Tiến sĩ gốc Việt lập thư viện tiếng Việt trên đất Úc

GD&TĐ - Ở bang Queensland – Úc có một gia đình người Việt Nam sinh sống được 7 năm. Khi đi làm việc, đi học, các thành viên trong gia đình nói tiếng Anh, nhưng cứ đặt chân về nhà là mọi người lại trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Đôi khi bố mẹ hỏi gì, hai cậu con trai quên mất trả lời “No/Yes”, TS Nguyễn Hồng Hải lại nhắc nhẹ: “Trả lời bố bằng tiếng Việt đi con!” . Tiếng Việt, văn hóa Việt được giữ gìn mỗi ngày…  

TS Nguyễn Hồng Hải tại khóa tập huấn “Bình đẳng giới trong lĩnh vực cải cách” tổ chức tại Hà Nội
TS Nguyễn Hồng Hải tại khóa tập huấn “Bình đẳng giới trong lĩnh vực cải cách” tổ chức tại Hà Nội

Mong ước giữ gìn, truyền bá văn hóa Việt Nam

TS Nguyễn Hồng Hải nguyên là giảng viên khoa Quốc tế học Trường ĐH Hà Nội, hiện anh là Cán bộ Phát triển, Nghiên cứu viên về Chính trị học tại Trường ĐH Công nghệ Queensland (QUT). Mấy năm gần đây, QUT tổ chức các khóa học ngắn hạn cho các cán bộ, giảng viên, lãnh đạo trường ĐH Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills), TS Hồng Hải có thời gian về Việt Nam nhiều hơn. Bên cạnh công việc chính của QUT, anh âm thầm thực hiện “dự án cuộc đời” của mình - xây dựng một không gian văn hóa Việt tại nước Úc.

TS Nguyễn Hồng Hải
  • TS Nguyễn Hồng Hải

Anh Hồng Hải kể: Trong một lần nói chuyện với một học viên của khóa học Aus4Skills, câu chuyện xoay quanh việc học hành của con em người Việt ở Úc, anh Hải chợt nghĩ con mình thiếu sách tiếng Việt trầm trọng. Anh Hồng Hải có hai con trai. Con trai lớn hiện học năm thứ hai ĐH, khi mới sang Úc học hết lớp 6, tiếng Việt rất tốt.

Con thứ hai học hiện học lớp 11, khi sang Úc học hết lớp 3 ở Việt Nam, tiếng Việt không tốt lắm. Nhìn sang con cái của những người bạn đang sống ở Úc, anh thấy tiếng Việt của các con rất kém, đặc biệt là thế hệ sinh ra ở Úc. Ngay cả bạn bè anh sống ở nước ngoài lâu, tiếng Việt cũng rơi rụng ít nhiều. Nhiều gia đình cũng quan tâm đến việc dạy con cái học tiếng Việt, gửi con đến một số trung tâm nhưng ngôn ngữ được học đó có phần hơi xa so với ngôn ngữ Việt Nam hiện tại. Anh Hồng Hải nảy ra suy nghĩ: Tại sao không xây dựng một thư viện không chỉ có sách mà còn dạy tiếng Việt miễn phí?

Anh Hồng Hải bắt đầu tìm hiểu cách thức giữ gìn văn hóa của người Trung Quốc tại Úc. Họ tổ chức các lớp dạy tiếng Trung ở chùa, vừa nâng cao tinh thần đoàn kết, vừa lưu giữ được nét văn hóa, chữ viết, tiếng nói của mình. Nhưng ở một số ngôi chùa của Việt Nam tại Úc lại không có lớp dạy tiếng Việt. Điều này càng củng cố thêm quyết tâm xây dựng thư viện, tổ chức lớp học tiếng Việt cho con em người Việt và cả người nước ngoài. Cứ nghĩ đến việc đích thân mình sẽ lên lớp dạy học tiếng Việt 2 buổi/tuần, lưu giữ, truyền bá tiếng nói, văn hóa Việt Nam lan rộng, anh Hồng Hải lại thấy rất lâng lâng hạnh phúc!

TS Nguyễn Hồng Hải bên tủ sách tiếng Việt tại nhà
TS Nguyễn Hồng Hải bên tủ sách tiếng Việt tại nhà

Hình dung dự án không gian văn hóa Việt

Xung quanh thư viện sách tiếng Việt, TS Hồng Hải rất tham vọng khi xây dựng một dự án không gian văn hóa Việt, đó là một quần thể có thư viện sách tiếng Việt, có chùa, có lớp dạy học tiếng Việt miễn phí, có những nét văn hóa của người Việt… Để tìm được một không gian có cây xanh để mọi người thư giãn, giải trí, có khóm tre, bụi trúc, có tiếng chuông chùa thanh tịnh, có sự thanh thản tĩnh tâm để đọc, trẻ con có không gian chơi thì chỉ có thể ở vùng ngoại ô xa thành phố. Mọi người đến đây là sẽ ở cả ngày.

Ở Úc có văn hóa cắm trại. Thế nên việc thu hút nhiều người đến không gian văn hóa Việt vào dịp cuối tuần, cả gia đình cắm trại, ở lại qua đêm là hoàn toàn khả thi. Những dịp lễ tết cổ truyền của Việt Nam, tại không gian văn hóa Việt có thể tổ chức những ngày hội để mọi người đến tham gia sinh hoạt, nhớ về những nét văn hóa của người Việt…, trở thành một điểm du lịch. Cho đến nay, tại bang Queensland chưa có nơi nào tổ chức một công trình riêng về văn hóa Việt Nam như vậy. Ở một góc nào đó, có lẽ TS Hồng Hải là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng này.

Hiện rất nhiều người Úc yêu thích văn hóa Việt Nam, tìm đến các trung tâm đóng tiền để học tiếng Việt. Tôi kỳ vọng Dự án về Không gian văn hóa Việt Nam với các lớp dạy học tiếng Việt miễn phí sớm đi vào hiện thực để phục vụ cho những người muốn học tiếng Việt và muốn nói tiếng Việt, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

 
TS Nguyễn Hồng Hải

Theo TS Hồng Hải, việc đặt vấn đề xin đất hoặc thuê đất của chính phủ Úc sẽ không quá khó khăn, bởi đất đai của Úc rất rộng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, nhóm, tổ chức xây dựng như làng văn hóa cho người già, xây dựng chùa chiền đều được chính phủ cấp đất. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất. “Tôi đang tìm đối tác tin cậy và tâm huyết như mình. Điều này thực sự không dễ dàng. Vì có những người sẵn sàng bỏ tiền ra nhưng sẽ đặt mục đích kinh doanh để thu hồi vốn. Tất nhiên đó là nhu cầu chính đáng nhưng tôi đặt mục tiêu sẽ không kinh doanh thu lợi mà chỉ thu phí vừa đủ để duy trì công trình mà thôi”. – TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Hiện thư viện tiếng Việt của TS Hồng Hải cũng đã có vài trăm cuốn sách. Bên cạnh việc tự mua sách ở Việt Nam mang sang Úc, anh kêu gọi sự hỗ trợ của nhiều người. Biết được ý tưởng của TS Hồng Hải, mỗi đoàn học viên sang Úc học theo chương trình của Aus4Skills đều nhiệt tình mang sách, truyện tặng cho thư viện. Khi kêu gọi, anh Hải mong mọi người đóng góp sách cũ không dùng đến trong gia đình, nhưng rất nhiều người mua sách mới tặng thư viện của anh.

“Kho sách” hiện tại rất phong phú, có sách chuyên đề về văn hóa, chuyên đề lịch sử, xã hội, có sách thiếu nhi, tiểu thuyết... TS Hồng Hải tự tin với nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người, tới đây tủ sách của anh sẽ có đầy đủ các thể loại phục vụ cho việc tuyên truyền văn hóa người Việt, để những người Việt trên nước Úc và bạn bè quốc tế vừa học được tiếng Việt, vừa hiểu được văn hóa Việt Nam, người Việt tại Úc giữ được lịch sử, văn hóa nguồn cội của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ