Lạm thu trong trường học: Khoảng cách giữa quy định và thực tiễn

GD&TĐ -  Từ quy định về xử lý trách nhiệm để xảy ra lạm thu đến thực tiễn còn khoảng cách xa...

Hoạt động tổ chức bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8, TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Hoạt động tổ chức bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8, TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Thông tư 55/2011 và Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nếu xảy ra sai phạm về lạm thu. Tuy nhiên, từ quy định đến thực tiễn còn khoảng cách xa.

Quy định một đằng, làm một nẻo

Năm học 2023 - 2024 bắt đầu khoảng 1 tháng, hàng loạt trường bị xã hội, báo chí nêu tên vì để xảy ra tình trạng lạm thu. Theo dõi khá kỹ các sự việc ở từng trường, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) nhận định, các trường bị phản ánh bởi thực hiện sai quy định của Thông tư 55/2011 về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Vấn đề đặt ra là tại sao các văn bản quy định đã có nhưng vẫn xảy ra vi phạm khiến phụ huynh bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, đầu năm học mới, tất cả quy định về thu chi, quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải được quán triệt, phổ biến rộng rãi - đặc biệt là nguyên tắc tự nguyện trong đóng góp. Các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục cần phân công cán bộ thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định tại các trường học để phát hiện việc làm chưa đúng, điều chỉnh kịp thời.

Theo thầy Phú, có thể thấy, trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện của giáo dục, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018, định hướng giá trị của học sinh là phát triển kỹ năng, hình thành phẩm chất với những tiêu chí rất rõ ràng.

Ngoài ra, cụm từ “công dân toàn cầu” được nhắc đến khá nhiều như một chuẩn mực cần hướng tới. Tuy nhiên, để học sinh trở thành “công dân toàn cầu” cần có yếu tố phải đáp ứng như: Trình độ ngoại ngữ, sử dụng tốt công nghệ, kỹ năng mềm. Như vậy trong quá trình hội nhập, việc dạy tin học, ngoại ngữ hay tổ chức các hoạt động để hình thành kỹ năng cho học sinh rất cần thiết.

“Những chương trình, hoạt động này muốn tổ chức cần có nguồn kinh phí nhất định để đầu tư phần mềm, cơ sở vật chất, con người... Nhưng nguồn kinh phí đó ở đâu, trong khi ngân sách Nhà nước phân bổ có giới hạn. Do đó, nhiều trường đã vận động thực hiện từ nguồn xã hội hóa”, thầy Phú nhận định.

Tuy nhiên, một số hiệu trưởng có phần nóng vội, trong khi nhiều phụ huynh mong muốn con em có môi trường học tập tốt nên nhanh chóng đồng ý. Sau đó, nhà trường bắt tay và thực hiện khi chưa được sự cho phép của cấp trên. Đó là nguyên nhân của sai phạm.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, việc thu chi xảy ra trong nhà trường, người đứng đầu phải nắm rõ. “Lãnh đạo nhà trường cần nhớ, theo Thông tư 55, kinh phí đóng góp cho các hoạt động của học sinh phải chi đúng mục đích, tức là chi cho người học, chứ không chi cho thầy cô hay cơ sở vật chất, bảo vệ... Còn với Thông tư 16, nếu vận động xây dựng một công trình hay cơ sở vật chất nào phải qua các bước, quy trình rõ ràng”, thầy Phú cho biết.

Bảng thông báo các khoản thu đầu năm của một trường THPT tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Bảng thông báo các khoản thu đầu năm của một trường THPT tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, việc cha mẹ đóng góp cho quỹ hội phụ huynh, sử dụng cho mục đích phục vụ dạy và học, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn là không sai.

Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT quy định rõ, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh. Tức là, phụ huynh đóng góp quỹ lớp dựa trên tinh thần tự nguyện. Đã là tự nguyện thì có quyền đóng hoặc không, đóng bao nhiêu tùy mỗi người.

Ngoài Thông tư 55/2011, TPHCM có hàng loạt văn bản quy định rõ các khoản đóng góp của phụ huynh trong năm học, như: Công văn 1427 năm 2019 của UBND TPHCM hướng dẫn thực hiện Thông tư 16/2018; các công văn hướng dẫn thu chi, quy định học phí của Sở GD&ĐT TPHCM.

Nhìn chung, cơ sở pháp lý cho các khoản thu chi, quỹ phụ huynh học sinh rất rõ ràng, minh bạch. Tất cả đều bảo đảm nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn nhiều cơ sở giáo dục không làm đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận và xã hội như một số trường bị báo chí phản ánh thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, trong việc này, ranh giới giữa đóng góp tự nguyện với việc ép buộc, lạm thu rất mong manh. “Nguyên tắc vận động quỹ phụ huynh tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và sự tự nguyện của cha mẹ học sinh, không thể cào bằng.

Nhưng trước một cuộc họp phụ huynh công khai, hội phụ huynh yêu cầu biểu quyết việc đóng góp đồng đều, thử hỏi phụ huynh nào ‘dám’ không giơ tay? Sẽ có phụ huynh nghèo, không đủ điều kiện phải ‘bấm bụng’ biểu quyết đồng ý với mong muốn con mình không bị phân biệt đối xử”, ông phân tích.

Để khắc phục vấn nạn lạm thu, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, cần đánh giá đúng vấn đề tại các cơ sở giáo dục xảy ra lạm thu trong thời gian qua trên cả nước: Xác định nhà trường đã chi sai những gì, mức độ sai ra sao, do chủ quan hay khách quan.

Nếu xác định được nguyên nhân sai phạm là cố tình, do không chịu nghiên cứu kỹ các quy định của Bộ GD&ĐT, địa phương, cần xử lý nghiêm khắc, tùy vào mức độ. Xử lý nghiêm sẽ tránh được tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục khác. Nếu nguyên nhân sai phạm là khách quan, do các quy định, hướng dẫn của địa phương, sở GD&ĐT chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm, trường học đề xuất điều chỉnh quy định sao cho rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện.

Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TPHCM) sơn sửa lại phòng học. Ảnh: Mạnh Tùng

Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TPHCM) sơn sửa lại phòng học. Ảnh: Mạnh Tùng

Hiệu trưởng không thể vô can

Từ thực trạng lạm thu thời gian qua, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, các quy định thu chi trong trường học, cần nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Cùng quan điểm trên, thầy Huỳnh Thanh Phú nhìn nhận, khi có sai phạm về thu chi, lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm chứ không phải giáo viên chủ nhiệm.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cũng cho hay: “Những thông tin liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường, hiệu trưởng phải nắm, bàn bạc để có sự đồng thuận chung. Không thể có chuyện ở trong trường mà hiệu trưởng không biết”.

Nêu quan điểm, ông Hồ Tấn Minh đồng thời cho hay, đơn vị kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở giáo dục để phát hiện sai phạm. Sở kiên quyết xử lý nghiêm đối cơ sở giáo dục nếu làm sai quy định về việc thu chi.

Sở GD&ĐT TPHCM cũng vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu vận động tài trợ. Theo đó, trường trên địa bàn TPHCM sẽ không có quỹ lớp, trường. Tất cả hoạt động thu trong nhà trường hiệu trưởng phải kiểm duyệt và chịu trách nhiệm. Trước khi thực hiện thu phải có dự toán và công khai rõ ràng cho phụ huynh học sinh về mục đích thu và chi, dự toán được sở duyệt mới được phép thu.

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, nhà trường cần khuyến khích các nhà tài trợ thực hiện đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục. Tức là, việc đóng góp cần mở rộng nguồn tài trợ, không tập trung vào vận động từ cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT TPHCM cũng nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do tổ chức này quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của mình.

Ngoài ra, hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của Ban; chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi, về lâu dài, trường công lập cần hướng đến việc “không thu bất cứ khoản tiền nào của phụ huynh ngoài các khoản trong quy định”.

Bởi, Nhà nước đã cấp ngân sách cho nhà trường để thực hiện việc tổ chức dạy học, được tính toán để có thể thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ của mình. Từng bước, ngân sách Nhà nước dần nâng cao, đáp ứng nhu cầu cho giáo dục và đào tạo.

“Việc này để tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục. Học sinh trong cùng trường đều được thụ hưởng nền giáo dục như nhau. Phụ huynh chọn trường công là chấp nhận như vậy.

Không thể tồn tại lớp cha mẹ học sinh có điều kiện, góp tiền trang trí lớp, mua máy lạnh cho con em mình. Trong khi cũng tại ngôi trường này, học sinh lớp khác phải học trong phòng học cũ, bàn ghế, quạt máy. Đây là sự bất công, ảnh hưởng lớn và lâu dài trong tâm thức học sinh bởi cảnh trái ngược nhau hiện ra hằng ngày”, ông Lê Ngọc Điệp nhận định.

Để làm được điều này, ông Lê Ngọc Điệp cho rằng, các địa phương (cấp huyện, tỉnh) thành lập quỹ hỗ trợ học đường, do nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đóng góp.

Quỹ này dùng để: Giúp các trường có cơ sở vật chất xuống cấp, Nhà nước chưa kịp tu bổ hay xây dựng mới; hỗ trợ giáo viên, công nhân viên trong ngành Giáo dục gặp khó khăn, đau yếu; khen thưởng giáo viên, nhân viên, học sinh xuất sắc, có những việc làm điển hình mang tính giáo dục. Đây là hình thức xã hội hoá để mọi người có thể đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đồng thời cũng đảm bảo chương trình giáo dục quốc gia được thực hiện tốt nhất.

Đồng thời, trường công lập chỉ dạy đúng chương trình giáo dục chung của Bộ GD&ĐT. Tất cả chương trình liên kết, kỹ năng do trung tâm triển khai phải tự lo cơ sở vật chất, thời gian, học phí. Phụ huynh nào muốn cho con học thì đăng ký, không liên quan gì đến chương trình chính khoá.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, trong việc thu quỹ cha mẹ học sinh, cần xem xét và có chế độ chính sách hỗ trợ những học sinh khó khăn đồng thời vẫn phải theo tinh thần tự nguyện. Nếu việc này không làm được sẽ dẫn đến bức xúc từ phía phụ huynh và tổn thương cho một số em điều kiện khó khăn.

“Nhà trường khi triển khai phải cân đo đong đếm, thu đủ, chi đủ, không thu dư để rồi chi vào các khoản khác, trái với mục đích vận động lúc đầu. Phải lên kế hoạch thu chi rõ ràng và thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh”, Hiệu trưởng này cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ