Làm sao ngăn “thổi giá”?

GD&TĐ - Vụ việc Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí đầu vào để “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 và cung cấp cho các địa phương đang làm rúng động dư luận.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vẫn biết chỉ định thầu trong đầu tư, mua sắm công là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, nhưng 30 tỷ đồng “hoa hồng” mà Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận từ Công ty Việt Á cho một hợp đồng mua bán trị giá 152 tỷ đồng thực sự là con số gây sốc.

Trong khi cả nước gồng mình chống dịch, đội ngũ y bác sĩ vất vả ngày đêm nơi tuyến đầu, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì gánh nặng chi phí xét nghiệm…, không thể chấp nhận Giám đốc CDC Hải Dương một công bộc của người dân, một quan chức chịu trách nhiệm bảo vệ người dân lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và “ăn dầy” đến vậy!

Vụ việc chắc chắn còn nhiều phức tạp, khi danh sách các tỉnh bị nghi vấn về vấn đề “thổi giá” thiết bị xét nghiệm virus tiếp tục dài ra và thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á hay chưa chưa được làm rõ. Nghi ngờ cũng không chỉ dừng lại riêng trong gói thầu mua sắm kit, máy xét nghiệm mà còn mở rộng sang các gói thầu mua các thiết bị vật tư y tế khác phục vụ cho phòng chống dịch bệnh.

Chân tơ kẽ tóc vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Điều có thể khẳng định ngay tại thời điểm này đó là chống tham nhũng trong khu vực công không thể trông vào đạo đức công vụ và cũng không thể dựa vào tính răn đe của những phiên tòa, những án điểm.

Ngay trong tình huống nguy nan nhất là bệnh dịch đang hoành hành, khi hầu hết xã hội nghĩ rằng không thể có chuyện xà xẻo công sản, thì việc đó vẫn xảy ra như ở CDC Hà Nội trước đây, ở CDC Hải Dương hiện nay.

Và thực tế, bản án 10 năm tù của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm dường như không mảy may “đánh động” đến Giám đốc CDC Hải Dương và nhiều vị quan chức khác!

Cho đến thời điểm này, tất cả những hợp đồng mua sắm của các trung tâm kiểm soát bệnh tật bị nghi ngờ thổi giá đều là các vụ việc chỉ định thầu. Một khi đã chỉ định thầu thì lấy đâu ra hàng hóa, dịch vụ với mức giá cạnh tranh.

Chỉ định thầu chỉ tạo ra lợi thế cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp có quan hệ gần gũi với các quan chức có quyền quyết định. Vậy thì đừng lấy lý do “khẩn cấp”, cần rút ngắn thời gian để chỉ định thầu, bởi thực tế đã cho thấy dù chỉ định thầu có được bổ trợ bằng những quy trình, thủ tục thế nào đi chăng nữa cũng không thể ngăn được tham nhũng.

Để ngăn thổi giá trong các gói thầu mua thiết bị vật tư y tế phục vụ cho phòng chống dịch bệnh, rộng ra là để chống tham nhũng trong mua sắm công, cách duy nhất là đấu thầu công khai, minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ