Làm thêm dịp hè: Tăng thu nhập, rèn kỹ năng

GD&TĐ - Tận dụng thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên tranh thủ đi làm thêm một số công việc để cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình.

Công việc nuôi lợn, ong lấy mật được một số giáo viên tại Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội) lựa chọn làm thêm dịp hè. Ảnh: Đình Tuệ
Công việc nuôi lợn, ong lấy mật được một số giáo viên tại Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội) lựa chọn làm thêm dịp hè. Ảnh: Đình Tuệ

Dù vậy, thầy cô luôn chú ý cân bằng để không ảnh hưởng đến chuyên môn, tránh những cạm bẫy.

Tận dụng lợi thế

Cô Nguyễn Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội) nhìn nhận, với đặc thù của cấp học nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, công việc của giáo viên mầm non trong năm học vô cùng vất vả vì vừa phải chăm sóc, giáo dục trẻ. Nằm ở địa bàn vùng núi, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên mỗi dịp nghỉ hè, phụ huynh thường tự trông trẻ tại nhà chứ không gửi ở trường.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo lưu ý, ở góc độ nhất định, giáo viên làm thêm dịp hè giúp giải tỏa những áp lực căng thẳng, lo âu về tài chính. Dù là công việc gì cũng cần giữ gìn sức khỏe, không để ảnh hưởng đến chuyên môn. Đặc biệt, trên mạng xã hội luôn có nhiều cạm bẫy lừa đảo như đầu tư tài chính, bán hàng đa cấp, giới thiệu việc nhẹ lương cao… Do đó, các thầy cô phải tỉnh táo, cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội để nhận dạng những hình thức lừa đảo, chủ động đề phòng, đối phó.

Suốt ba tháng hè, các cô chỉ thay phiên nhau trực theo kế hoạch của ban giám hiệu và phòng GD&ĐT huyện. Do vậy, thời điểm này, các cô thường tranh thủ làm thêm nhiều công việc khác để cải thiện thu nhập. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, có cô đi chợ buôn bán, hái chè, phơi lúa thuê, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn, kinh doanh hàng online…

Tận dụng lợi thế và đặc thù của địa phương, cô Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Mầm non Khánh Thượng B lựa chọn việc nuôi ong lấy mật trong thời gian nghỉ hè. Cô đã học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để chăm đàn ong khỏe mạnh, cho năng suất, chất lượng cao. Việc này cũng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống nóng thích hợp cho đàn ong.

Với cô Vy Thị Hồng - Trường Mầm non thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), mùa Hè là thời gian cô ưu tiên chăm sóc cửa hàng thuê trang phục của mình. “Mức lương giáo viên còn hạn chế, để bám trụ với nghề, nhiều đồng nghiệp phải làm thêm các việc như trồng rau, làm đồ ăn vặt để bán cho các cửa hàng, người tiêu dùng. Cũng có người tham gia dạy năng khiếu ở một số trung tâm để kiếm thêm. Dù thu nhập chỉ vài ba triệu đồng/tháng nhưng phần nào đó giúp chúng tôi có thêm đồng ra, đồng vào”, cô Hồng trải lòng.

Thầy Nguyễn Văn Vượng trong giờ dạy bơi dịp hè cho học sinh tại Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Thầy Nguyễn Văn Vượng trong giờ dạy bơi dịp hè cho học sinh tại Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Thử sức với lĩnh vực mới

Là giáo viên hợp đồng tại quận Hà Đông (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Trang tâm sự, các thầy cô trong biên chế được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ hè sẽ đỡ được gánh lo về kinh tế gia đình. Còn giáo viên hợp đồng thì không được hưởng lương ngày hè nên phải làm thêm các công việc khác nhằm tăng thu nhập.

“Để nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi tranh thủ bán online các mặt hàng từ quần áo đến mỹ phẩm. Trong năm học do bận công việc trên lớp nên chỉ làm túc tắc. Thời gian nghỉ hè, cả hai vợ chồng tập trung nhập hàng, lên đơn, rồi vận chuyển cho khách nên cũng nhộn nhịp hơn. Dù là công việc tay trái nhưng đem lại nguồn thu nhập khá ổn, nếu chịu khó có thể kiếm 8 - 10 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, việc này giúp tôi có thêm nhiều mối quan hệ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp”, cô Trang nói.

Tương tự, cô Hoàng Thị Hảo - Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) cũng dành thời gian này cho đam mê bán hàng. Nữ nhà giáo chia sẻ, ngoài đồng lương nghề giáo, nguồn thu nhập tăng thêm của cô chính là bán hàng online. Các mặt hàng cô bán chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như xà phòng, dầu ăn hay các vật dụng sinh hoạt…

“Ở huyện miền núi, nhiều gia đình không tiện đi lại. Vì vậy, thay vì chạy lên thị trấn/ thành phố, họ chọn những mặt hàng gia dụng hàng ngày qua kênh bán hàng Facebook, Zalo… Mua hàng trực tuyến, họ cũng được giao hàng tận nơi nên khá thuận tiện”, cô Hảo nói.

Để thu hút khách hàng, thay vì thu phí tiền vận chuyển, cô đưa đến tận nhà, nhờ vậy lượng khách hàng luôn ổn định. Làm thêm dịp hè không chỉ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà còn giúp nữ nhà giáo được thử sức với công việc trái ngành, củng cố các kỹ năng cần thiết, tiếp cận được phần nào xu thế lao động.

Nhìn nhận vấn đề này, thầy Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho rằng, giáo viên đi làm thêm dịp nghỉ hè là nhu cầu chính đáng. Tùy vào điều kiện mỗi địa phương và hoàn cảnh cụ thể, thầy cô có thể tranh thủ làm một số công việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đa số giáo viên của trường khi được nghỉ hè sẽ về quê để thăm người thân. Chỉ một số ít thầy cô bán hàng online các sản vật của địa phương, được nhiều người ưa chuộng và biết đến.

Gắn bó hơn chục năm tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh, cô Đặng Thị Thu Huyền bán online các mặt hàng của địa phương như măng khô, hạt chuối rừng, chẳm chéo, dao dân tộc… cho khách hàng các tỉnh/thành. Việc kinh doanh online được cô thực hiện trong dịp nghỉ hè cũng giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn. Khi chuẩn bị bước vào năm học, cô Huyền và các đồng nghiệp lại tập trung cho nhiệm vụ giảng dạy trên lớp cũng như các kế hoạch chuyên môn của nhà trường.

Cô giáo mầm non Vũ Thị Hương tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Ngô Chuyên

Cô giáo mầm non Vũ Thị Hương tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Ngô Chuyên

Trau dồi chuyên môn

Những ngày này, căn phòng nhỏ của cô giáo mầm non Vũ Thị Hương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bước sang kỳ nghỉ hè, cô Hương tất bật với công việc rèn thêm cho học sinh bị ngọng, việc này giúp cô có thêm khoản thu nhập chi tiêu cho gia đình bằng 1/2 số lương đi dạy hằng tháng.

Theo chia sẻ của cô Hương, hiện nhiều trẻ nhỏ, kể cả người lớn bị ngọng nên cô mong muốn dành thời gian rảnh để giúp đỡ học sinh tại địa phương. “Công việc giúp tôi có thêm thu nhập, nhưng đó không phải mục đích chính, quan trọng là giúp bản thân có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trau chuốt về lời nói, sửa khuyết điểm trẻ”, cô Hương nói.

Với cô Hương, giáo viên mầm non được ví như nghề nguy hiểm. Lý giải về điều này, cô Hương cho hay: “Ngoài chăm sóc, nuôi dạy trẻ, các cô phải đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% cho các cháu. Do đó, mức lương thỏa đáng hoặc ngang bằng, cao hơn cấp tiểu học, THCS, THPT là hoàn toàn xứng đáng. Hiện tại, giáo viên mầm non đang bị xếp lương ở mức thấp hơn các cấp học khác”.

Kỳ nghỉ hè đến, thay vì dành trọn thời gian nghỉ với gia đình thì cô Nguyễn Thị Thư - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại chọn ở lại thành phố, tận dụng khoảng thời gian này đi dạy thêm tại các trung tâm để cải thiện thu nhập; đồng thời nâng cao kỹ năng sư phạm, trau dồi chuyên môn.

Cô Thư chia sẻ: “Một số đồng nghiệp của tôi lựa chọn bán hàng online hay phụ gia đình làm nghề truyền thống… trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu học thêm mùa Hè của học sinh, phụ huynh khá lớn nhằm gia cố lại kiến thức bị hổng, chuẩn bị hành trang cho năm học mới bởi vậy tôi lựa chọn dạy thêm để đúng với sở trường, năng lực, đồng thời phát huy được chuyên môn”.

Theo cô Thư, dạy thêm hè mang lại một khoản thu nhập nhỏ cho giáo viên, cùng đó, việc tiếp cận với nhiều nhóm học sinh và tăng cường giảng dạy trong hè sẽ mang lại cho mình những kỹ năng sư phạm, trải nghiệm từ đó rút ra bài học cho những người làm nghề. “Không chỉ vậy, tôi đang ở trọ nên khoản tiền làm thêm cũng giúp trang trải sinh hoạt phí trong những tháng tới, đồng thời dành ra một phần nhỏ gửi biếu gia đình”, cô Thư tâm sự.

Là giáo viên dạy Giáo dục thể chất ở Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Vượng vẫn tham gia dạy bơi cho nhiều câu lạc bộ bơi trong hè cho học sinh. Trong tháng 6, 7 nếu phụ huynh nào có nhu cầu sẽ đăng ký để các em tham gia học bơi tại bể bơi thông minh được lắp đặt tại trường.

“Ngoài cải thiện đời sống cho thầy cô, dạy bơi dịp hè cũng góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Với giáo viên, chỉ cần được phát huy thế mạnh chuyên môn và phụ huynh ghi nhận cũng trở thành niềm động viên lớn. Do đó, tôi không nghĩ đây chỉ là công việc làm thêm ngắn hạn mà sẽ cố gắng rèn luyện cho các em nhiều kỹ năng quan trọng khác”, thầy Vượng chia sẻ thêm.

“Trong quá trình bán hàng, tôi được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, xử lý các tình huống trong hoàn cảnh cụ thể linh hoạt, hợp lý hơn; đặc biệt có thể tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp phù hợp với đặc thù địa phương. Mặc dù thu nhập từ việc bán hàng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương thu nhập từ nghề giáo giúp tôi cải thiện cuộc sống, yên tâm khi đứng trên bục giảng”, cô Hoàng Thị Hảo tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ