh của lớp đóng quỹ 10 triệu đồng. Tính đến thời điểm trên, sau khi trừ các khoản chi thì quỹ lớp dư hơn 50 triệu đồng… Việc phụ huynh đóng quỹ lớp với số tiền thu chi như trên tạo ra phản ứng bất bình về thu chi đầu năm học.

Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh (TPHCM) đã kiểm tra và kết luận Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp vận động thu, chi sai quy định 247 triệu đồng và yêu cầu hoàn trả. Giáo viên chủ nhiệm lớp và hiệu trưởng bị phê bình vì để xảy ra sự việc. Ngay sau đó, Trường Tiểu học Hồng Hà đã trả lại tiền cho phụ huynh.

Trước đó giữa tháng 9/2023, phụ huynh lớp 10 Trường THPT Nguyễn An Ninh (Quận 10, TPHCM) cũng bức xúc về khoản thu 1,3 triệu đồng cho “phòng học tiên tiến”. Những học sinh đầu cấp đóng khoản tiền trên trong vòng 3 năm học THPT.

Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, phòng học tiên tiến là công trình tài trợ của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra làm việc trực tiếp với đơn vị thực hiện. Nhà trường chỉ giám sát, thu tiền học sinh từng lớp, quyết toán tiền theo yêu cầu của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Việc đóng các khoản thu đầu năm, được chị L, phụ huynh có con học tại trường tiểu học ở Quận 3 (TPHCM) chia sẻ, đầu năm đi họp phụ huynh không lo giáo viên chủ nhiệm thông tin việc học tập của con thế nào mà chỉ áp lực về các khoản thu mà Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra. Vấn đề này xảy ra nhiều năm nay ở các trường phổ thông song chưa đi đến hồi kết.

“Tôi nghĩ cần có chế tài riêng về thu quỹ phụ huynh đầu năm. Phải đưa ra một mức thu và không vượt quá 500 nghìn đồng/học kỳ/năm chẳng hạn. Việc này cần công khai, minh bạch, có dự toán thu chi, không phải là Ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý chi rồi cuối năm báo cáo cho xong”, chị L trao đổi.

Còn anh Nguyễn Văn Quyết, có 2 con học tại trường tiểu học ở TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ: “Đến mùa tựu trường của con gia đình lại ‘toát mồ hôi’ khi có đến ti tỉ khoản phải lo. Dù trường con học mỗi năm chỉ đóng 1 triệu đồng tiền quỹ phụ huynh, tôi đã thấy nhiều.

Gần đây qua báo chí, biết được một số trường, phụ huynh đóng góp đầu năm quá cao, chúng tôi khá “sốc”. Theo tôi, để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, cần nhiều biện pháp, hình thức kỷ luật đủ mạnh để răn đe, trong đó phải chấn chỉnh vai trò người đứng đầu”.

Bảng kê một số khoản thu đầu năm của Trường ĐH Đại Nam. Ảnh: Khôi Nguyên

Bảng kê một số khoản thu đầu năm của Trường ĐH Đại Nam. Ảnh: Khôi Nguyên

“Xanh mặt” với khoản “phí lạ”

Cuối tháng 8/2023, cùng với không khí nhập học sôi động ở các trường đại học, trên nhiều diễn đàn, tân sinh viên bày tỏ sự ngỡ ngàng với các khoản thu bắt buộc đóng đầu năm học. Đó là khoản để đồng phục, lệ phí nhập học, tài liệu số... thậm chí cả phí wifi. Các khoản tiền này dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng, khiến nhiều sinh viên gặp khó.

Cụ thể, tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, tân sinh viên N.T.N bất ngờ trước nhiều khoản phí phải đóng. Theo đó, nhà trường đưa ra danh mục 7 khoản thu đầu năm, gồm: Học phí (tạm thu 15 tín chỉ học kỳ I), bảo hiểm y tế (tạm thu 15 tháng), bảo hiểm tai nạn (4 năm học), thư viện số toàn khóa học, tin nhắn SMS một năm, sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa, hệ thống quét trùng lặp. Số tiền ban đầu mà N phải chuẩn bị khi nhập học là hơn 6,8 triệu đồng.

Sinh viên N thắc mắc về các khoản phải nộp như phí thư viện số toàn khóa học, tin nhắn SMS, hệ thống quét trùng lặp. Theo tìm hiểu, với khoản thu tin nhắn SMS, nhà trường sẽ gửi tin qua điện thoại cho sinh viên về các hoạt động, kết quả học tập. Hệ thống quét trùng lặp phục vụ cho việc kiểm tra, chấm điểm đồ án, luận văn tốt nghiệp để tránh đạo văn, đảm bảo tính trung thực trước khi sinh viên nộp sản phẩm học tập, nghiên cứu.

Hai khoản phí này tùy chọn, không bắt buộc sinh viên đóng. Song, đến ngày 2/9, trường thông báo hủy việc sử dụng hệ thống nhắn tin qua điện thoại (hệ thống SMS) và bỏ khoản thu “tin nhắn SMS” trong thông báo hướng dẫn thủ tục nhập học với tân sinh viên trước đó.

Tương tự, tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, danh mục sinh viên chính quy năm 2023 phải đóng gồm 13 khoản. Trong đó, 7 khoản bắt buộc phải đóng. Ngoài học phí 14 triệu đồng (chương trình chuẩn), các khoản lệ phí khác mà sinh viên phải đóng gồm:

Nhập học 280 nghìn đồng (bao gồm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng, thư viện, giấy xác nhận sinh viên); thư viện chính quy cả khóa 690 nghìn đồng; giáo trình tài liệu số do trường biên soạn 800 nghìn đồng; gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến - wifi học tập 500 nghìn đồng; kiểm tra tiếng Anh đầu vào 345 nghìn đồng; kiểm tra tin học đầu khóa (có 2 mức tùy chọn là 345 và 445 nghìn đồng). Ngoài các khoản bắt buộc này, tân sinh viên còn đóng một số phí tự chọn khác như bảo hiểm toàn diện 280 nghìn đồng; kỹ năng mềm 600 nghìn đồng; tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 là 4,5 triệu đồng.

Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2023. Ảnh: UTH

Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2023. Ảnh: UTH

“Cả học phí lẫn các khoản bắt buộc khoảng 20 triệu đồng. Tưởng không tăng học phí sẽ bớt phần nào gánh nặng tài chính, ai ngờ đủ thứ phí khác. Chưa biết xin tiền bố mẹ thế nào, vì trước khi nhập học, trường chỉ thông báo mỗi học phí”, một tân sinh viên phân trần.

Tại Hà Nội, tình trạng các khoản tiền ngoài học phí đối với tân sinh viên khi nhập học cũng diễn ra phổ biến. Dù Nhà nước đã miễn giảm học phí với đối tượng chính sách, nhưng khi nhập học, người học vẫn phải đóng góp thêm một số khoản thu khác ngoài học phí. Điều này khiến không ít gia đình chưa kịp vui vì con đỗ đại học đã lo lắng.

L.H.L – tân sinh viên Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) chia sẻ, khi tới làm thủ tục nhập học, cán bộ tư vấn cho biết em chỉ phải học 3 năm sẽ nhận bằng tốt nghiệp thay vì 4 năm như các trường khác. Mức học phí cho mỗi học kỳ là 13,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong danh mục các khoản đầu năm em phải nộp 7 loại tiền gồm: Học phí kỳ I là 13,5 triệu đồng; lệ phí nhập học 200 nghìn đồng; thẻ sinh viên 200 nghìn đồng; lệ phí khám sức khỏe 100 nghìn đồng; Đoàn phí toàn khóa 72 nghìn đồng; đồng phục sinh viên 150 nghìn đồng; Bảo hiểm y tế bắt buộc hơn 850 nghìn đồng.

“Dù xác định sẽ đóng học phí cao hơn các trường ĐH công lập khác nhưng em thấy bất ngờ khi được thông báo mỗi năm học 3 kỳ. Như vậy, số tiền học phí chúng em phải đóng là 40,5 triệu đồng. Ngoài ra, khoản lệ phí nhập học 200 nghìn đồng như em biết ở trường khác sẽ chi vào việc làm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng, thẻ thư viện và giấy xác nhận cho sinh viên. Tuy nhiên, nhà trường đã thu 200 nghìn đồng để làm thẻ sinh viên rồi thì khoản lệ phí kia liệu có hợp lý”, L. tâm sự.

Còn N.T.T – sinh viên năm thứ 1, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thì cho hay, ngoài học phí, nhà trường còn thu tiền khuyến học 20 nghìn đồng; di chuyển nghĩa vụ quân sự 10 nghìn đồng. Theo T, số tiền tuy không lớn nhưng cũng góp phần tăng thêm số tiền phải đóng đầu năm. Sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội học đại học phải lo tiền thuê trọ, sinh hoạt phí hằng tháng. Nếu không biết cân đối thì chỉ giữa tháng là phải nhờ “viện trợ” từ gia đình.

Thu chi các khoản thu đầu năm cần được tính toán hợp lý để việc phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh được chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh: INT

Thu chi các khoản thu đầu năm cần được tính toán hợp lý để việc phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh được chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh: INT

“Méo mặt” vì tiền trường

Có con học trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hương tâm sự, dịp đầu năm học, hai vợ chồng khá lo lắng. Bản thân làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, trong khi con nhỏ năm nay vào lớp 1, con lớn lên lớp 5 đều phải đóng góp nhiều khoản. Cấp tiểu học không đóng học phí, nhưng điều khiến chị và nhiều phụ huynh đau đầu là tiền quỹ đầu năm.

“Gần như năm nào khi họp phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đưa ra bảng dự tính thu chi cả năm học của lớp. Tôi nhìn đầu mục ngoài quỹ lớp 300 nghìn đồng còn có 300 nghìn đồng quỹ nộp về nhà trường, như vậy riêng tiền quỹ là 600 nghìn đồng/học sinh/năm.

Như năm ngoái, các hoạt động dành cho học sinh như tổ chức khai giảng, Tết Trung thu, văn nghệ chào mừng 20/11, làm bánh chưng Tết âm lịch… dùng tiền quỹ đó để chi cũng vừa hết. Ngoài ra còn chi tặng quà các cô vào mỗi dịp lễ, Tết”, chị Hương trao đổi.

Có con học mầm non ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị P.T.L kể: Đầu năm, cô giáo đề xuất cho trẻ học tiếng Anh với người nước ngoài, ai đăng ký thì báo với cô. Nếu mẹ nào không hoặc chậm đăng ký cho con sẽ được cô giáo gọi điện/nhắn tin hỏi lý do. Đồng thời tìm cách thuyết phục phụ huynh cho con học vì “các bạn đăng ký rồi”. Điều này vô hình trung đặt cha mẹ vào tình thế “sự đã rồi”.

“Thời gian vừa qua, báo đài nói nhiều đến việc các trường cố tình chèn giờ học liên kết, tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài, STEM, kỹ năng sống vào giờ chính khóa. Phụ huynh nào không đăng ký lại lo con bị đối xử phân biệt nên đành tự nguyện trên tinh thần bắt buộc. Tôi kiến nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị còn tình trạng này để học sinh có thời khóa biểu chính khóa theo đúng nghĩa, không bị chèn các hoạt động liên kết; ai thực sự có nhu cầu thì đăng ký”, chị Nguyễn Thị Phương trú tại quận Hoàng Mai nói.

Phần lớn phụ huynh mong, nhà trường công khai các khoản thu trong thông báo tuyển sinh và trên website nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cần làm tốt công tác giám sát cam kết, đảm bảo quyền lợi học sinh. Các khoản xã hội hoá không nên kêu gọi mà để phụ huynh tự tìm đến. Mọi kêu gọi có tính định hướng cũng khiến phụ huynh khó chịu. Công tác thanh/kiểm tra của cấp quản lý cần quyết liệt, công khai, chính xác và công bằng. Bảo vệ nhà trường nếu phụ huynh phản ánh sai và bảo vệ quyền lợi học sinh, phụ huynh nếu nhà trường sai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ